Giải VnExpress Marathon Huế ban đầu không nằm trong kế hoạch của tôi trong năm 2020. Nhờ sự động viên, rủ rê và dụ dỗ của rất nhiều chị em trong trường, tôi đã xuống tay mua bib (số áo chạy) vào ngày cuối cùng mở bán. Ngẫm lại, đó thực là quyết định đúng đắn! Vì chuyến đi đó đã giúp tôi cười nhiều hơn, có nhiều trải nghiệm và đặc biệt cho tôi thêm nhiều năng lượng tích cực để quay trở lại công việc với một tâm thế mới.
Tôi đi cùng hội chị em từ tối 24/12 - đúng vào dịp Giáng sinh, cách 2 ngày trước khi giải chính thức khởi tranh. Sắp xếp đi sớm như vậy để có thời gian thảnh thơi dạo chơi Huế, lang thang vài con phố khu trung tâm, thưởng thức vài món ăn đặc trưng ở đất cố đô. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 tôi đến Huế, nhưng cảm xúc vẫn như thuở ban đầu. Huế nhẹ nhàng, trong lành, đồ ăn hợp khẩu vị và con người thân thiện.
Ngày đi lấy racekit (áo, bib, chiptime (đồ đo giờ chạy) và vật phẩm của BTC), chúng tôi hẹn nhau mặc áo dài vào Đại nội chụp ảnh và quen được một anh nhiếp ảnh gia người Bình Định. Anh chụp cho chúng tôi miễn phí. Đó là những thiện cảm đầu tiên của chúng tôi trên đất Huế trong chuyến đi này. Phải thừa nhận, vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của Đại nội Huế như tôn thêm cho vẻ đẹp của chiếc áo dài mà chúng tôi đang mang. Nó bật lên những giá trị truyền thống, văn hoá, lịch sử. Tôi mê mẩn với chiếc áo dài, thướt tha rảo bước bên những bức tường thành ám màu rêu cũ. Khác, thật khác với hình ảnh của một VĐV tham gia giải chạy marathon. Đó cũng làm một ‘bất ngờ’ thú vị của VnExpres Marathon trên đất Huế.
Buổi chiều, tôi cùng đại diện Hiệp hội FPT Run đi thăm 2 gia đình đồng nghiệp FPT Telecom Huế. Gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh và Đặng Văn Quan (nhân viên chi nhánh) - đây là 2 trong tổng số 8 trường hợp mà Hiệp hội FPT Run thực hiện trao quà hỗ trợ đợt 1, trích từ quỹ chương trình Chạy vì đồng nghiệp miền Trung.
Trò chuyện với gia đình các anh, tôi mới thấm được nỗi vất vả, khó khăn của con người nơi đây mỗi lần ‘mẹ thiên nhiên’ nổi giận. Bão chồng bão, lũ chồng lũ. Liên tiếp không kịp trở tay. Là một đứa sống ở nơi lũ lụt có đỉnh điểm cũng chỉ đến bậc thềm nhưng khi đến nhà 2 anh, tôi mới biết được cuộc sống khắc nghiệt của người dân Huế mùa lũ lụt như thế nào.
Cơn lũ ngâm cả tuần liền, tivi, tủ lạnh… cái thì trôi, cái còn lại cũng hư hỏng, chẳng dùng được. Thế mà, chẳng thấy ai than vãn gì nhiều. Mẹ của anh Đặng Văn Quan kể cho chúng tôi nghe về những ngày ‘nước ngập tận cổ’. Vừa kể, vừa chỉ tay vào cái vệt nước còn hằn rõ trên tường nhà. Nhưng tuyệt nhiên, không một lời trách cứ. Họ kiên cường và bản lĩnh trước thiên tai.
Hôm ấy, Giám đốc FPT Telecom Huế Nguyễn Mậu Nhật Khánh dù có lịch sự kiện buổi tối nhưng vẫn tranh thủ thời gian chở nhóm đồng nghiệp đến tận gia đình anh Mạnh và anh Quan xa xôi. Rồi cậu Cảm phóng viên trẻ của báo Chúng ta, chị Hương, anh Hải của chi nhánh Huế đã cùng chúng tôi đến thăm gia đình đồng nghiệp. Các anh chị cho tôi thêm một ‘bất ngờ’ nữa về tinh thần đồng nghiệp và con người của đất Huế.
Trên đường từ nhà đồng nghiệp về lại Huế, tôi tự nhủ chạy bộ không chỉ đem lại sức khỏe, mà còn là "sợi chỉ" kết nối tình đồng nghiệp. Đường chạy cũng giúp chúng ta xây dựng tinh thần đoàn kết, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn để cán đích. Mỗi cuộc thi hay thử thách vì thế không chỉ là cơ hội để các chân chạy rèn luyện sức khỏe, mà còn là dịp để gắn kết tình cảm giữa các thành viên với nhau.
Trước ngày giải chạy khởi tranh, Huế mưa dầm dề hơn 1 tháng. Chúng tôi cũng sẵn sàng tâm thế nếu phải chạy giữa mưa. Nhưng đến cận ngày thì trời lại tạnh ráo. Thật là kỳ diệu. Không chỉ mình tôi, những VĐV khác khi đặt chân tới Huế cũng phải ngạc nhiên vì điều này. Với một năm 2020 đầy biến động bởi Covid, VnExpress Marathon xem như hoàn hảo, mọi thứ như được “ông trời” ưu ái, không phải huỷ bất cứ một giải nào.
Buổi sáng ngày chạy, chị chủ khách sạn sợ chúng tôi đi sớm nên đã luộc trứng để chúng tôi lót dạ cho có sức. Người Huế dễ mến vô cùng. Họ xem chúng tôi như người nhà, chứ không phải là khách “quá giang”. Nếu không có những quả trứng ấy, chúng tôi vẫn tìm được những món ăn khác. Nhưng quả trứng luộc làm chúng tôi “xiêu lòng”. Chúng tôi chia nhau chỗ trứng mà ai nấy đều phấn khởi.
Chưa hết, trên đường chạy, thấy các cô, các bác cầm mâm, xoong chảo ra cổ vũ, trong tôi lại như tiếp thêm sức để hoàn thành chặng đua. Lúc đấy, tôi như quên đi những mệt mỏi mà lao mình về phía trước. Không phải để chinh phục huy chương. Tôi chạy để đón nhận những tấm lòng của người dân Huế dành cho các VĐV tại giải. Đoạn đường mà tôi ấn tượng nhất là đoạn chạy trong đường làng, được ngắm nhìn những ngôi nhà cổ. Tôi như được sống lại những năm thuở bé. Đoạn đường Lê Lợi cạnh sông Hương, hai bên là 2 hàng cây xanh sương mờ lững lờ trôi. Chẳng thể ngờ, Huế lại nên thơ và “tình” đến vậy.
Vỏn vẹn 3 ngày ở Huế, tôi được trải nghiệm về văn hoá, con người và vẻ đẹp của mảnh đất cố đô. Tôi thấy mình không uổng phí bất kể một phút giây nào. Rời Huế với dạt dào cảm xúc, tôi giữ lời hứa sẽ quay trở lại vào dịp gần nhất, để được xin cái hẹn đạp xe buổi sáng cùng anh chị em đồng nghiệp. Huế ắt hẳn còn nhiều điều đợi tôi khám phá!
Mai Thị Mừng
Ý kiến
()