Chúng ta

‘Nếu có cơ hội đi Mỹ, hãy chớp lấy’

Thứ tư, 30/6/2021 | 15:25 GMT+7

“Ai cũng nên sống ở nước ngoài ít nhất một lần trong đời. Nếu có cơ hội đi Mỹ, hãy chớp lấy”, Ngô Thị Hà (ST5.HOT), cô gái 1988 đang sinh sống và làm việc tại Silicon Valley khẳng định.

Trải nghiệm quý giá ở nửa kia bán cầu

Gia nhập FPT Software từ năm 2012, Hà Ngô bắt đầu onsite vào tháng 4/2013 tại Anh. Mãi đến năm 2016, những chuyến onsite ngắn hạn tại Mỹ mới chính thức bắt đầu.

Đặt chân tới Mỹ là niềm mơ ước, khát khao và mong mỏi bấy lâu của cô gái trẻ làm việc cho Trung tâm phần mềm số 1 (BU1) khi ấy. Cho đến năm 2020, Hà có quyết định táo bạo - onsite dài hạn tại xứ sở cờ hoa.

“Mình muốn được trải nghiệm cuộc sống xa nhà, hoàn toàn tự lập, khám phá những vùng đất mà hồi bé mình từng ao ước được đặt chân đến và quan trọng hơn là được thử thách trong môi trường quần tụ những chuyên gia công nghệ giỏi nhất trên thế giới”, Hà chia sẻ.

fpt-my-8742-1625041476.jpg

Hà Ngô trải nghiệm nước Mỹ.

Hiện Hà làm việc tại khu Silicon Valley - "thánh địa" của nhiều "gã khổng lồ" công nghệ và những start-up kì lân, nhờ vậy cô nhanh chóng tiếp cận được vốn kiến thức sâu rộng về mặt công nghệ, kĩ thuật và những kĩ năng thiết yếu trong công việc. Đặc biệt, dự án mà Hà đang theo đuổi chuyên về lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe (Healthcare), nên việc cập nhật công nghệ mới là vô cùng cần thiết.

Nước Mỹ đã giúp Hà nhanh chóng tiếp cận với các HIPPA, HISTRUST và GDPR - những tiêu chuẩn quốc tế của ngành Chăm sóc sức khỏe, nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe từ phía khách hàng.

Nếu tại Việt Nam, Hà chỉ cần tập trung vào dự án của mình thì khi sang Mỹ, cô thường xuyên phải làm việc với các bên liên quan (stakeholders) từ Architect, PM, BA, QA, Engineer, DevOps, và nhiều nhà cung cấp đến từ các nước khác nhau.

Để làm việc với các bên liên quan hiệu quả, Hà luôn dành thời gian nghiên cứu và phân tích mong muốn của từng bên để giải quyết công việc nhanh chóng và chất lượng. Đến bây giờ, sau một khoảng thời gian bôn ba tại Mỹ, Hà vẫn từng ngày tích góp kinh nghiệm học hỏi được từ khách hàng, đồng nghiệp để làm giàu cho hành trình khám phá tri thức của bản thân.

Ngoài công việc, Hà cũng dành thời gian để “chill” tại Mỹ. Sau thời gian ngắn ở đây, Hà đã đi qua nhiều bang và thành phố để tìm hiểu về môi trường, con người và văn hóa từng vùng miền. “Điều mình yêu ở Mỹ không chỉ là cơ hội trong công việc mà hơn hết là những không gian bất tận, xanh mướt và trong lành mà mình từng khát khao được đặt chân tới khi còn rất nhỏ”, Hà hào hứng nhớ lại.

Hà ấn tượng nhất về khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của các vườn quốc gia Utah – một tiểu bang miền Tây của Mỹ. Hà trầm trồ, Utah là một nơi tuyệt vời cho những người yêu thích ngoài trời với những tảng đá đỏ, nhiều cuộc phiêu lưu và rất nhiều không gian rộng mở. Những công viên mà cô từng qua như Sand Hollow State Park, Arches National Park, Canyonlands… đều để lại những kỉ niệm không thể quên.

Song nơi Hà quen thuộc và gắn bó nhất là California, nơi có Silicon Valley tọa lạc. Khu vực này không chỉ tập trung nhiều chuyên gia công nghệ mà còn có cộng đồng người Việt, nhờ vậy mà Hà không bao giờ cảm thấy buồn hay cô đơn khi ở nơi xa xứ. “Đồ ăn, thức uống, những hình thức giải trí theo kiểu Việt Nam ở đây đều có hết. Khí hậu không quá nóng, không quá lạnh nên mình thích ứng rất nhanh, cảm nhận như đó là ngôi nhà thứ hai của mình vậy”, Hà nói.

Nếu có cơ hội đi Mỹ, hãy chớp lấy

Ai cũng từng có trong mình giấc mơ Mỹ, nhưng không phải ai cũng có hội thực hiện giấc mơ ấy. Bản thân Hà cũng từng nghi ngờ, không biết cô có thực hiện được giấc mơ ấy trước tuổi 30? Song chính "mộng" khám phá cùng quyết tâm bám đuổi mục tiêu đến cùng của Hà đã giúp cô cầm trên tay những tấm vé bay sang nửa kia bán cầu.

Hà thấy may mắn vì đã có nhiều chuyến onsite ngắn hạn tại các nước nên khách hàng đặt niềm tin tuyệt đối.

Tuy nhiên, với nhiều bạn trẻ lần đầu onsite Mỹ, ngoài công ty còn cần sự bảo trợ và chứng nhận từ phía khách hàng. Để chiến thắng ở vòng loại này, onsiter cần chuẩn bị khối lượng kiến thức liên quan đến business domain, các công nghệ mới về Cloud như Google Cloud, và hệ thống, quy trình trong dự án. “Hai yếu tố quan trọng nhất với các bạn để vượt qua vòng phỏng vấn của khách hàng là tiếng Anh và chuyên môn. Chỉ cần vững hai yếu tố này thì cửa ải nào rồi cũng qua thôi”, Hà cho biết.

Ngoài ra, kĩ năng làm việc độc lập, chủ động và liên tục tương tác với các nhóm quốc tế là những yêu cầu bắt buộc khi onsiter làm việc trên đất Mỹ. Thành viên trong dự án của Hà đến từ các nước như Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ, Canada, Colombia, Mexico, Brazil nên sự khác biệt về văn hóa và phong cách làm việc vô cùng rõ rệt. Với Hà, mỗi thành viên lại chính là một người thầy đặc biệt.

“Làm việc với các bạn Ấn Độ mình có thể học hỏi được khả năng thuyết trình, hùng biện lưu loát, tự tin và logic. Trong khi làm việc với các bạn Colombia và Mexico mình luôn tự nhủ phải trau dồi thêm vốn từ bởi tiếng Anh của các bạn rất tốt. Không những thế, hầu hết các bạn ngoại quốc tại Mỹ đều chủ động thể hiện cá tính riêng trong công việc, trong khi hầu hết các bạn Việt Nam thường nói ít và làm nhiều nên sẽ có nhiều bất lợi hơn”, Hà kể.

Theo kinh nghiệm xương máu của Hà, để không bị lu mờ trước đồng nghiệp, onsiter Việt Nam cần chú trọng kĩ năng giao tiếp. Đó không chỉ là cách thức giao tiếp giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, mà còn là phương cách trình bày vấn đề, bày tỏ quan điểm và thể hiện bản thân mình để chinh phục được khách hàng theo đúng mục đích của bản thân.

Đặc biệt, để không bị lạc loài khi phối hợp làm việc nhóm (teamwork) với nhiều các bên liên quan, onsiter cần xác định rõ mong muốn, kỳ vọng của từng bên với bản thân mình là gì để có thể vạch rõ kế hoạch giải quyết từng công việc chi tiết và chính xác.

Với Hà, nước Mỹ như một mê cung mà khi đã lạc vào rồi thì khó tìm được lối ra. Do đó, cô gái 1988 vẫn quyết tâm bám trụ tại Mỹ, và không ngừng cải thiện kĩ năng để thích ứng với môi trường, con người xứ cờ hoa.

>> FPT Mỹ sẽ giúp các ‘cầu thủ’ nhà Phần mềm đá giải ‘World Cup’

Cucumber

Ý kiến

()