Chúng ta

Kỹ sư FPT ở Mỹ: mua nhà nhanh rồi sớm lấy thẻ xanh

Thứ sáu, 26/11/2021 | 07:47 GMT+7

Làm việc với các đối tác lớn, mua nhà ở Mỹ, được cấp thẻ xanh… anh Phạm Xuân Hoàng, cũng như nhiều người FPT Software khác, tự tin khẳng định trí tuệ Việt ngay tại đất nước dẫn dắt về công nghệ.

Nắm bắt cơ hội bước ra thế giới

Khi nghe thông tin về cơ hội onsite Mỹ nếu làm việc tại FPT Software, Phạm Xuân Hoàng quyết định nắm bắt. Chàng trai sinh năm 1988 đơn giản là muốn trải nghiệm môi trường quốc tế, dù mức thu nhập lúc bấy giờ tại Phần mềm FPT thấp hơn lương anh đang nhận ở công ty cũ.

Chưa đến một năm về Phần mềm FPT, Hoàng gia nhập dự án với hãng máy bay lớn nhất thế giới và bắt đầu những chuyến onsite Mỹ ngắn hạn, xen kẽ 3 tháng onsite - 3 tháng về nước. Sau một năm đi về như thế, năm 2014, anh quyết định onsite dài hạn khi công ty có nhu cầu.

imgpsh-fullsize-anim-2-4657-1637873744.j

Gia đình anh Phạm Xuân Hoàng - FPT America (FAM).

Nhớ lại lần đầu sang xứ cờ hoa, nhiều điều mới mẻ khiến chàng trai trẻ vô cùng chờ đón. "Với tinh thần thích khám phá học hỏi, tôi rất hào hứng. Hơn nữa, khi khoe với bạn bè được onsite sang hẳn Mỹ thì rất..."oai"!". 

Ngay từ khi trở thành sinh viên Đại học FPT, Phạm Xuân Hoàng đã được định hướng về cơ hội làm việc ở nước ngoài. Vì thế, anh đã chú tâm học tiếng Anh ngay năm đầu ngồi ghế giảng đường. Đến học kỳ thứ 3, Hoàng học thêm tiếng Nhật, luôn đinh ninh một ngày sẽ có cơ hội bước ra thị trường quốc tế.

Điều đó đã thành sự thật. Phạm Xuân Hoàng khăn gói sang xứ cờ hoa với vai trò chuyên viên kiểm thử mảng automation (tự động) của một ứng dụng cho khách hàng, là cầu nối giữa khách hàng và đội sản xuất (offshore) FPT Software. Qua các vị trí khác như DevOps (phát triển, vận hành sản phẩm phần mềm), hiện anh đảm nhận vị trí Solution architect (Kiến trúc sư giải pháp), làm việc với các khách hàng tại khu vực Denver, bang Colorado.

Mau ổn định cuộc sống tại xứ người

Phạm Xuân Hoàng là một trong những người F mua nhà sớm nhất ở Mỹ - chỉ sau một năm onsite. "Ban đầu, tôi chỉ có khao khát ra nước ngoài để khám phá những thứ mới mẻ, để du lịch, chứ không hề nghĩ sẽ định cư", anh nhớ lại. Vậy mà sau quyết định onsite dài hạn, gia đình anh đã sớm ổn định cuộc sống và gắn bó với xứ cờ hoa được 7 năm. 

Chia sẻ về việc mua nhà ở Mỹ, anh Hoàng cho biết việc sở hữu một căn nhà ở Mỹ khá dễ dàng, chỉ cần chứng minh được thu nhập ổn định. Người mua chỉ cần trả trước tiền mặt 20% giá trị căn nhà - thường dao động 350.000-600.000 USD, thậm chí người mua nhà lần đầu tiên (first time home buyer) chỉ cần trả trước 3,5% tiền mặt. Số tiền còn lại sẽ trả dần trong 15-30 năm. Vì thế, người FPT qua Mỹ chỉ khoảng một năm là có thể mua nhà, anh Hoàng thông tin.

Từ khi quyết định xem căn nhà đầu tiên, vợ chồng anh Hoàng chỉ mất 2 tuần để tìm được căn nhà ưng ý, cách văn phòng 25 phút lái xe. Theo anh, so với thuê nhà, việc mua một căn nhà tốn chi phí gần như tương đương, trong khi có nhiều ưu điểm hơn như có số phòng mong muốn, có sân, vườn, thoải mái hơn trong việc mua sắm đồ đạc, trang trí nhà cửa mà không lo lắng vấn đề chuyển nhà.

imgpsh-fullsize-anim-1-7144-1637873745.j

Phạm Xuân Hoàng là một trong những người F mua nhà sớm nhất ở Mỹ - chỉ sau một năm onsite

Thời gian đầu, khi anh Hoàng qua Mỹ theo visa H1B (giấy phép làm việc cho phép người lao động nước ngoài đến Mỹ làm việc), chị Nguyễn Thu Trang - vợ anh, cựu du học sinh Anh quốc - theo quy định không được đi làm. Để đỡ buồn chán, chị đã tìm kiếm các công việc tình nguyện như sắp xếp sách thư viện, giúp người già neo đơn, đi học thêm các lớp ngôn ngữ. 

"Khi sang Mỹ cùng chồng, không được phép đi làm là một điều khiến tôi suy nghĩ. Ban đầu, tôi khá áp lực và buồn vì mình cũng là người có bằng cấp chuyên môn và ngoại ngữ. Ở nhà 4 năm, nhất là mùa đông lạnh rất buồn. Cũng có lúc, tôi nghĩ đến việc về Việt Nam. Nhưng rồi tôi đã coi khoảng thời gian này chỉ là thử thách. Rồi mọi chuyện cũng qua, khi chồng được công ty bảo lãnh thẻ xanh, tôi được đi làm và cảm thấy tốt hơn", chị Thu Trang chia sẻ.

Hoàng trải lòng, cuộc sống ở Mỹ không hoàn toàn khiến anh hài lòng vì không tránh khỏi những lúc cảm thấy nhớ nhà và lạc lõng nơi xứ người. "Ở Việt Nam, ra đường là tấp nập rộn ràng, còn tại nơi tôi ở, không như những thành phố lớn, khá buồn. 9h tối là mọi nơi đóng cửa". Để vơi bớt nỗi nhớ quê hương, gia đình anh cùng đồng nghiệp thường tổ chức những cuộc gặp gỡ cuối tuần hay vào các dịp lễ tết. Tại Denver nơi anh ở, hiện có 3-4 gia đình người FPT sinh sống.

Người Việt giỏi không thua kém bạn bè quốc tế

Trải qua 7 năm làm việc tại đất nước phát triển nhất thế giới, kỹ sư FPT Software khẳng định người Việt mình không thua kém bất kỳ ai về kiến thức, cách làm hay kết quả, thậm chí hơn nhiều người về sự chăm chỉ và tìm tòi. "Khi so sánh trực tiếp với nhân viên của khách hàng hay các nhà cung cấp khác như Ấn Độ, Pháp... tôi tự tin người FPT luôn chăm chỉ, cần cù và có trách nhiệm với công việc hơn, sẵn sàng làm đêm, làm ngoài giờ mà không phàn nàn hay kể công".

Tuy  nhiên, theo Hoàng, điểm yếu tiếng Anh đã khiến người Việt thiệt thòi nhiều. "Người Việt có thể làm 10 mà chỉ nói được 2-3 phần, trong khi người Ấn chẳng hạn thì ngược lại".

Vì thế, anh khuyên các bạn trẻ có nguyện vọng onsite Mỹ nên có tiếng Anh tốt, giao tiếp tự tin bên cạnh việc trau dồi kiến thức chuyên môn. "Thêm vào đó, cần phải nắm bắt được cơ hội và một chút yếu tố may mắn". 

Anh Hoàng cũng cho biết hiện FPT America đang có nhu cầu tuyển rất nhiều vị trí từ Sale, AM, BA, đến developer, tester, SA, PM, DM… cho nhiều chương trình lớn đang chạy hiện nay như C99, F131, A21, L79, H525… Đơn vị cũng đảm bảo, trong vòng 3 tháng kể từ khi được tuyển thành công, CBNV sẽ được hỗ trợ ổn định cuộc sống mới tại đất Mỹ.

hoang-fpt-2073-1637897119.jpg

Hoàng cho hay, FPT America đặt mục tiêu tăng trưởng cao và đang có nhu cầu tuyển nhiều vị trí.

Hà An

Ý kiến

()