Chúng ta

Đối phó với stress thế nào trong dịp Tết

Thứ năm, 3/2/2022 | 00:00 GMT+7

Trò chuyện với người thân, dành thời gian chăm sóc bản thân như làm đẹp, đọc sách, xem phim hoặc tìm sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý là cách giảm lo âu, căng thẳng dịp Tết.

Tết Nguyên đán là khoảng thời gian của niềm vui, khi người dân quây quần bên gia đình, trao và nhận những món quà, phong bao lì xì. Dù vậy, đối với nhiều người, ngày Tết kéo theo nhiều nỗi lo lắng, thất vọng hoặc cô đơn.

Covid-19 lây lan và tình trạng giãn cách xã hội có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề đó, đặc biệt khi dịch bệnh đã cướp đi bạn bè và gia đình của nhiều người.

Một số người gặp áp lực tài chính coi đây là khoảng thời gian căng thẳng nhất năm. Số khác cho biết họ thấy thiếu cảm hứng, không có động lực làm việc, khó đưa ra quyết định và thiếu kiên nhẫn hơn. Nguyên nhân là do một số người có kỳ vọng cao về hạnh phúc trọn vẹn trong dịp lễ lớn, song không phải ai cũng đạt được điều này.

Theo tiến sĩ Bee Lim, chuyên gia tại Mind Health Collective, mỗi người nên nhắc nhở bản thân "Bạn không phải người duy nhất cảm thấy căng thẳng trong dịp tết Nguyên đán". Trò chuyện với những người thân thiết là cách hiệu quả để giải tỏa cảm giác căng thẳng, có được sự đồng cảm.

Bà Lim cho rằng mỗi người nên dành thời gian tự trò chuyện với bản thân, đào sâu vào cảm xúc của chính mình hoặc nhờ đến chuyên gia tư vấn để hiểu nguyên nhân đằng sau nỗi cô đơn.

"Hãy tự hỏi bóng đen tâm lý nào khiến bạn xa cách với người thân. Liệu thiếu giao tiếp có khiến chúng ta cảm thấy lạc lõng, không thể tin tưởng mọi người?", bà Lim nói.

hanoi-vnexpress1-1848-16430957-5826-1632

Người dân Hà Nội sáng mùng Một Tết Nguyên đán 2021. Ảnh: Giang Huy

Xây dựng kế hoạch năm mới cũng có thể giúp giảm thiểu sự chán nản, theo bà Lim. Bên cạnh đó, chăm sóc bản thân nhiều hơn giúp tâm trạng trở nên tốt đẹp. Bạn có thể tắm thư giãn, tự trị liệu bằng spa, đọc một cuốn sách hay, xem phim hoặc thử làm những điều mới mẻ. Dành thời gian làm việc giúp tăng sự tự tin của bản thân, khiến tâm trí xao nhãng khỏi cảm giác cô đơn, bế tắc.

Dù cách xa về khoảng cách địa lý, việc giữ liên lạc với người thân trong gia đình cũng làm dịu cảm giác cô đơn. Nếu đang ở khu vực phải giãn cách xã hội, bạn có thể họp mặt trực tuyến thông qua điện thoại hoặc các ứng dụng mạng xã hội.

Thay vì căng thẳng với những định kiến xã hội, bà Lim khuyến khích mỗi người biến Tết Nguyên đán thành thời điểm để làm những điều mình mong muốn, tạo trải nghiệm thú vị, giảm căng thẳng cho bản thân. Đây là cơ hội để bạn tạo ra ngày lễ có ý nghĩa.

"Đôi khi, phương pháp dễ dàng nhất bắt đầu từ những câu hỏi đơn giản: Điều gì mang lại cho bạn niềm vui? Một ngày lý tưởng đối với bạn sẽ ra sao? Làm thế nào để bạn tạo nên một ngày ý nghĩa nhất?", bà Lim nói.

Một số người lo lắng về các khoản chi tiêu vượt mức tài chính cá nhân vào ngày Tết. Tiến sĩ Lim khuyên cộng đồng tập trung vào ý nghĩa nguyên bản nhất của ngày lễ này, đó là "tinh thần đoàn viên, sự kết nối".

"Nếu bạn không có quá nhiều tiền, hãy thể hiện sự quan tâm với gia đình và bạn bè bằng cách khác như nướng bánh cho họ, đề nghị giúp đỡ việc gia đình hoặc gọi điện thường xuyên", bà nói.

Bà cho rằng cộng đồng nên học cách nuôi dưỡng lòng biết ơn để nhìn thấy điểm tích cực ngay cả trong tình huống khó khăn nhất.

"Nếu cảm thấy cô đơn trong dịp Tết Nguyên đán, hãy tập trung vào những điều bạn nhận được từ bạn bè, gia đình, hàng xóm, thậm chí thú cưng. Viết nhật ký lòng biết ơn có thể là cách nuôi dưỡng thái độ tích cực", tiến sĩ Lim nhận định.

Thông thường, cảm giác mệt mỏi, buồn chán sẽ tạm biến mất khi mùa lễ Tết kết thúc. Song ở một số người, tình trạng này kéo dài và trở nên trầm trọng hơn, dễ chuyển biến thành trầm cảm theo mùa hoặc rối loạn lo âu. Lúc này, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần.

VnExpress

Ý kiến

()