Lấy chủ đề "Bảo vệ môi trường", Hackathon 2019 thu hút nhiều sáng kiến thú vị có tiềm năng đi vào thực tế như Laser cảnh báo lũ sớm, ứng dụng bán hàng vì môi trường, ứng dụng giúp hạn chế ảnh hưởng của sự cố môi trường.
Laze cảnh báo lũ sớm là sản phẩm được xây dựng bởi Qwerty team với 3 thành viên Lê Ngọc Minh Anh, Hoàng Huy Khiêm và Nguyễn Lê Anh Khoa. Đội sẽ sử dụng laze để đo mực nước dâng tại các sông của TP Đà Nẵng từ đó đưa ra những cảnh báo cho cơ quan chức năng và người dân về tình hình lũ lụt.
Chứng kiến lũ lụt ở chính nơi mình sinh ra, các chàng trai Qwerty team đến từ Đà Nẵng đã sáng tạo ra laze cảnh báo lũ để giúp người dân chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại. Ảnh: Zing |
Ứng dụng này được thực hiện đơn giản bằng cách đặt phao ở giữa dòng sông và đặt một máy phát laser ở một bên bờ, ở bờ còn lại, đặt một máy nhận tín hiệu laser. Khi mực nước ở mức bình thường và mức dâng chấp nhận được do thủy triều, phao ở giữa sông sẽ chắn không cho tia laser chiếu được đến vị trí máy nhận tín hiệu. Ngược lại, khi mực nước dâng cao, phao nổi lên khiến tia đèn laser tiếp cận được máy nhận tín hiệu và ứng dụng sẽ đưa ra cảnh báo thông báo lũ sắp đến.
Bằng việc gửi thông tin nhanh chóng cho trung tâm kiểm soát ứng dụng sẽ giúp con người sớm có biện pháp phòng tránh chủ động hơn; đồng thời tiết kiệm chi phí và nhân lực.
ShopSafeE của nhóm Greenwich Solutions là ứng dụng mobile bán hàng vì môi trường. Người bán hàng sẽ bày bán các sản phẩm thân thiện môi trường như ống hút tre, túi vải… đã được ứng dụng xét duyệt. Các sản phẩm không được duyệt sẽ không thể bán. Dựa vào đó, các sản phẩm này sẽ được xuất hiện nhiều hơn trên thị trường, tạo thói quen cho mọi người sử dụng những vật phẩm thân thiện với môi trường thay cho túi nilon, chai nhựa…
Điểm nổi bật của ứng dụng là khi người dùng đăng tải những sản phẩm thân thiện lên các trang mạng xã hội thì sẽ được tích điểm và nhận được ưu đãi giảm giá khi mua các sản phẩm trên ứng dụng.
Ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông ở Hà Nội là lý do Specialized equipment ra dời. Ứng dụng có thể cảnh báo mức độ ô nhiễm nhằm tìm ra biện pháp xử lý. Ảnh: Thanh Niên |
Specialized equipment của Fireteam xuất phát từ ảnh hưởng nghiêm trọng của vụ cháy nhà máy Rạng Đông vừa qua. Ứng dụng tập trung đến việc khắc phục và hạn chế ảnh hưởng của sự cố môi trường để đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho con người.
Specialized equipment sẽ có các chức năng chính như thông báo mức độ ô nhiễm và độc hại của môi trường cho lực lượng chức năng trực tiếp tham gia nhiệm vụ thông qua smartphone và thiết bị đồng hồ chuyên dụng để đối tượng này chủ động có biện pháp bảo vệ bản thân. Đồng thời, gửi thông báo trực tiếp về trung tâm kiểm soát với 3 mục đích chính: Cảnh báo nguy hiểm về độ ô nhiễm; khoanh vùng khu vực xảy ra sự cố môi trường và đưa ra cảnh báo mức độ lây lan và ảnh hưởng đến môi trường.
Một sản phẩm ấn tượng khác là ứng dụng hạn chế rác thải cho quán trà sữa của nhóm Four Kicker đến từ ĐH FPT Cần Thơ. Ứng dụng là cầu nối trung gian giữa người dùng và quán trà sữa có nhu cầu phát triển những chương trình mang tính bảo vệ môi trường bằng cách đưa ra điều kiện cho khách hàng đi hoặc chạy bộ để nhận được những ưu đãi. Nhóm mong muốn ứng dụng này sẽ hướng tới kết quả cuối cùng là làm giảm một phần nào con số 58 triệu phương tiện giao thông của Việt Nam, từ đó giảm thiểu số lượng khí nhà kính thải ra môi trường. Đồng thời giúp người Việt có thói quen đi bộ nhiều hơn để nâng cao sức khỏe của bản thân.
Ngoải ra, còn rất nhiều ý tường khác như Phần mềm cảnh báo sự tăng lên bất thường của CO2, Phần mềm cảnh báo rác thải tại cống thoát nước... được các sinh viên nhà F mang đến Hackathon để tranh tài. Ngày 17/12 sẽ là ngày cuối cùng các đội được gửi bài dự thi đến BTC để có cơ hội lọt vào vòng sau.
Trước đó, ngày 18/11, Tổ chức Giáo dục FPT chính thức khởi động cuộc thi FPT Edu Hackathon mùa 2 với chủ đề bảo vệ môi trường và nhiều giải thưởng “khủng” với tổng giá trị lên tới hơn 150 triệu đồng. Tham gia cuộc thi, các thí sinh sẽ thi đấu theo đội, mỗi đội gồm 3-4 người. Cuộc thi có 2 bảng đấu với hệ thống giải thưởng riêng biệt, tổng giá trị lên tới hơn 150 triệu đồng. Bảng A gồm: ĐH FPT, ĐH Greenwich (Việt Nam), FUNiX và ĐH Swinburne. Bảng B là sự tham gia của Viện Đào tạo Quốc tế FAI, FPT Polytechnic và THPT FPT. Các đội sẽ trải qua 3 vòng thi: ý tưởng, sơ loại và chung kết.
Tổng giá trị giải thưởng của FPT Edu Hackathon 2019 lên đến 155 triệu đồng. Trong đó, 2 đội giải Nhất ở mỗi bảng sẽ nhận được phần thưởng trị giá 30 triệu đồng; 2 đội giải Nhì nhận 20 triệu đồng, 2 đội giải Ba nhận 10 triệu đồng, 1 đội giải Khán giả bình chọn nhận 5 triệu đồng cùng nhiều giải thưởng hấp dẫn khác. Thời gian đăng ký kéo dài đến hết ngày 17/12. Vòng chung kết sẽ diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/1/2020 tại ĐH FPT Hoà Lạc, Hà Nội.
FPT Edu Hackathon được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới. Cuộc thi thách thức các thí sinh phát triển một sản phẩm công nghệ trong thời gian ngắn, cạnh tranh về tốc độ, độ sáng tạo và tính hoàn thiện của ứng dụng. Sản phẩm cuối cùng đem ra tranh tài chính là ứng dụng được đội thi phát triển trong 48 giờ đồng hồ “marathon” không nghỉ. FPT Edu Hackathon 2019 hứa hẹn sẽ mang đến những màn tranh tài gay cấn cùng những sản phẩm công nghệ ấn tượng. FPT Edu Hackathon mùa đầu tiên được tổ chức vào năm 2018 với chủ đề lấy cảm hứng từ Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và Mạng lưới Internet kết nối vạn vật IoT. Hai đội V-Team (ĐH FPT ) và SHS (FPT Polytechnic HCM) là các quán quân của mùa 1. |
Trâm Nguyễn
Ý kiến
()