Chúng ta

3 điểm khác biệt của FPT Edu Hackathon mùa 2

Thứ năm, 28/11/2019 | 16:54 GMT+7

Tổ chức lần đầu vào năm ngoái, FPT Edu Hackathon 2018 đã thu hút rất nhiều sinh viên công nghệ thông tin tham gia tranh tài. Năm nay, cuộc thi chính thức quay trở lại với một diện mạo mới và nhiều giải thưởng “khủng”.

Nếu như FPT Edu Hackathon mùa thứ nhất xoay quanh chủ đề “Vạn vật kết nối” khi nắm bắt xu hướng công nghệ 4.0 thì năm nay, cuộc thi lựa chọn môi trường là chủ đề chính, mang tính thời sự và hấp dẫn hơn. Cụ thể, đề thi do Ban tổ chức đưa ra như sau: "Bằng kiến thức của mình, hãy phát triển ý tưởng nhằm tạo ra những sản phẩm công nghệ để giúp con người nhận diện ô nhiễm, giảm thiểu ô nhiễm, khiến con người và thiên nhiên sống hòa hợp với nhau hơn".

Chọn chủ đề này, Ban tổ chức kỳ vọng sinh viên sẽ nhận thức rõ về tình trạng báo động và quan tâm đến công cuộc bảo vệ môi trường. Từ đó, các thí sinh sẽ sáng tạo các ý tưởng công nghệ để tạo ra những ứng dụng góp phần giảm thiểu ô nhiễm và gắn kết con người với thiên nhiên hơn. 

Điểm thú vị thứ hai là, thay vì sử dụng hệ thống Code Fight như năm ngoái, các thí sinh FPT Edu Hackathon 2019 sẽ được tham gia tranh tài trên hệ thống CodeLearn tại vòng Sơ loại và Bán kết. CodeLearn là một trong những sản phẩm nổi bật của FPT Software. Hệ thống này giúp các lập trình viên thực hành các kỹ năng lập trình nhiều cấp độ, thử thách trong phần Challenges và tính năng Leaderboard. Code Learn hỗ trợ người dùng sử dụng 5 loại ngôn ngữ lập trình, gồm có: C++, Java, Js, Python và C#.

CodeLearn đã tham gia tổ chức hơn 20 cuộc thi cho học viên Fresher Academy, sinh viên các trường đại học, các lập trình viên trên khắp cả nước. Vì vậy, với việc đổi mới hệ thống này, các thí sinh có cơ hội tiếp cận với sản phẩm công nghệ mới ngay trong cuộc thi.

Hackathon-2018-1-9745-1574828756.jpg

Năm 2018 là năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức, thu hút nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ tham gia. Ảnh: Chungta.

Năm 2018, giải Nhất của cuộc thi nhận được cơ hội tham quan và học tập tại nước ngoài. Năm nay, giải thưởng hoàn toàn là tiền mặt với tổng giá trị giải thưởng là 155 triệu đồng. Theo đó, giải Nhất sẽ nhận được 30 triệu đồng, giải Nhì sẽ nhận 20 triệu đồng, giải Ba là 10 triệu đồng cùng nhiều giải thưởng phụ hấp dẫn khác. Không chỉ có cơ hội nhận về giải thưởng “khủng”, khi tham gia cuộc thi, các thí sinh còn được học hỏi từ những chuyên gia CNTT là giảng viên giàu kinh nghiệm của Tổ chức Giáo dục FPT. 

Thời gian đăng ký FPT Edu Hackathon 2019 kéo dài từ ngày 18/11 đến hết ngày 17/12, sau đó Ban tổ chức sẽ chọn ra 28 đội bước vào vòng Sơ loại. Vòng Sơ loại gồm 2 phần: thi CodeLearn và trình bày ý tưởng trước hội đồng giám khảo. Sau đó, 14 đội xuất sắc nhất sẽ được chọn tranh tài trong vòng Chung kết, diễn ra trong 2 ngày 11/1 - 12/1/2020 tại ĐH FPT, khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội.

FPT Edu Hackathon được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng thế giới. Cuộc thi thách thức thí sinh phát triển một sản phẩm công nghệ trong thời gian ngắn, cạnh tranh về tốc độ, độ sáng tạo và tính hoàn thiện của ứng dụng. Các thí sinh thi đấu theo đội gồm 3 - 4 người và trải qua ba vòng thi: vòng ý tưởng, vòng sơ loại và vòng chung kết. Bảng A gồm: ĐH FPT, ĐH Greenwich, FUNiX và ĐHSwinburne. Bảng B là sự tham gia của Viện Đào tạo Quốc tế FAI, FPT Polytechnic và THPT FPT.

Hackathon là sự kiện các lập trình viên cùng những người liên quan trong ngành phát triển phần mềm như nhà thiết kế đồ họa, thiết kế giao diện, quản lý dự án hợp tác với nhau trong thời gian ngắn để hoàn thành một dự án phần mềm.

Những năm gần đây, Hackathon trở thành trào lưu và được giới công nghệ yêu thích. Nút "Like" và chức năng "Chat" của Facebook là sản phẩm của những cuộc thi Hackathon trong nội bộ công ty. Một sản phẩm từ Hackathon khác cũng rất thành công là GroupMe - ứng dụng chat được Skype mua lại với giá 80 triệu USD vào năm 2011.

Khánh Linh

Ý kiến

()