Theo tờ ET Tech, người giàu nhất châu Á Mukesh Ambani đang muốn bán 20 tỷ USD cổ phần của Reliance Retail - hãng bán lẻ số 1 Ấn Độ, cho phía Amazon. Trước đó, hai bên đã có nhiều buổi thảo luận và Jeff Bezos cũng bày tỏ sự quan tâm về một thương vụ hấp dẫn trong ngành bán lẻ tại quốc gia Nam Á. Từ thế đối đầu trở thành đồng minh, đây được kỳ vọng là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay tại Ấn Độ và Amazon.
Khi công bố nguồn tin, cổ phiếu Reliance Industries tăng 7,1%, vốn hóa thị trường vượt 200 tỷ USD |
Năm 2012, Amazon lần đầu đặt chân đến đất nước 1,3 tỷ dân với đội ngũ nhân sự khoảng 200 người và khởi điểm tại Mumbai. Ngót nghét gần 8 năm kinh doanh, Amazon có 60 kho hàng tại 15 tiểu bang ở Ấn Độ, chiếm 31,2% thị phần bán lẻ trực tuyến, sau Flipkart. Logo có biểu tượng mũi tên kéo dài từ chữ “A” đến “Z” hiện diện khắp con đường, ngõ hẻm tại Ấn Độ với nhiều tấm áp phích, biển quảng cáo được trang hoàng bắt mắt ở những nơi dễ thấy.
Tuy số liệu tăng trưởng đã tô vẽ cho bức tranh phát triển đầy ấn tượng của Amazon tại Ấn Độ, nhưng sự cạnh tranh quyết liệt với những “tay chơi” ngoại bang và các hãng bán lẻ nội địa lại là những nốt trầm mà hãng này đã trải qua hơn nửa thập kỷ. Là quốc gia có nền văn hóa và ngôn ngữ khác biệt hoàn toàn với Mỹ, “nước cờ” đến Ấn Độ chưa bao giờ dễ dàng với gã khổng lồ thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Năm 2017, Amazon chịu lỗ 3 tỷ USD trên thị trường quốc tế khi chi tiêu mạnh dạn cho cơ sở hạ tầng thanh toán số và mở rộng kho bãi ở Ấn Độ. Đồng thời, cuộc đụng độ với nhiều đại gia Ấn Độ khiến Jeff Bezos chưa thể xúc tiến tham vọng chiếm lĩnh thị trường trong ngắn hạn.
Trong đó, Reliance Retail một trong những đối thủ đáng gờm của rất nhiều hãng bán lẻ nước ngoài khi muốn xâm nhập vào thị trường của quốc gia Nam Á. Mukesh Ambani - chủ của Reliance Retail - người giàu nhất châu Á, cũng chưa muốn ai giành vị thế độc tôn của họ tại “sân nhà” với hơn 11.000 cửa hàng trải khắp đất nước.
Chỉ mới đây, Amazon đành phải “lùi một bước” trước Reliance Retail khi gã này đã thâu tóm thành công Future Retail - mảng bán lẻ, logistics từ tập đoàn Future Group, với giá 3,38 tỷ USD nhằm củng cố sức mạnh đa ngành. Trước đó, khi Amazon cũng có dự định đẩy tỷ lệ sở hữu Future Retail từ 10% lên 49% thì thỏa thuận trong thương vụ giữa Future Group và Reliance không cho phép họ làm điều đó.
Dù vậy, sự nóng bỏng về thị phần của ngành thương mại điện tử đã khiến cho hợp tác giữa các bên trở nên cởi mở hơn. Từ đầu năm nay, Reliance Retail đã mời gọi nhiều nhà đầu tư như Facebook, Google, Silver Lake, Amazon rót vốn vào mảng bán lẻ với kỳ vọng đôi bên cùng có lợi. Trong đó, họ muốn bán ra gần 40% cổ phần, tương đương 20 tỷ USD, cho các đối tác có nguyện vọng.
ET Tech tiết lộ, nếu thương vụ giữa ngài Bezos và Ambani được thực thi, khoản lời 20 tỷ đô về tay tập đoàn Reliance sẽ giúp họ xóa bỏ gánh nặng nợ ròng ở một số lĩnh vực đang trượt dài từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Kể cả thị trường năng lượng, nơi vốn chiếm 80% doanh thu của Reliance, cũng rơi vào “cơn lốc xoáy” trong quý II vừa qua.
Theo dữ liệu từ chính phủ Ấn Độ, GDP nước này đang tuột dốc không phanh, giảm kỷ lục ở mức 23,9%, mức rơi tệ nhất của nền kinh tế kể từ năm 1996. Hình ảnh tiêu điều tại khu công nghiệp Surat và sự vắng bóng người qua lại ở hầu hết các nơi đang đe dọa trực diện tới sức bật của quốc gia sở hữu nền kinh tế 3.000 tỷ USD trong tương lai.
Nếu đánh giá về thị phần bán lẻ Ấn Độ thì phần thắng sẽ còn ngập ngừng với gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ, nhưng về công nghệ - kỹ thuật quản lý kho bãi bằng robot hay quản lý dữ liệu bằng điện toán đám mây thì có khi Amazon lại chiếm thế thượng phong trong cuộc ‘giao chiến’ với Reliance.
>> Softbank ‘lãi to’ khi mua TikTok tại Ấn Độ
Đình An
Ý kiến
()