Doanh thu sản phẩm đeo tay thông minh toàn cầu nửa đầu năm nay tăng trưởng 20%. Ảnh: Cnet |
Một ngày giữa tháng 3, Luca Foschini, nhà khoa học dữ liệu có tiếng tại Mỹ, cảm thấy không khỏe. Ông có triệu chứng sốt cao, đau đầu nhẹ, ho nhiều cơn đi kèm nhức mỏi cơ thể. Vợ của ông vừa mới trở về từ London - nơi bùng phát dịch bệnh thời điểm đó, nên cả hai người đều nghĩ rằng họ đang mắc Covid-19.
Trong lúc sốt ruột, chiếc Apple Watch là thứ duy nhất khiến ông dần bình tĩnh. “Trước cả khi tôi bị sốt, đồng hồ báo nhịp tim tăng hơn 60 nhịp/phút, vượt mức trung bình 50 nhịp/phút. Sau đó thì ổn định trở lại”, ông kể và cảm thấy may mắn khi chỉ bị cảm cúm thông thường.
Trong thời buổi dịch bệnh, nếu người khác thì họ sẽ hoang mang, nhưng Foschini cho biết, ông lại khấp khởi vui mừng. Khám phá mới từ chiếc đồng hồ điện tử đã mở đầu hành trình của người đàn ông yêu thích nghiên cứu trong việc chứng minh tính hiệu quả từ các thiết bị đeo thông minh có thể giúp phát hiện sớm Covid-19.
“Giờ ai cũng có đồng hồ thông minh”, ông nói và viện dẫn rằng cứ 5 người Mỹ thì sẽ có 1 người đeo vòng theo dõi sức khỏe hay đồng hồ thông minh (smartwatch). Tùy vào từng hãng, các thiết bị sẽ hỗ trợ kiểm soát giấc ngủ, hoạt động ban ngày, nhịp tim, độ bão hòa oxy trong máu và nhiều chỉ số khác.
Vì lượng lớn khách hàng đang dùng các sản phẩm như vậy nên ông cho rằng bản thân mỗi người sẽ biết nhanh chóng những thay đổi bất thường trong cơ thể, chẳng hạn như dự đoán một vài biến đổi dẫn đến Covid-19, để họ chủ động cách ly tại nhà và đến bệnh viện khi cần thiết.
Ông Eric Topol - Chuyên gia tim mạch tại Viện nghiên cứu y sinh Scripps, nhận định:“Xét nghiệm chỉ thực sự có tác dụng vào đúng thời điểm”. Một lần test (xét nghiệm) vừa đắt tiền, vừa đợi lâu, nhưng lại không thể đủ liều cho nhu cầu của hơn 330 triệu người Mỹ nếu họ muốn test thường xuyên, Topol bình luận.
“Trong khi đó, những con chip nằm trên tay quý vị sẽ giảm áp lực lên ngành y rất nhiều”, vị chuyên gia tim mạch chia sẻ với tờ Wired và tiết lộ rằng đội ngũ của ông cũng đang thực hiện nghiên cứu tương tự như Foschini.
“Smartwatch quả thật là vị cứu tinh lúc này khi có thể thu thập dữ liệu sức khỏe mà không cần tác động tới cơ thể”, ông Amos Folarin - Trưởng bộ phận nghiên cứu Covid-Collab nhấn mạnh. “Rất khó để biết những người chưa/không có triệu chứng bằng test nhanh hoặc bằng phương pháp truy dấu”.
Cho nên, nếu có một thứ gì đó quan sát liên tục tình trạng sức khỏe, phát hiện được dấu hiệu khác thường trong hệ hô hấp có dính dáng tới Covid-19, “sẽ rất có ý nghĩa lúc này”, Folarin cho hay.
Theo CDC, hơn 6 triệu ca mắc Covid-19 đang phủ rộng cả nước Mỹ với thương vong vượt 188.000 trường hợp. Nhiều nhà khoa học chưa thể đưa ra lập luận toàn diện về cách nhận biết Covid-19, nhưng họ đều đồng tình rằng nhịp tim là một trong những yếu tố then chốt để sớm phát hiện virus trong cơ thể. “Trái tim sẽ ‘gồng’ lên chống chọi với SARS-COV-2 nên nhịp đập sẽ tăng nhanh”, Topol cho biết.
Đồng quan điểm với nhận định trên, Fitbit có một thống kê độc lập với 900 người mang virus, cùng 100.000 tình nguyện viên từ Mỹ và Canada hiện đang dùng sản phẩm vòng đeo do họ cung cấp. Hãng này cho rằng nhịp thở và nhịp tim chuyển biến rõ rệt từ lúc khỏe mạnh sang lúc mắc bệnh. Tuy nhiên, việc phát hiện trúng đích sẽ cần thêm nhiều mối liên hệ khác.
“Nỗ lực của chúng tôi là để phân loại những ai nên đi xét nghiệm và khi nào họ cần phải đi”, Người đồng sáng lập kiêm CTO Fitbit - Eric Friedman - khẳng định.
Trong làn sóng kiểm chứng năng lực của smartwatch và vòng đeo thông minh, các nhà khoa học thuộc ĐH Stanford (Anh) tiết lộ rằng 80% dữ liệu trước khi mắc bệnh khoảng 3 ngày sẽ dự báo triệu chứng. Tức nghĩa họ sẽ mắc bệnh trong tương lai và dữ liệu lịch sử trên thiết bị đeo nói lên điều đó. “Chúng tôi có thể cảnh báo bạn sắp bệnh”, Michael Snyder - Giáo sư ĐH Stanford - cho biết, “và bạn sẽ chủ động tránh xa mọi người”.
Để ra kết quả trên, họ đã vào cuộc với nghiên cứu trên 5.000 người tình nguyện, gồm cả 31 người dương tính với Covid-19, nhằm đánh giá thực chất khả năng tiên liệu bệnh từ thiết bị đeo thông minh có thực sự đúng.
Dù vậy, ở một chiều hướng ngược lại, theo Wired, nhiều chuyên gia đánh giá số lượng các nghiên cứu và số người tham gia vẫn còn hạn chế để đưa ra một kết quả hài hòa giữa định tính và định lượng cho số đông. Trong đó, những giả định về tiềm năng của smartwatch khi xác định đúng đâu là vấn đề hô hấp do bệnh, đâu là do Covid-19 vẫn còn nhiều sự ngập ngừng.
Họ cho rằng thế giới vẫn đang ở giai đoạn khởi xướng về kỳ vọng của smartwatch trong quá trình khống chế dịch bệnh. Sẽ cần thêm sự phối hợp nhịp nhàng giữa y học và công nghệ cùng sự chung lòng từ xã hội để mang lại nhiều giá trị chuẩn xác hơn nữa.
Niềm tin của người làm nghiên cứu đang neo đậu trong những đánh giá ban đầu về những thiết bị đeo thông minh sẽ là động lực để các nhà phát triển tiếp tục đầu tư vào công nghệ và kỹ thuật. Nhiều sản phẩm chất lượng sẽ sớm đến tay người tiêu dùng và đồng thời những ai có thu nhập không cao cũng có thể sở hữu các dòng sản phẩm đeo tay thời thượng như bây giờ.
Ngoài ra, sự minh bạch trong dòng chảy dữ liệu đổ về máy chủ của các hãng công nghệ sẽ là một yếu tố cần làm rõ để khách hàng hài lòng với những cam kết mà Fitbit, Apple Watch hay Garmin mang đến cho họ. Với tư duy cởi mở đó, smartwatch sẽ giữ vị trí thiết yếu trong chẩn đoán lâm sàng và là người bạn đồng hành luôn quan tâm đến sức khỏe người dùng.
“Những gì công chúng cần làm sẽ là chờ đợi và vẫn đón nhận những cải tiến mới khi sử dụng các thiết bị đeo thông minh”, Eric Topol kết luận.
>> Vòng đeo thông minh Amazon giúp cân bằng cảm xúc
Đình An
Ý kiến
()