Chúng ta

Nữ CEO biến khởi nghiệp công nghệ thành kỳ lân tỷ đô

Thứ năm, 7/3/2019 | 13:43 GMT+7

Từ mong muốn tạo ra công cụ đồ họa "đơn giản, trực tuyến và hiệu quả", Melanie Perkins phát triển ứng dụng Canva dành cho những người "ghét Photoshop" và đưa công ty thành start-up kỳ lân đầu tiên của Australia.

Khi huy động 40 triệu USD trong vòng gọi vốn năm 2018, Canva trở thành start-up kỳ lân (định giá 1 tỷ USD) trong lĩnh vực công nghệ đầu tiên của Australia, sau 5 năm được thành lập bởi Melanie Perkins - người từng là gia sư thiết kế đồ hoạ, tờ QZ cho hay.

Năm 2013, Melanie Perkins, khi đó 24 tuổi, ra mắt Canva như một "công cụ Photoshop dành cho những người sợ phiên bản Photoshop trực tuyến", nhằm giúp ai cũng có thể dễ dàng tạo ra những sản phẩm thiết đồ hoạ có tính trực quan, sinh động.

Melanie-Perkins-Photo-696x456-6200-15519

Melanie Perkins, 29 tuổi, đồng sáng lập, CEO của Canva. Ảnh: Australia Unlimited.

Đến nay, Canva đã phát triển thành công cụ thiết kế đồ hoạ trực tuyến có hơn 10 triệu người dùng, với hơn 100 ngôn ngữ tại 190 quốc gia. Mỗi ngày, người dùng Canva tạo ra hơn 1 triệu thiết kế mới. 80% công ty trong nhóm Fortune 500 (500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới) và khoảng 170.000 tổ chức phi lợi nhuận đang sử dụng Canva ở mức độ nào đó, CEO Canva bật mí.

"Truyền thông trực quan đang ngày càng trở nên phổ biến tại tất các lĩnh vực", Melanie Perkins nói với tờ TechinAsia. "Trước đây, nhân viên bán hàng thường tạo ra những bức thư dày đặc chữ. Giờ đây họ có thể tạo ra hình ảnh đẹp mắt, mang tính trực quan và dễ dàng tuỳ chỉnh theo ý muốn của khách hàng".

Perkins cho rằng xu hướng chuyển sang trực quan hoá cũng sẽ được ứng dụng bởi các giáo viên, doanh nhân, nhà tiếp thị, tổ chức phi lợi nhuận… Đó là lý do cô muốn tạo ra một công cụ khác biệt so với những ứng dụng nặng tính thiết kế đồ hoạ.

canva-ipad-version-wide-2468-1551940127.

Giao diện thiết kế của Canva - Ảnh: Canva.

"Đơn giản, trực tuyến và hiệu quả" là 3 yếu tố được Perkins đặt lên hàng đầu khi phát triển Canva trên cả phiên bản máy tính lẫn ứng dụng trên thiết bị di động. Perkins cho biết bất kỳ ai cũng có thể biết cách dùng Canvas chỉ trong 23 giây.

Hiện tại, dù Canvas được miễn phí một phần, một số tính năng (như tương tác với đội ngũ phát triển) yêu cầu người dùng phải trả phí. Khởi nghiệp này cũng kiếm tiền từ các sản phẩm đi kèm như kho hình ảnh có sẵn cũng như dịch vụ in tại 31 quốc gia trên thế giới và đã bắt đầu sinh lời.

"Đây không phải điều thường thấy ở phần lớn start-up công nghệ ở thung lũng Silicon", Perkins cho biết. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn nhiều điều phải làm. Chúng tôi mới chỉ là một start-up kỳ lân nhỏ và đang trong giai đoạn đầu phát triển".

Ở tuổi 19, Melanie Perkins nhận ra cơ hội khởi nghiệp trong khi hướng dẫn cho bạn học tại Đại học Western Australia cách sử dụng các ứng dụng thiết kế, chỉnh sửa hình ảnh chuyên nghiệp như Photoshop, InDesign.

"Những người bạn của tôi mất nhiều thời gian để tạo ra thiết kế đơn giản. Chính tôi cũng phải thực hiện tận 22 thao tác chỉ để xuất bản file PDF chất lượng cao", nữ CEO 31 tuổi cho biết. Cô tin rằng tương lai của lĩnh vực thiết kế là sự tối giản.

Năm 2007, Melanie cùng bạn trai đồng sáng lập Fusion Books - công cụ trực tuyến giúp các trường học thiết kế kỷ yếu thường niên. Cô tự mình gửi đi những quyển sách mẫu, phong bì thiết kế đẹp mắt, gói bọc cẩn thận đến các trường học.

Phòng khách ngôi nhà của mẹ của Melanie trở thành văn phòng kiêm không gian trưng bày. Cô cũng mượn tiền từ họ hàng để trả chi phí thuê các lập trình viên. Sau 5 năm, công ty trở thành nhà xuất bản sách kỷ yếu lớn nhất Australia, mở rộng sang Pháp, New Zealand. Melanie tin rằng nền tảng kỹ thuật này có thể tạo nên những thứ mới mẻ hơn kiến thức từ các trang sách in.

Từ thành công ban đầu, Melanie nung nấu ý tưởng cho Canva - trang web thiết kế trực tuyến, từ thiệp mời, tạp chí đến những ấn phẩm mạng xã hội, tiếp thị. Cô mong muốn giản tiện các thao tác phức tạp trong công việc thiết kế sáng tạo và xuất bản sản phẩm.

Trong buổi gọi vốn đầu tiên của Canva, cô ngỡ rằng mình đã bị từ chối khi nhà đầu tư Bill Tai chỉ lo nghe điện thoại. Tuy nhiên, chính ông Bill trở thành "chất xúc tác" giúp Melanie kết nối với những nhà đầu tư, kỹ sư, nhà phát triển tại thung lũng Silicon (Mỹ).

Trước khi lần đầu nhận khoản vốn đầu tư 3 triệu USD để thành lập Canva vào năm 2013, Melanie đã phải ròng rã hơn ba năm kêu gọi đối tác nhưng kết quả chỉ nhận về hàng trăm cú lắc đầu. 

"Nhưng hành trình này vô cùng hữu ích, những lời từ chối chứng tỏ rằng chúng tôi phải chỉnh sửa bản giới thiệu, thiết lập chiến lược toàn diện. Do đó, ngay sau cú rót vốn từ nhà đầu tư, dự án có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả", Melanie đánh giá.

Perkins đã từng phải sống trên sàn nhà căn hộ của anh trai tại San Francisco trong chuyến đi 3 tháng tới Thung lũng Silicon để tìm kiếm nhà đầu tư. Vào ban ngày, cô dùng Wi-fi miễn phí tại khu ăn uống của một trung tâm mua sắm. Khi đó, Perkins đã thực hiện khoảng 100 cuộc gặp với các nhà đầu tư nhưng tất cả đều từ chối rót tiền cho Canva.

"Tôi đã mất 3 năm mới gặp được nhà đầu tư đầu tiên thực sự chịu rót vốn cho start-up của mình", Perkins cho biết.

3a76ef2300000578-3944576-maint-4367-5147

Văn phòng của Canva tại Australia. Ảnh: Canva.

Trải qua nhiều áp lực ban đầu tư các nhà đầu tư Mỹ trong việc mở rộng quốc tế, hiện Canva có hai trụ sở chính tại Sydney (Autralia) và Manila (Philippines), văn phòng tại San Francisco (Mỹ) với 200 nhân viên. Từ 2018, Melanie cũng lọt vào top nữ doanh nhân trẻ sở hữu công ty tỷ USD. 

"Hoạt động tại Australia có nhiều lợi ích đáng kinh ngạc. Canva có thể tận dụng những điều kiện tốt nhất ở cả Mỹ và Australia. Chúng tôi có các nhà đầu tư từ Thung lũng Silicon và có thể khai thác mạng lưới của họ", Perkins nói.

Lần gọi vốn mới đây đánh dấu thương vụ đầu tư đầu tiên của quỹ Sequoia Capital (Mỹ) vào Canva. Dẫn đầu vòng gọi vốn này là quỹ đầu tư Blackbird Ventures của Australia.

Lời khuyên của Perkins cho những người ấp ủ thành lập start-up là đừng trông mong vào "thành công chớp nhoáng". Việc phát triển một công ty đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. "Bị từ chối là một phần của quá trình đó", Perkins nói.

>> Cách Chính phủ Estonia vận hành như công ty công nghệ

Thanh Mai

Ý kiến

()