Forbes Việt Nam vừa chính thức công bố danh sách 50 "Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam" gồm những người đang tiên phong trong các lĩnh vực khác nhau, từ chính trị gia, doanh nhân, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội, khoa học và giáo dục, giải trí và thể thao.
“Bà Nguyễn Bạch Điệp cùng các cộng sự đưa FPT Retail từ 17 cửa hàng, sau 7 năm phát triển thành chuỗi bán lẻ điện thoại lớn thứ hai Việt Nam với hơn 500 cửa hàng từ Bắc tới Nam”, Forbes Việt Nam viết và cho hay, năm 2018, hệ thống FPT Shop đạt doanh thu gần 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ.
Chủ tịch kiêm CEO Nguyễn Bạch Điệp (bìa phải) được Forbes Việt Nam chọn trong nhóm nhân vật trang bìa. |
Theo Forbes Việt Nam, trong khi mảng bán lẻ điện thoại tăng chậm lại do thị trường gần đạt điểm bão hòa, FPT Retail tham gia mảng bán lẻ dược phẩm sau khi mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu. Kết thúc năm 2018, chuỗi nhà thuốc này có 25 cửa hàng và dự kiến mở mới 50 cửa hàng trong năm 2019.
“Bà Điệp gắn bó với FPT từ lúc tốt nghiệp đại học. Trải qua nhiều cương vị, từ nhân viên kinh doanh đến quản lý, bà Điệp có kinh nghiệm trong nhiều mảng, lĩnh vực, từ Internet, viễn thông trước khi tham gia phát triển FPT Shop. Tại FPT Retail, bà được mệnh danh là "người đàn bà thép" do tính quyết đoán trong công việc".
Đây lần thứ hai Forbes Việt Nam công bố danh sách thường niên 50 "Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam", trong đó có danh sách 20 người phụ nữ quyền lực lĩnh vực kinh doanh năm 2019. Trong lần đầu tiên công bố năm 2018, Chủ tịch FPT Telecom - chị Chu Thanh Hà cũng là nữ tướng nhà F được tôn vinh.
Hình ảnh Chủ tịch FPT Retail cùng 4 lãnh đạo khác được Forbes Việt Nam chọn làm trang bìa gồm: Mai Kiều Liên, CEO Vinamilk; Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air; Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Vĩnh Hoàn; và Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm CEO REE.
Trước đó, số tháng 3/2018, tạp chí Forbes phiên bản tiếng Việt cũng chọn "nữ tướng" Nguyễn Bạch Điệp, TGĐ FPT Retail, làm nhân vật trang bìa.
"Con đường hình thành FPT Retail như ngày hôm nay có dấu ấn khó ai có thể chối bỏ của CEO Nguyễn Bạch Điệp", Forbes Việt Nam viết. |
Forbes Việt Nam cho biết, việc xếp hạng nhân vật sử dụng các tiêu chí: Ảnh hưởng tài chính, tầm ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng tích cực, mức độ xuất hiện trên truyền thông. Đây là phương pháp đánh giá được Forbes sử dụng cho danh sách “Phụ nữ quyền lực thế giới” hằng năm, có điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh và môi trường Việt Nam. Theo đó, lĩnh vực kinh doanh có nhiều gương mặt nữ nổi bật nhất - 20 người, và ảnh hưởng của họ có thể thấy rõ từ những công ty có vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế do họ lãnh đạo.
50 "Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam" sẽ được Forbes Việt Nam tôn vinh trong sự kiện The Women’s Summit vào tháng 5. Là sự kiện lớn nhất bàn về vai trò lãnh đạo của phụ nữ và cách thức hỗ trợ phụ nữ phát triển tại Việt Nam, The Women’s Summit do Forbes Vietnam tổ chức là nơi kết nối, trao đổi ý tưởng và thiết lập quan hệ hợp tác để phụ nữ có thể phát huy tối đa khả năng, vươn tới những tầm cao mới và kiến tạo tương lai của mình.
Hội nghị có những bài phát biểu chính của các nhà lãnh đạo nữ hàng đầu, phỏng vấn trực tiếp trên sân khấu, các cuộc thảo luận nhóm với sự tham gia của các gương mặt phụ nữ tiên phong, truyền cảm hứng, thành công trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam và quốc tế.
>> ‘Người đàn bà thép’ lên trang bìa Forbes Việt Nam
Nguyên Văn
Ý kiến
()