Đơn vị AA thuộc Ban phát triển Năng lực Công nghệ FPT Software (FWI) đang nghiên cứu phương pháp cảnh báo đột quỵ từ công nghệ. Thông qua vòng đeo tay thông minh, các chỉ số lâm sàng của bệnh nhân sẽ được thu thập và truyền thông tin liên tục về trung tâm xử lý dữ liệu. Từ đây, cảnh báo bất thường sẽ được thu thập và xử lý bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data), sau đó gửi đến điện thoại của người trong gia đình, bác sĩ phụ trách sức khỏe của người bệnh để kịp thời cấp cứu, tránh gây hậu quả, biến chứng nghiêm trọng.
Phương pháp này đã được phát triển bởi dự án gồm 10 thành viên. Nhân sự của đội từng được đào tạo chuyên sâu AI với các chuyên gia, giáo sư đầu ngành thế giới chuyên về AI và các lĩnh vực liên quan. Bên cạnh ý tưởng cảnh báo đột quỵ, nhóm đã nghiên cứu xây dựng cấu trúc mạng trí tuệ nhân tạo - ResCap (Residual Capsule Networks) nâng cao khả năng chẩn đoán, đóng góp trong việc giảm sư phụ thuộc vào dữ liệu, tạo ra mô hình trí tuệ nhân tạo. Hai ứng dụng được nghiên cứu định hướng là phát hiện tràn khí màng phổi (Pneumothorax) và phát hiện khối u thận (Kidney and Tumor Dice) đã đạt kết quả cao trong các cuộc thi quốc tế.
Đội phát triển sản phẩm AI cảnh báo đột quỵ. Ảnh: ĐVCC |
Hiện thuật toán của AA đã có thể nhận dạng sự kiện té ngã, đồng thời tích hợp một số tính năng như đo huyết áp, nhịp tim… Dữ liệu đã được thiết lập để chuyển lên server do nhóm xây dựng. Từ đây, AI sẽ xử lý để đưa tín hiệu cảnh báo.
Chị Phan Thị Ngọc Nữ - Trưởng nhóm phát triển sản phẩm cho hay dự án may mắn được sự hợp tác hỗ trợ chuyên môn của TS.BS. Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa nội thần kinh của Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM). Trước khi sang bước cuối hoàn thiện sản phẩm, nhóm sẽ bổ sung lượng lớn kiến thức chuyên môn của chuyên gia đầu ngành, đồng thời tiến hành thử nghiệm tại các bệnh viện. “Giai đoạn khó khăn nhất là đưa ra định hướng phát triển để hoàn thiện. Để phát triển thêm tính năng mới, đội cần có sự đầu tư từ lãnh đạo cấp trên, đồng thời hỗ trợ để đưa công nghệ thử nghiệm trong môi trường thực tiễn”.
Thời gian tới, dự án sẽ hoàn thiện phần thu tín hiệu trên thiết bị, từ đó xây dựng thiết kế để sản phẩm báo động cho thân nhân người dùng khi bị ngã, đột quỵ, có nhịp tim, huyết áp bất thường. Sau hoàn thiện, hệ thống có thể phân tích lịch sử chỉ số ghi lại từ bệnh nhân, kết hợp với sự hỗ trợ tư vấn chuyên môn từ bác sĩ đầu ngành để xác nhận các trường hợp có nguy cơ đột quỵ cao, liên tục theo dõi tín hiệu bất thường của bệnh nhân để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn chuyển bệnh nhân đến bệnh viện liên kết gần nhất, đưa khuyến nghị điều trị học từ giới chuyên môn, cảnh báo khả năng đột quỵ trong tương lai và chỉ dẫn bệnh nhân dựa theo tình hình sức khỏe.
“Chúng tôi kỳ vọng có thể tạo ra hệ thống kết nối giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với “Trung tâm giám sát và cảnh báo đột quỵ” theo thời gian thực, giúp đơn giản quy trình nhập viện, tăng hiệu quả ngăn chặn và điều trị đột quỵ. Để làm được, toàn đội mong có sự quan tâm của lãnh đạo, giúp thúc đẩy xây dựng sản phẩm có giá trị thiết thực với xã hội”, chị Ngọc Nữ cho hay.
Huyền Trang
Ý kiến
()