Chúng ta

Nhà sáng lập FUNiX: 'Giáo dục nắm cơ hội với AI'

Thứ hai, 7/10/2019 | 15:47 GMT+7

Anh Nguyễn Thành Nam cho rằng Việt Nam cần đào tạo thật nhiều nhân lực cho ngành AI - trí tuệ nhân tạo. Và để làm được điều này, những thay đổi về giáo dục là một trong những vấn đề then chốt. 

Ngày 6/10, nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam là khách mời của sự kiện Vietnam Frontier Summit 2019 với phần chia sẻ về chủ đề “AI Talent Asia Hotspot: Why not Vietnam an inviting country?” (Việt Nam là một đất nước có triển vọng, tại sao không?). 

Vietnam Frontier Summit (VFS) là sự kiện thường niên được tổ chức bởi rubikAI, một dự án được phát triển bởi Nexus FrontierTech. Với chủ đề “Intelligence in Motion”, VFS 2019 hướng đến xây dựng một diễn đàn dành cho các cá nhân và những nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thông qua VFS 2019, rubikAI muốn kết nối cộng đồng công nghệ Việt Nam với thế giới và thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI)  tại Việt Nam và khu vực lên một tầm cao mới.

Untitled3-3881-1570436986.jpg

Anh Nguyễn Thành Nam chia sẻ về việc đào tạo nguồn lực AI ở Việt Nam hiện tại. 

Tham gia VFS 2019, anh Nguyễn Thành Nam đã có những chia sẻ về vấn đề đào tạo nhân lực AI tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Giữa các luồng ý kiến khác nhau, anh Nam khẳng định, cơ hội của Việt Nam nằm ở chính nền giáo dục: “Những lĩnh vực như công nghiệp, Robot... hiện tại chúng ta đã chậm hơn rất nhiều so với thế giới. Bởi vậy, tôi nghĩ chúng ta phải đào tạo thật nhiều nhân lực, góp phần nâng cao dân trí Việt Nam”.

Nhà sáng lập FUNiX tin rằng AI nghĩ là cao siêu nhưng thực ra lại rất gần gũi. Chỉ cần chịu khó, người trẻ Việt hoàn toàn có thể làm được những điều mà chưa ai từng làm.  Việc phát triển AI ở Việt Nam hiện tại còn rất nhiều vấn đề. Nhưng nhìn theo hướng tích cực hơn, vấn đề chính là cơ hội: “Bản chất của AI là toán học. Mà người Việt xưa nay học toán không hề kém. Chúng ta có rất nhiều cơ hội và phải tập trung đào tạo nhiều nguồn lực hơn”.

Anh phân tích, bản chất của việc thiếu giáo viên, giảng viên chỉ là giáo dục Việt Nam chưa dám mạnh dạn phá bỏ lối đi cũ. Chẳng hạn, thầy giáo phải thật giỏi, cái gì cũng biết, cái gì cũng tốt mới được đi dạy. Mà cơ hội thì chỉ mang tính thời điểm, nó sẽ không chờ đợi một giảng viên giỏi.

“Tôi thấy người Việt có một câu rất hay đó là ‘Học thầy không tày học bạn’. Trước đây, ở tất cả các lớp dạy lập trình, các vấn đề mà hôm nay học trò hỏi thì chính là những điều mà thầy giáo vừa đọc, vừa học hôm qua. Đây chính là quá trình mà cả thầy và cả trò cùng học. Ở FUNiX, Data Science, Machine Learning vừa đưa vào chương trình học tập gần đây. Mô hình đào tạo nhân lực được triển khai đúng như vậy: người nghiên cứu trước dạy cho người nghiên cứu sau, người học trước dạy cho người học sau. Đó chính là quá trình Mentorship”.

Cùng ngày, FUNiX cũng tham gia VFS 2019 tại khu vực triển lãm, giới thiệu các chương trình đào tạo công nghệ cao thuộc xSeries như Data Science, Machine Learning Developer, Blockchain Developer , Lập trình ứng dụng ô tô Automotive…

Là đơn vị cung cấp các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ cao, bên cạnh việc tổ chức nhiều hội thảo AI tại các trường đại học và doanh nghiệp, FUNiX đang tham gia, đồng hành tại nhiều diễn đàn, hội thảo về AI uy tín tại Việt Nam như VFS, AI4VN… với mục tiêu lan tỏa hiểu biết về lĩnh vực AI tới cộng đồng.

>> FPT.AI - Tiên phong giúp doanh nghiệp Việt bứt phá bằng chuyển đổi số

Trâm Nguyễn

Ý kiến

()