Chúng ta

Ngân hàng lớn nhất Mỹ bất ngờ tung tiền mã hóa riêng

Thứ bảy, 16/2/2019 | 14:43 GMT+7

J.P. Morgan – ngân hàng di chuyển hơn 6.000 tỉ USD quanh thế giới mỗi ngày vừa thông báo tung đồng JPM Coin. Đây là đồng mã hóa đầu tiên được một ngân hàng lớn tại Mỹ hậu thuẫn.

Các đợt thử nghiệm sẽ khởi động trong vài tháng nữa, và một phần rất nhỏ của 6.000 tỉ USD được J.P. Morgan xử lý mỗi ngày sẽ diễn ra trên JPM Coin - token kỹ thuật số được tạo bởi các kỹ sư tại ngân hàng có trụ sở tại New York để giải quyết ngay lập tức các khoản thanh toán giữa các khách hàng. Đồng tiền mã hóa này được giới kỹ sư nhà băng Mỹ tạo ra để giải quyết các khoản thanh toán tức thì giữa các khách hàng, theo CNBC.

gettyimages-5141411341-6506-1550302740.j

Bên trong J.P. Morgan – ngân hàng di chuyển hơn 6.000 tỉ USD quanh thế giới mỗi ngày. Ảnh: JPM.

J.P. Morgan đang chuẩn bị cho tương lai, từ thanh toán xuyên biên giới cho đến phát hành nợ doanh nghiệp, sẽ chuyển sang blockchain – chuỗi khối. Công nghệ cơ sở dữ liệu này nổi tiếng nhờ ứng dụng đầu tiên của nó là đồng tiền ảo Bitcoin. Để bắt kịp xu hướng công nghệ, ngân hàng cần tìm cách chuyển tiền nhanh chóng như những gì hợp đồng thông minh làm được, thay vì dựa vào công nghệ cũ như chuyển khoản.

Đến nay, ngành ngân hàng chủ yếu quay lưng với loại tài sản mới vì nó quá rủi ro. Năm ngoái, J.P. Morgan và hai nhà băng khác cấm khách hàng mua bitcoin bằng thẻ tín dụng. Goldman Sachs thì bỏ kế hoạch lập phòng giao dịch Bitcoin sau khi nghiên cứu vấn đề. Khi thanh toán quốc tế đầu tiên được thử nghiệm, đây sẽ là một trong các ứng dụng thế giới thực đầu tiên của tiền mã hóa trong ngành ngân hàng. 

“Bất cứ điều gì hiện tồn tại trên thế giới, khi chuyển sang blockchain, đây sẽ là chân thanh toán cho giao dịch đó”, Umar Farooq, người đứng đầu các dự án blockchain của J.P. Morgan, nói. “Các ứng dụng thực sự khá vô tận; bất cứ nơi nào bạn có một sổ cái phân tán liên quan đến các tập đoàn hoặc tổ chức đều có thể sử dụng điều này.”

Dù cộng đồng ủng hộ tiền mã hóa có thể xem tin về JPM Coin là tích cực cho thị trường tiền mã hóa, các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể không bao giờ sở hữu được JPM Coin. Không như Bitcoin, chỉ các khách hàng tổ chức lớn và có trải qua kiểm tra về pháp lý của J.P. Morgan, chẳng hạn như công ty, ngân hàng và các nhà môi giới mới có thể dùng JPM Coin.

Có nhiều khác biệt quan trọng giữa tiền mã hóa do ngân hàng tung ra và Bitcoin. CEO J.P. Morgan - ông Jamie Dimon từng cho rằng Bitcoin là lừa đảo, nhà đầu tư vào tiền ảo này sẽ không có kết thúc tốt đẹp. Ngược lại, mỗi đồng JPM Coin có thể đổi thành 1 USD, vì thế giá trị của nó không thay đổi, hệt như khái niệm đồng mã hóa ổn định giá (stablecoin). Khách hàng được phát JPM Coin tại ngân hàng, sau khi sử dụng đồng này để thanh toán hoặc mua chứng khoán trên blockchain, ngân hàng sẽ phá hủy đồng JPM Coin và trả lại cho khách khoản USD tương ứng. 

FPT Software quyết định thành lập đơn vị mới về blockchain với tên Akachain Business Unit (viết tắt là AKC). Đơn vị mới chính thức đi vào hoạt động từ 1/9/2018.

Hiện có ba ứng dụng ban đầu cho JPM Coin. Đầu tiên là thanh toán quốc tế cho khách hàng doanh nghiệp lớn, hiện thường diễn ra bằng cách sử dụng chuyển khoản giữa các tổ chức tài chính trên nhiều mạng lưới có tuổi đời hàng thập niên như Swift. Thay vì mất hơn một ngày để giải quyết, với JPM Coin, khoản thanh toán sẽ được giải quyết ngay tức thì, vào bất cứ thời gian nào trong ngày.

Kế tiếp là ứng dụng trong giao dịch chứng khoán. Hồi tháng 4, J.P. Morgan thử nghiệm phát hành nợ trên blockchain, tạo mô phỏng ảo về chứng nhận tiền gửi 150 triệu USD cho một nhà băng Canada. Thay vì dựa vào chuyển khoản để mua, khách hàng tổ chức có thể dùng JPM Coin, giúp thanh toán diễn ra tức thì.

gettyimages-495680106-7804-1550302740.jp

CEO J.P. Morgan - ông Jamie Dimon từng cho rằng Bitcoin là lừa đảo, nhà đầu tư vào tiền ảo này sẽ không có kết thúc tốt đẹp. Ảnh: Getty.

Ứng dụng cuối cùng là giúp doanh nghiệp lớn sử dụng dịch vụ ngân quỹ của J.P. Morgan thay thế số USD họ nắm giữ tại nhiều công ty con trên toàn cầu. Dịch vụ này xử lý lượng lớn dòng tiền được quản lý của các doanh nghiệp trên thế giới, giúp các hãng này chuyển tiền cho hoạt động kinh doanh. Năm ngoái, dịch vụ đem về 9 tỉ USD doanh thu cho J.P Morgan.

Trong tương lai xa hơn, JPM Coin được kỳ vọng có thể tham gia vào thanh toán trên các thiết bị kết nối Internet nếu ứng dụng ban đầu của blockchain có hiệu quả. J.P Morgan cược rằng vị thế đi đầu của nhà băng trong việc tung tiền mã hóa và thị phần lớn trong mảng thanh toán doanh nghiệp sẽ giúp JPM Coin có cơ hội được chấp nhận, ngay cả khi nhiều nhà băng khác tung tiền mã hóa riêng.

J.P Morgan đang đặt cược rằng vị thế đầu tiên và thị phần lớn trong thanh toán của công ty – chiếm 80% các công ty trong Fortune 500 – sẽ giúp đồng tiền mã hóa của họ cơ hội được chấp nhận, ngay cả khi các ngân hàng khác tạo ra tiền riêng.

“Khá nhiều tập đoàn lớn là khách hàng của chúng tôi và hầu hết các ngân hàng lớn trên thế giới cũng vậy”, Farooq nhấn mạnh với CNBC. “Ngay cả khi điều này được giới hạn cho các khách hàng JPM ở cấp độ tổ chức, nó cũng không nên giữ chúng ta lại”.

>> Facebook săn hàng loạt tài năng về blockchain

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó.

Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.

Đặc biệt blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống blockchain bao gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin.

Với những đặc thù này, các chuyên gia cho rằng, công nghệ này mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông. Tuy nhiên, xu hướng áp dụng lớn nhất hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam sẽ là mảng tài chính, ngân hàng, kiểm toán nội bộ.

Hải Ninh

Ý kiến

()