Chúng ta

Nam sinh FUNiX 15 tuổi ra mắt game trên Google Play

Thứ năm, 22/7/2021 | 08:44 GMT+7

Game 'Asean Friendship' - lấy cảm hứng từ khối đại đoàn kết ASEAN của Phan Đặng Duy Phúc vừa được ra mắt chợ ứng dụng Google Play.

Phan Đặng Duy Phúc reo vui khi nhận email thông báo Game Asean Friendship của mình được Google Play duyệt lên kệ sau hai tuần chờ đợi đằng đẵng và những luồng email trao đổi không mệt mỏi với đơn vị trung gian. Nhìn con trai hớn hở, anh Phan Sĩ Hạnh, cha của Phúc không giấu được nỗi vui mừng.

Ở tuổi 15, Phan Đặng Duy Phúc đã học đến chứng chỉ 3 của FUNiX sau một năm, hai lần giành học bổng Học nhanh. Sản phẩm được ra mắt trên Google Play là động lực giúp cậu tự tin hơn trên hành trình với đam mê công nghệ thông tin của mình.

Game Asean Friendship được lập trình trên nền tảng Unity của Phúc có tất cả 10 màn tương ứng với 10 nước trong khối ASEAN. Người chơi sẽ sử dụng lá cờ các nước trong khối ASEAN làm nhân vật game. Luật chơi khá đơn giản là nhân vật game phải tồn tại được cho tới khi kết thúc quốc ca để nhận  chìa khoá mở màn chơi tiếp theo.

Screenshot-2021-07-19-154234-8225-162668

Game 'Asean Friendship' - lấy cảm hứng từ khối đại đoàn kết ASEAN của Phan Đặng Duy Phúc vừa được ra mắt chợ ứng dụng Google Play.

Game Asean Friendship được Phúc lập trình trên nền tảng Unity trong gần 8 tháng. Cậu bé cho biết đã ấp ủ nhiều ý tưởng lập trình khác nhau, nhưng làm game là đơn giản, phù hợp và không tốn kém, nên em đã thử sức mình trong lĩnh vực này. Vốn yêu thích tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và thế giới, bị thu hút bởi câu chuyện về tinh thần đoàn kết của khối các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, Phúc đã lựa chọn làm game về chủ đề này.

Theo Phúc, điều thú vị nhất trong game Asean Friendship là lá cờ được sử dụng làm nhân vật và thời gian của bài hát quốc ca được tính là thời gian chơi. Qua đó giúp người chơi biết về quốc kỳ, quốc ca của các nước trong khối ASEAN.

“Tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì Phúc đã xuất bản thành công Game Asean Friendship lên Google play store. Đó như lời khẳng định rằng định hướng cho Phúc theo học lập trình khi còn bé và quyết định đăng ký học tại FUNiX khi Phúc mới chỉ 13 tuổi là một quyết định đúng đắn” - anh Phan Sĩ Hạnh khẳng định.

Theo anh Hạnh, Phúc bộc lộ năng khiếu lập trình từ lớp 6, anh khuyến khích con học nhưng bé vẫn mông lung, thiếu định hướng. Cả hai bố con đều hoang mang, cho đến khi biết đến và chọn FUNiX. Kể từ khi trở thành xTer, Phúc được học công nghệ thông tin một cách bài bản và thực tế, được trang bị nền móng vững chắc để mạnh dạn đi những bước tiếp theo như phát triển game hay đặt chân vào lĩnh vực lập trình.

Phuc-3-6730-1626684740.jpg

Ở tuổi 15, Phan Đặng Duy Phúc đã học đến chứng chỉ 3 của FUNiX sau một năm, hai lần giành học bổng Học nhanh.

“Trước khi học FUNiX, Phúc chủ yếu tự học trên mạng, con có năng khiếu nhưng thiếu tài liệu giáo trình bài bản, việc học mang tính chất "thích gì học đó”, hiệu quả không cao. Từ khi được học FUNiX Phúc học theo định hướng bài bản, kiến thức thu nạp cũng chuẩn và đầy đủ, kỹ năng coding nhanh, gọn và hiệu quả hơn. Ngoài ra môi trường FUNiX với group lớp, các sự kiện dày đặc và chất lượng như xday, xtalk, xdebate, các phiên coaching, review kiến thức với mentor… giúp Phúc hòa nhập vào cộng đồng FUNiX nhiều tài năng”, bố Phúc nhận xét.

Phúc chia sẻ, có khá nhiều khó khăn em gặp phải trong quá trình mấy tháng làm game. Đó là vấn đề quỹ thời gian eo hẹp, vừa học trên trường phổ thông, vừa học FUNiX, vừa làm game với đủ các công đoạn như: lên ý tưởng, thiết kế nhân vật, vẽ đồ họa, âm thanh, lập trình và kiểm thử.

“Thuận lợi của em là có kỹ năng tự học tự tìm hiểu, có tiếng anh chuyên ngành công nghệ thông tin đủ dùng nên em có thể tham khảo rất nhiều từ Google Scholar để giải quyết các vướng mắc của mình. Bên cạnh đó, kiến thức từ FUNiX đã giúp em có lựa chọn nền tảng làm Game Asean Friendship cũng như giải quyết nhiều thách thức khi phát triển dự án của mình”, Phúc nói.

Cụ thể, cậu cho biết mình có khả năng sử dụng cả Unreal Engine và Unity 3D để làm game nhưng đã quyết định dùng Unity vì may mắn được tiếp cận Unity khi học chứng chỉ 2 ở FUNiX. 

Anh Nguyễn Sơn Tùng - Trưởng phòng Kinh doanh Tập đoàn game Yodo1 (một nền tảng cho các nhà lập trình game trên toàn thế giới) đánh giá Asean Friendship “tuy đơn giản nhưng có đầy đủ các yếu tố cần thiết của một tựa game “hypercasual” (tạm dịch: thu hút tới mức gây nghiện)". Chính anh là người phát hiện và hỗ trợ Phúc trong việc phát hành game.

“Thứ nhất, người chơi dạng game này chiếm số đông. Phúc hiểu được người chơi cần gì và lập trình game một cách rất sáng tạo. Thứ hai, khi lên level cao sẽ khó hơn và cần tư duy sao cho không bị nhàm chán. Tôi tin rằng trong thời gian ngắn game sẽ tiếp tục được cập nhật và Phúc sẽ làm thêm các dự án khác, tạo nên một hệ sinh thái trên google và iOS”, anh Tùng tin tưởng. 

Link tải game: https://play.google.com/store/apps/details?id=com.KohakuKami.AseanFriendShip

>> FUNiX ra mắt ứng dụng giúp cung ứng nhu yếu phẩm đến đồng bào vùng dịch

Ý kiến

()