2019 là năm khối Ngân hàng nhà Hệ thống (FPT IS BNK) chính thức triển khai công nghệ AI cho các doanh nghiệp. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là đơn vị đầu tiên sử dụng giải pháp trí tuệ nhân tạo của khối này.
Theo anh Trần Đắc Thắng, Phó phòng Tư vấn, FPT IS BNK, sau một thời gian triển khai, phía BIDV thể hiện sự hài lòng với sản phẩm RPA (Robotic Process Automation - tự động hóa quy trình) trên nền tảng AI. Việc áp dụng công nghệ mới sẽ giúp BIDV nâng cao mức độ số hoá dịch vụ, giảm thiểu rủi ro và tăng năng suất lao động.
Sau khi được giới thiệu ứng dụng AI vào sản phẩm RPA hồi năm 2018, BIDV đề nghị cùng FPT IS cùng thử nghiệm công nghệ này. Trong 1 năm thử nghiệm (PoC), dự án không gặp vấn đề quá lớn về kỹ thuật, đồng thời đảm bảo đúng tiến độ. Chứng minh được khả năng triển khai công nghệ mới với khách hàng, năm 2019, FPT IS BNK và BIDV chính thức ký hợp đồng triển khai công nghệ AI.
Khối Ngân hàng nhà Hệ thống tích cực ứng dụng AI cho các doanh nghiệp. Ảnh: TPBank |
Cũng trong năm nay, FPT IS BNK tiếp tục đàm phán, ký hợp đồng “Cung cấp xây dựng hệ thống và phân tích dữ liệu lớn” cho Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Dữ liệu lớn (Big Data) được coi là yếu tố cốt lõi để sử dụng và phát triển AI cũng như IoT (kết nối vạn vật). Hợp đồng với TPBank đánh dấu lần đầu tiên nhà Hệ thống ứng dụng công nghệ Big Data cho ngân hàng tại Việt Nam.
Sản phẩm IBM của FPT IS BNK thu thập dữ liệu hiện có của khách hàng, phân tích chất lượng, dự đoán khả năng khách hàng không sử dụng dịch vụ. Từ đó giúp TPBank cải thiện chất lượng dịch vụ, đảm bảo trải nghiệm của khách hàng.
“FPT IS chú trọng triển khai công nghệ mới cũng như phát triển đội ngũ có thể đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số của khách hàng sớm hơn các công ty khác trên thị trường”, anh Trần Đắc Thắng khẳng định. Đại diện khối Ngân hàng cũng cho biết nhà Hệ thống đang dần giới thiệu công nghệ FPT.AI Chatbot qua PoC và thử nghiệm.
Xác định Chiến lược số là định hướng chiến lược, bên cạnh việc ứng dụng AI trong các sản phẩm, dự án của tập đoàn, FPT cũng đẩy mạng phát triển nền tảng trí tuệ nhân toạ toàn diện. Công nghệ FPT.AI do Ban Công nghệ của tập đoàn nghiên cứu phát triển hiện được ứng dụng trong thực tế và đạt được những thành tích đáng nói.
Lần đầu ra mắt hồi năm 2017, FPT.AI với 4 gói sản phẩm gồm Vision (Thị giác máy tính), Conversation (Xử lý ngôn ngữ tự nhiên), Speech (Nhận diện giọng nói) và Knowledge (Hệ tri thức số hoá) được nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực tin dùng.
Dựa trên nền tảng Conversation của FPT.AI, đơn vị FPT Retail đã nghiên cứu ứng dụng thành công chatbot Pika từ tháng 11/2018. Tính đến hết tháng 6/2019, Pika đã tương tác với hơn 65.000 lượt khách hàng, xử lý 274.800 câu hỏi. Doanh thu do chatbot này đem về lên tới khoảng 1 tỷ đồng/tháng.
Chatbot Pika của FPT Retail được xây dựng trên nền tảng FPT.AI |
Trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, FPT.AI Vision ghi dấu ấn khi đồng hành cùng Ngân hàng Quân đội (MB Bank) trong việc số hoá thông tin khách hàng. Thời gian nhập liệu trung bình từ 4 phút giảm còn 3 giây với độ chính xác trên 96%.
“Độ chính xác của FPT.AI Vision trong việc tra cứu chứng minh nhân dân hiện tại đang đứng đầu thị trường Việt Nam. Chúng tôi tin rằng công nghệ này hoàn toàn vượt trội so với những công nghệ khác trên thế giới nếu sử dụng ở Việt Nam", Giám đốc Khoa học FPT - anh Đặng Hoàng Vũ chia sẻ. Cạnh đó, MB Bank cũng ứng dụng công nghệ Speech của FPT để thực hiện 750.000 cuộc gọi mỗi tháng, hơn 15.000 cuộc gọi đồng thời trong giờ cao điểm.
Trí tuệ nhân tạo do nhà F nghiên cứu phát triển được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nền tảng hàng đầu Việt Nam về mặt ứng dụng. Năm 2019, FPT tích cực đẩy mạnh các hoạt động AI với sự phát triển vượt trội. Theo Giám đốc Công nghệ FPT Lê Hồng Việt, hàng tháng có khoảng 5 triệu lượt sử dụng sản phẩm trí tuệ nhân tạo của tập đoàn, với độ chính xác cao, trên 90%.
Những ứng dụng của công nghệ FPT.AI sẽ được thể hiện và trình diễn trong Ngày Công nghệ FPT - TechDay 2019. Trong đó, trợ lý ảo tổng đài được xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo của FPT là một trong những điểm nhấn công nghệ của diễn đàn này. Trợ lý ảo này là sản phẩm mới của Ban Công nghệ (FTI), được áp dụng công nghệ máy học tiên tiến: Chuyển đổi giọng nói thành văn bản, Nhận diện giọng nói và Xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Tại FPT TechDay 2019, sản phẩm được sử dụng để theo sát, gọi điện nhắc lịch người tham gia một ngày trước sự kiện.
“Sớm đặt mục tiêu vào phát triển AI so với các doanh nghiệp trong nước, FPT xác định ngoài việc ứng dụng công nghệ này vào các giải pháp và sản phẩm, định hướng tầm trung của tập đoàn là xây dựng một nền tảng dịch vụ AI đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, FPT trở thành thương hiệu được công nhận trong cộng đồng AI quốc tế”, anh Lê Hồng Việt cho biết.
Từ lần đầu tiên tổ chức hồi năm 2013 đến nay, mỗi kỳ TechDay đều có sự khác biệt và phát triển dần về quy mô. Năm 2019 là lần đầu tiên ngày hội của nhà F trở thành diễn đàn mở đối với các diễn giả, cộng đồng công nghệ và doanh nghiệp bên ngoài. Dự kiến, FPT sẽ đón tiếp hơn 3000 khách tham dự, hơn 500 CEO, CTO, Chuyên gia công nghệ và hơn 30 diễn giả trong và ngoài nhà F.
Năm 2018, FPT TechDay tái hiện hành trình xây dựng hệ thống xương sống cho ngành CNTT Việt Nam, đặt những bước chân đầu tiên trên bản đồ công nghệ thế giới và trở thành tập đoàn toàn cầu, để tiến tới tương lai nơi công nghệ và trí tuệ vượt qua mọi giới hạn.
Năm nay, sự kiện được triển khai với 46 khu vực triển lãm, cuộc thi Đấu trường công nghệ với tổng giá trị giải thưởng là 150 triệu đồng tiền mặt dành cho hơn 300 thí sinh tham dự. Cạnh đó, diễn đàn cũng gây ấn tượng với các điểm nhấn: công nghệ xe tự hành 'Made in Vietnam' trở thành “Người vận chuyển” chính thức trong sự kiện; tổng đài viên ảo đảm nhận ghia danh và xác nhận khách mời.
FPT TechDay 2019 sẽ diễn ra vào ngày 21/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (số 1, Đại lộ Thăng Long, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Hoàng Hương
Ý kiến
()