Chúng ta

Làn sóng ‘di tản’ khỏi thung lũng Silicon mùa dịch

Thứ sáu, 28/8/2020 | 09:56 GMT+7

Khi nhiều kỹ sư công nghệ muốn rời khỏi ‘Silicon Valley’ từ trước thì Covid-19 như một điều kiện để họ thực hiện nguyện vọng đó từ bây giờ.

Sachin Dhara - một nhân viên làm việc cho start-up có trụ sở tại New York, cho biết anh và bạn gái trả tiền trọ tầm 2.650 USD/tháng cho một căn phòng 1 giường ở phía Nam thành phố San Francisco để gần với trụ sở Facebook - nơi cô ấy đang làm. Tuy nhiên, từ khi được làm việc từ xa (WFH), mọi thứ dường như thay đổi. “Không lý nào phải thuê nhà khi chúng tôi được WFH và vẫn nhận lương hàng tháng”, anh cho biết.

Dylan Hecklau có cùng quan điểm trên. Người đàn ông làm việc cho Jelli - công ty về công nghệ quảng cáo tọa lạc tại thành phố San Mateo (trong khu Silicon Valley), có thể tiết kiệm tới 38.000 USD/năm nếu không phải chi trả việc thuê nhà.

Đa phần kỹ sư công nghệ tại thung lũng Silicon chia sẻ, họ muốn "an cư lạc nghiệp" tại vùng San Francisco - nơi tọa lạc của "Silicon Valley", để thuận tiện cho việc họp hành, trao đổi công việc. Tuy nhiên, gánh nặng lớn nhất với họ là không thể mua được nhà vì giá bất động sản vượt quá khả năng chi trả của họ.

21-Silicon-Valley-Apple-Park-1349-159852

Trụ sở Apple tại thung lũng Silicon. Ảnh: Unsplash 

Theo hãng tin Vox, tuy công nghệ là một trong những lĩnh vực được trả lương cao nhất tại thung lũng Silicon nhưng cho đến giờ rất nhiều kỹ sư công nghệ vẫn chưa thể sắm được nhà vì giá bất động sản cao ngất ngưởng. Theo khảo sát từ 3.000 chuyên gia IT của Blind, khoảng 70% trong số đó đang sinh sống tại phía Nam vịnh San Francisco chia sẻ rằng họ không thể mua nhà, dù rằng có thể chi trả tiền thuê mỗi tháng.

Vì đi làm chủ yếu tại San Francisco nên việc thuê nhà lâu dài không phải là giải pháp hiệu quả đối với nhiều người, đặc biệt khi họ có ý định lập nghiệp. Hiện tại, một căn nhà tại nơi này có giá bán trung bình dao động từ 1-1,5 triệu USD - cao nhất so với giá nhà ở nơi khác trên đất Mỹ, với phí trả trước ở mức 186.000 đô, theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội môi giới California.

Để giải thích về tình trạng này, Hiệp hội công nghiệp xây dựng vịnh San Francisco cho biết, một trong những yếu tố then chốt dẫn đến giá nhà tăng “chóng mặt” trong 10 năm qua chính là do nơi đây đã tạo ra 750.000 công việc nhưng mới cấp phép mua nhà cho 167.200 hộ dân. “Vấn đề không nằm ở việc thiếu người muốn xây nhà hay thiếu nguồn vốn thi công nhà ở dân sự, mà lại phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm của chính quyền địa phương”, ông Matt Regan, Phó chủ tịch Hiệp hội chính sách công vùng vịnh, trả lời phỏng vấn tạp chí San Francisco Business Times.

Tuy Google và Facebook trả lương trung bình cho chuyên gia công nghệ ở mức 240.000 đô nhưng đây là con số dành cho nhân viên toàn thời gian của họ. Trên thực tế, theo The Seattle Times, hơn 50% lao động tại 2 doanh nghiệp này là những nhân viên hợp đồng. Tức nghĩa họ nhận được thu nhập thấp hơn nhân viên "full-time" và cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ rất khó để mua được nhà tại thung lũng Silicon.

Do đó, từ khi hàng loạt “gã khổng lồ” CNTT như Facebook, Google hay Twitter ban bố lệnh WFH, nhiều nhân viên đã sống thư thả hơn khi không phải đến công sở mà vẫn có thể để dành. Một chuyên gia quản lý kỹ thuật tại Google chia sẻ rằng anh có nguyện vọng đến Hawaii khi công ty cho phép. Trong trường hợp được Twitter gửi đề nghị WFH vĩnh viễn với mức lương chỉ cần bằng 80% hiện tại, anh khẳng định rằng chắc chắn sẽ nhận. “Nếu không, tôi sẽ chuyển việc”.

Theo TheVerge, khi WFH trở thành một điều kiện để “giữ chân” nhân viên thì các “gã khổng lồ” CNTT tại ‘Silicon Valley’ cũng không còn lựa chọn nào khác. Google trước đây từng lên tiếng phản đối mô hình này nhưng hiện tại họ cũng đang cho hơn 200.000 nhân viên WFH đến giữa năm sau.

“Chúng tôi đã thử hỏi về trải nghiệm của nhân viên khi WFH”, Mark Zuckerberg viết dòng trạng thái trên Facebook hôm 21/7. “Khoảng 40% nhân viên cho biết họ làm việc năng suất hơn khi được làm việc toàn thời gian tại nhà”, vị CEO Facebook chia sẻ và khẳng định rằng bản thân anh cũng nhận thấy chất lượng công việc vẫn đảm bảo ngay cả khi họ không gặp mặt nhau.

Do đó, họ đang dự định thuê các kỹ sư cấp cao làm việc từ xa, và cho phép 48.000 nhân viên hiện tại WFH trong vòng 10 năm tới, “khi họ vẫn duy trì được phong độ làm việc tốt như bây giờ”, Zuckerberg cho hay.

Theo thống kê của Blind, 59% trong số 3.300 chuyên gia tại thung lũng Silicon chia sẻ rằng họ muốn làm việc từ xa khi công ty cho phép. Còn hãng tin CNBC tiết lộ, hơn 25% kỹ sư công nghệ đề xuất phương án làm việc từ xa mãi mãi.

Tuy nhiên, dù có nhiều biến động, thung lũng Silicon vẫn là nơi hội tụ hàng trăm nghìn chuyên gia hàng đầu thế giới, được biết đến như một nơi làm việc đáng mơ ước của rất nhiều tài năng trong lĩnh vực công nghệ. Đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, nhà khoa học, lập trình viên và lao động tay nghề cao ở nơi đây đã cống hiến gần 20% tổng số bằng sáng chế tại Mỹ vào thời điểm 5 năm về trước với tổng GDP của khu vực này trong năm 2017 đạt 838 tỷ USD.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 sẽ là bài toán mà những người đứng đầu khu vực cần xem xét để thu hút nhân tài quay trở lại sau dịch bệnh, nhất là lực lượng lao động ngoại kiều khi họ đang trong thế “gọng kìm” vì vừa phải lo trang trải các khoản chi đắt đỏ, vừa chịu sự hạn chế của chính quyền Trump khi chưa nới lỏng chính sách visa H-1B.

Tổ chức Liên minh phần mềm BSA chỉ ra rằng các lao động nước ngoài mang về 1,6 nghìn tỷ đô mỗi năm cho nước Mỹ với hơn 14,4 triệu công việc được tạo ra. Năm nay, theo dữ liệu từ Sở nhập tịch và di trú Mỹ, Facebook, Google và Apple vừa phê duyệt hồ sơ cấp mới và đơn xin gia hạn visa H-1B cho chuyên gia công nghệ của họ tại trụ sở ‘Silicon Valley’ với ghi nhận lần lượt là 666, 824 và 670 hồ sơ.

>> Microsoft giảm họp để tăng năng suất làm việc

Đình An

Ý kiến

()