Đấu trường công nghệ được triển khai với 3 cuộc thi hấp dẫn có tên: Đấu sĩ Coder, Bot Đại chiến, AI Đào vàng.
Từ 8h sáng, cuộc thi Đấu sĩ Coder đã được mở màn bằng vòng Quần chiến I. Còn Vòng Quần chiến II và vòng Code Boss được tổ chức trong toàn bộ buổi chiều 21/11. Cuộc thi thu hút hơn 300 thí sinh tham gia. ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH FPT có số lượng sinh viên tham dự nhiều nhất. Các trận được sắp xếp thi đấu lần lượt. Mỗi trận trong vòng loại sẽ có 3 bài toán cần giải quyết. Đề thi và bảng xếp hạng được công bố trực tiếp trên màn hình lớn ở khu vực đấu trường.
Đề thi ở vòng loại được đánh giá là vừa sức với hầu hết thí sinh tham dự. Đỗ Thị Dư (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Ba bài toán đặt ra không quá khó đối với em, đề bài ngắn gọn và dễ dàng phân tích. Tuy nhiên, tốc độ code của các bạn ở đây quá nhanh nên em không theo kịp”.
Vòng Quần chiến I kết thúc vào 10h sáng. Kết quả, Chu Tuấn Thông, Lê Vũ Quang, Nguyễn Hữu Trung là những cái tên được lọt vào vòng Code Boss.
Đến 10h05 - ngay sau khi vòng loại thứ nhất của Đấu sĩ Coder khép lại, không gian của Đấu trường công nghệ được nhường chỗ cho các thí sinh tham gia cuộc thi Bot Đại chiến. Đây là cuộc thi theo hình thức cá nhân, đòi hỏi thí sinh sử dụng nền tảng akaBot để tạo kịch bản Bot thực hiện yêu cầu một đề bài cho trước. Số lượng thí sinh tham gia Bot Đại chiến là 30 người.
Trước khi cuộc thi bắt đầu, các thí sinh hào hứng bàn tán sôi nổi. Đến từ đơn vị DPS.MSG - FPT Software, thí sinh Phạm Hồng Phúc bật mí rằng anh cùng các đồng nghiệp FPT Softwate đã rủ nhau lập hội “oanh tạc” cuộc thi này. Theo anh Phúc, Bot Đại chiến xoay quanh nội dung về RPA (Robotic Process Automation - tự động hóa quy trình) - công nghệ mới xuất hiện tại Việt Nam. Anh và đồng nghiệp quyết định tham gia cuộc thi vì muốn tìm hiểu công nghệ mới này, từ đó có thể tìm hướng phát triển công việc trong tương lai.
Đúng 10h09, tất cả thí sinh đều nhận được đề bài cuộc thi và tài liệu hỗ trợ của Ban tổ chức. Ngay khi bấm giờ làm bài, bầu không khí trong Đấu trường công nghệ dần trở nên nóng hơn nữa. Dù được động viên tinh thần bởi nhiều “cổ động viên” nhiệt tình, nhưng đa phần các thí sinh Bot Đại chiến đều không giấu nổi vẻ căng thẳng trên gương mặt. Xung quanh càng huyên náo, sôi động bao nhiêu, các thí sinh càng tập trung cao độ bấy nhiêu.
Chỉ sau gần 10 phút thi đấu đã có thí sinh đầu tiên nộp bài. Và đến 10h30, đã có 5 thí sinh nộp bài thi. Ban tổ chức quyết định tăng thời lượng thi đấu từ 20 phút theo dự kiến ban đầu lên 30 phút, tạo cơ hội cho các thí sinh tối ưu nhất sản phẩm Bot của mình.
Đến đúng 10h39, kết quả cuộc thi được công bố tại màn hình lớn. Theo đó, thí sinh đạt giải Nhất với sản phẩm bot xuất xắc là Vũ Văn Tùng (DDS.ADD - FPT Software). Giải Nhì thuộc về Phạm Hồng Phúc (DPS.MSG - FPT Software). Giải Ba Bot Đại chiến gọi tên 2 thí sinh Nguyễn Văn Tuyến và Nguyễn Đình Hải.
Quán quân Bot Đại chiến (thứ 2 từ phải sang) tập trung làm bài thi của mình. Anh đến từ đơn vị DDS.ADD của FPT Software. Ảnh: Khánh Linh |
Vũ Văn Tùng nhận định tài liệu hỗ trợ do Ban tổ chức cung cấp cho các thí sinh khá đầy đủ, đọc rất dễ hiểu. Tuy nhiên, thời gian gấp rút cũng là điểm áp lực đối với quán quân Bot Đại chiến. “Trong quá trình tạo Bot, textbox control thay đổi liên tục khiến tôi cũng phải cố gắng xử trí thật nhanh”, Vũ Văn Tùng cho biết.
Khi Bot Đại chiến vừa khép màn, sân khấu Đấu trường công nghệ ngay lập tức nhường sân khấu cho cuộc thi AI Đào Vàng. Khác với hình thức thi đấu cá nhân của Bot Đại chiến, với AI Đào vàng, các thí sinh được thi đấu theo đội. Mỗi đội gồm từ 2 đến 3 thành viên, cùng nhau nghiên cứu tạo nên các “Phu Vàng” ảo và nộp code cho Ban tổ chức trước khi diễn ra cuộc thi 1 ngày. Ban tổ chức cho biết, trước ngày thi đã có 9 đội đăng ký và gửi code về. Đêm trước trận đấu, các đội thi vẫn liên lạc với Ban tổ chức đề nghị tạo trận đấu chạy thử để hiệu chỉnh thuật toán. “Lần đầu tôi thấy bất lực khi phải từ chối giúp đỡ các bạn, vì phải ngủ để dậy sớm chuẩn bị cho sự kiện sáng hôm sau”, anh Cao Văn Việt (Đại diện Ban tổ chức) bày tỏ sự áy náy vì chưa thể hỗ trợ tối đa cho các thí sinh.
Định sẵn 9 đội thi sẽ tham gia, tuy nhiên nhưng ngay trước giờ G của trận đấu, 4 đội thi khác “bất thình lình” đăng ký tham gia và nộp code. Ban tổ chức vẫn nhận bài và lựa chọn 3 đội thi, loại 1 đội. Như vậy, tổng cộng có 12 đội thi AI Đào vàng. Dù có sự thay đổi đột ngột về số lượng đội thi tham gia, nhưng Ban tổ chức cuộc thi vẫn linh hoạt sắp xếp các đội theo 3 bảng, mỗi bảng 4 đội.
Tại cuộc thi, 12 đội được trình diễn kết quả đã làm được thông qua cuộc thi đào vàng giữa các Phu Vàng. Trận đấu gồm 2 vòng: vòng Bán kết và Chung kết. Bán kết chia thành 3 lượt đi và 3 lượt về của các bảng A, B, C. 4 đội xuất sắc nhất vòng Bán kết sẽ được chọn tranh tài trong vòng Chung kết.
Lượt đi Bảng A có 4 đội tham gia: “Guardian_Of_Gods”, “FGA_IVS”, “PhamCham”, “Nghia64582”. Đội “Nghia64582” vươn lên chiếm ưu thế về điểm số (số vàng thu được) ngay từ những phút đầu tiên. Sau đó, đội “FGA_IVS” bám sát nút “Nghia64582” với khoảng cách điểm ngắn. Vòng thi diễn ra rất gay cấn, các đội đều hướng sự chú ý lên màn hình để quan sát các Phu Vàng tranh đấu. Kết cuộc, “Nghia64582” về Nhất với 3120 điểm.
Lượt đi Bảng B gồm có 4 đội: “The_Neo”, “Hope”, “Aegis”, “Team93”. Lượt đi Bảng B diễn ra khá cân sức khi cả 4 đội đều lần lượt thay nhau dẫn đầu bảng. Điểm số thay đổi liên tục không ngừng. Cuối hiệp, “Hope” về Nhất bảng.
Lượt đi Bảng C có 4 đội “Haui Dream”, “Lesor”, “Miners” và “HaUI_Bojzs”. Trong đó, “Haui Dream” và “Lesor” cạnh tranh rất gay cấn, khoảng cách điểm giữa hai đội cực kỳ ngắn. Kết quả, “Haui Dream” dành chiến thắng với số điểm 3480 điểm.
Càng về cuối, những khán giả có mặt tại Đấu trường công nghệ càng tập trung đông hơn, háo hức theo dõi trận đấu khốc liệt giữa các Phu Vàng. Kết quả lượt về như sau: “FGA_IVS” đạt Nhất lượt về Bảng A. “Anhnph” đạt Nhất lượt về Bảng B. “Miners” bất ngờ “tiêu diệt” Phu Vàng của “Haui Bojzs” và đạt Nhất Bảng C.
Như vậy, 4 đội “FGA_IVS” (Nhất Bảng A), “Anhnph” (Nhất Bảng B), “Miners” (Nhất Bảng C), “Lesor” (Nhì cao nhất) được chọn để bước tiếp vào vòng Chung kết đầy kịch tính. Đại diện đội “Anhnph” - Nguyễn Phạm Hùng Anh (FGA - FPT Software) khiêm tốn tự nhận “mình số may”. Hùng Anh thở phào: “Chẳng hiểu thế nào Phu Vàng của đội mình may mắn tìm được vàng nhanh thế!”.
Sau lượt đi của vòng Chung kết, đội “Anhnph” giành giải Nhất, “Lesor” về Nhì. Kết thúc lượt về, “FGA_IVS” Nhất, “Anhnph” Nhì.
Kết quả chung cuộc, đội “Anhnph” gồm 2 thành viên là Nguyễn Phạm Hùng Anh (FGA - FPT Software) và Trần Duy Tuấn (Kỹ sư lập trình tự do) xuất sắc giành ngôi vị quán quân AI Đào vàng. Giải Nhì thuộc về đội “FGA_IVS” của Nguyễn Thanh Hòa (FGA.IVS – FPT Software) và Nguyễn Minh Khuê (IVS.AT – FPT Software). Giải Ba xướng tên hai đội “Miners” và “Lesor”. Trong đó, “Miners” là bạn Nguyễn Ngọc Dưỡng, một đại diện của Đại học FPT. Còn Lesor gồm 2 thành viên: Nguyễn Đăng Quang (Kỹ sư lập trình D2 VNext Software) và Vũ Hoàng Bảo Trung (Sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội).
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, đại diện Ban tổ chức trao phần thưởng cho đội vô địch AI Đào vàng. Ảnh: Khánh Linh |
Vui mừng sau chiến thắng vô địch với giải thưởng 15 triệu đồng, đại diện đội “Anhnph” - Trần Duy Tuấn cho biết anh và Nguyễn Phạm Hùng Anh đã phải chuẩn bị các thuật toán thật kỹ lưỡng cho sản phẩm Phu Vàng hôm nay, thậm chí đội còn test thuật toán đến 3 giờ sáng. Ban đầu cả hai đều khá lo lắng, nhưng cuối cùng thì kết quả mỹ mãn hơn cả mong đợi.
Quán quân Nguyễn Phạm Hùng Anh rất tâm đắc với đề tài AI Đào vàng, đây cũng chính là lí do anh quyết định tham gia thi. Anh đánh giá hình thức cuộc thi rất hay và thú vị, có nhiều đề tài để nhân rộng được. Nếu có thời gian, Hùng Anh sẽ liên hệ Ban tổ chức để đóng góp đề bài hoặc tham gia hỗ trợ những lần sau. “Các đội khác chắc cũng chưa có nhiều thời gian chuẩn bị giống đội tôi nên chưa có thuật toán tối ưu. Nhưng một số đội cho tôi những gợi ý rất hay về chiến thuật, ví dụ như bỏ qua vàng lẻ dưới 50 gold (50 điểm), hay để cho Phu Vàng “ngủ liên tiếp” để có thể lực tốt hơn”, Hùng Anh nhận xét. Anh cũng cho rằng, nếu cuộc thi được tổ chức lần tiếp chắc chắn sẽ khó dành chiến thắng, vì các đội sẽ có nhiều thời gian tối ưu thuật toán hơn.
Hùng Anh là một cựu sinh viên của Đại học FPT. Hiện tại, ngoài công tác tại FPT Software, anh còn là người hướng dẫn tại Đại học Trực tuyến FUNiX. Anh bày tỏ mình ấn tượng với các sinh viên tham gia cuộc thi, vì họ có tư duy lập trình tốt, tạo được Phu Vàng với xử lý tương đối phức tạp. “Nói thật, lúc đến thi tôi hơi bất ngờ và ngại ngùng vì mình lớn rồi mà còn chiến đấu với nhóm trẻ quá. May là thắng, chứ nếu loại từ đầu chắc sẽ buồn dài”, Hùng Anh ngưỡng mộ các thí sinh trẻ tuổi đầy tiềm năng trong AI Đào vàng.
Nguyễn Minh Khuê (IVS.AT - FPT Software), đại diện đội Á quân AI Đào vàng “FGA_IVS”, cho rằng Đấu trường công nghệ là một sân chơi quy mô và đầy ý nghĩa. Đây thực sự là một “đấu trường” để những lập trình viên, sinh viên công nghệ được thử sức và học hỏi. Về giải thưởng 7 triệu đồng cho đội về Nhì, theo Khuê, đây là một khoản tiền thưởng lớn, phần nào tiếp thêm động lực cố gắng cho các thí sinh tham gia.
Từ khi nhận các phần sản phẩm Phu vàng gửi về, anh Cao Văn Việt (Đại diện Ban tổ chức cuộc thi) đã biết các thí sinh tham gia đều có khả năng code rất tốt. AI Đào vàng hội tụ khá nhiều tên tên tuổi quen thuộc và có năng lực trong cộng đồng lập trình. “Các đội vòng loại đều khá mạnh và giỏi, đội chưa được giải chỉ là thiếu may mắn một chút”, anh Việt hài lòng với chất lượng thí sinh tham gia.
Thể thức thi theo game của AI Đào vàng là hình thức thi lập trình khá mới mẻ, hiếm khi xuất hiện tại Việt Nam. Anh Cao Văn Việt (Đại diện Ban tổ chức cuộc thi) cho biết AI Đào vàng khó hơn các bài thi thông thường ở điểm: thay vì chỉ có 1 input và 1 output (1 đầu vào và 1 đầu ra cụ thể), tại AI Đào vàng các thí sinh phải cùng “đối phó” với nhau. Chiến thuật của các đội buộc phải thay đổi liên tục dựa trên các động thái của những đội chơi khác, và không ai biết trước được chiến thuật của các đội đối thủ. Bởi vậy AI Đào vàng giống như 1 ván cờ khó lường, gay cấn mà cũng đầy hấp dẫn.
Anh Cao Văn Việt cũng tiết lộ, mình nảy ra ý tưởng về AI Đào vàng trong khi đang trên… xe bus. Ngay sáng hôm sau, Việt trình bày ý tưởng và cả đội bắt đầu cùng nhau thiết kế cuộc thi. Đội ngũ kỹ thuật chỉ vỏn vẹn gồm 6 người, do vậy tất cả đều phải dốc sức chạy tới 200% sức lực mới có thể hoàn thành thiết kế sau 3 tuần ngắn ngủi.
Đối với sinh viên, việc lập trình vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. AI Đào vàng là một cuộc thi tầm cao hơn hẳn, đòi hỏi trình độ về AI cao hẳn những người làm lập trình đơn thuần, anh Việt nhận xét.
Không khí tại Đấu trường công nghệ luôn "sôi sùng sục" với các phần thi đấu hấp dẫn. Ảnh: Khánh Linh |
Bắt đầu từ 13h30 chiều, toàn bộ không gian của Đấu trường công nghệ được dành trọn cho Đấu sĩ Coder. MINERS (Nguyễn Ngọc Dưỡng), Beckem, Minhquanym, Ngotnt23 là những cái tên xuất hiện trong nhiều trận vòng loại. Sau 6 trận vòng loại, số thí sinh bước vào vòng tranh ngôi vương là: Chu Tuấn Thông, Nguyễn Ngọc Dưỡng (ĐH FPT); Lê Vũ Quang, Minh Quân, Nguyễn Hữu Trung (ĐH Công nghệ Hà Nội); Nguyễn Hữu Kiên (Học viện Bưu chính Viễn thông).
Các thí sinh sẽ phải tranh tài với 3 boss là CBNV nhà F, thuộc 3 cấp độ được sắp xếp theo độ khó tăng dần. Để đi tiếp vào vòng trong, thí sinh cần đạt thứ hạng cao hơn so với boss. Đề thi của Săn Boss được MINERS đánh giá là khó hơn hẳn so với vòng loại, cần nhiều thời gian đọc và phân tích đề. Sau 2 trận đấu boss, cặp anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Trung và Nguyễn Hữu Kiên là những thí sinh duy nhất còn trụ lại của cuộc thi.
Ở trận cuối cùng, ban tổ chức khiến cả đấu trường bất ngờ trước 3 đề bài rất dài với nhiều thông tin dữ liệu cần xử lý. Boss của trận này cũng có trình độ cao và tốc độ code rất nhanh khiến hai thí sinh phải dè chừng. Sau 30 phút thi đấu căng thẳng, Nguyễn Hữu Kiên trở thành nhà vô địch với thành tích 500 điểm. Boss của ban tổ chức cũng đạt được số điểm này nhưng về đích muộn hơn Kiên 3 phút. Trong khi đó, Nguyễn Hữu Trung kém may mắn hơn em trai do gặp sự cố trong lúc chạy lệnh.
Đấu trường công nghệ đã khép lại thành công với 3 cuộc thi thu hút hàng trăm thí sinh từ nhiều đơn vị, trường đại học trên địa bàn Hà Nội, với tổng giá trị giải thưởng các cuộc thi là 150 triệu đồng. Ban tổ chức kỳ vọng thông qua đây, các thí sinh có thể biết đến cộng đồng CodeLearn - nền tảng học lập trình trực tuyến, và cùng nhau học lập trình. Đồng thời, Đấu trường công nghệ cũng là sân chơi giúp các thí sinh được va chạm, đánh giá được trình độ bản thân và mở rộng quan hệ để cùng nhau học hỏi, phát triển cho công việc của mình. Tại đây, các thí sinh có cơ hội được gặp gỡ với những lãnh đạo lớn trong và ngoài FPT. “Nếu như chứng minh được năng lực của mình tại Đấu trường công nghệ, các bạn hoàn toàn có thể ứng tuyển CV vào FPT”, anh Cao Văn Việt khẳng định.
Diễn đàn Công nghệ FPT 2019 đã quy tụ hơn 4.500 người tham dự gồm các đối tác, doanh nghiệp, chuyên gia và cộng đồng công nghệ. Đây cũng là lần đầu tiên FPT tổ chức "Đấu trường công nghệ" dành cho cộng đồng lập trình Việt Nam, diễn ra song hành các hoạt động trong triển lãm và hội thảo.
Với chủ đề “Start Smart - Khởi động thông minh”, TechDay được triển khai với 46 khu vực triển lãm. Cạnh đó, diễn đàn cũng gây ấn tượng với các điểm nhấn công nghệ: xe tự hành “Made in Vietnam” trở thành “Người vận chuyển” chính thức trong sự kiện; tổng đài viên ảo đảm nhận ghi danh và xác nhận khách mời.
Khánh Linh - Hoàng Hương
Ý kiến
()