Chúng ta

Học sinh THPT FPT giành HCV Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới

Thứ tư, 31/7/2019 | 14:02 GMT+7

Nghiên cứu về cách thu giữ CO2 với nhiều ưu điểm đột phá, góp phần bảo vệ môi trường, Trần Văn Chương (lớp 11A7 THPT FPT) cùng nhiều học sinh đến từ các trường khác nhau đã mang về tấm HCV cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới 2019 (WICO). 

Ngày 27/7 vừa qua, tại Hàn Quốc, 8 đội học sinh Việt Nam tham gia Cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới 2019 (WICO) cùng giành HCV. Trần Văn Chương (hiện là học sinh lớp 11A7 THPT FPT) là một thành viên trong đoàn. Đội của Chương gồm 4 học sinh đến từ các trường khác nhau đã nghiên cứu về cách thu giữ CO2 với nhiều ưu điểm đột phá, góp phần bảo vệ môi trường.

vanchuong-thptfpt-1-8862-1564548703.jpg

Trần Văn Chương (ngoài cùng bên phải) và các đồng đội mang về tấm HCV Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới 2019. Ảnh: NVCC

Cụ thể, nhóm tìm ra một chất để điều chế CO2, giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu. Trước đây, từng có nhiều nhóm tiến hành nghiên cứu vấn đề tương tự và tìm ra giải pháp. Tuy nhiên, các chất của họ dùng có chi phí cao mà lại độ bền thấp, hầu hết chỉ sử dụng 1 lần. Ngoài ra còn bị hao mòn thiết bị do trong quá trình sử dụng chất xúc tác có axit. Ngược lại, nhóm của Văn Chương được đánh giá cao khi chất tìm được hạn chế toàn bộ các khuyết điểm trên và có thể dễ dàng mua ngoài thị trường. 

Theo Chương, nhóm có 5 người và bắt đầu tiến hành nghiên cứu từ khoảng hơn 1 năm trước: "Ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên là những vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay, em thấy nhiều bạn trẻ cũng đã rất có ý thức. Nhưng đối với bọn em, quan tâm không chưa đủ ạ, cần hành động một điều gì đó để giúp cho môi trường xung quanh tốt hơn. Và ý tưởng này đã ra đời như thế”.

Cậu bạn tiết lộ cả nhóm không gặp khó khăn trong quá trình làm việc với nhau vì cùng chung một đam mê nên dễ dàng chia sẻ. Thời điểm cân não nhất có lẽ là lúc Chương và đồng đội nhận kết quả thí nghiệm. "Khi đó chúng em xảy ra mâu thuẫn về việc nguy hiểm của thí nghiệm do có axit trong quá trình làm. Có lúc còn xác định bỏ không làm nữa ạ. Cũng may, thầy hướng dẫn đã giúp đỡ bọn em để tiếp tục. Lần đó cãi nhau gay gắt lắm, không ai chịu nhường ai. Giờ nghĩ lại thì vừa giận vừa vui", nam sinh kể lại.

Sau thời gian dài nghiên cứu, nhóm đã gửi dự án của mình lên Bộ Khoa học & Công nghệ và được chấp thuận mang đi thi đấu tầm quốc tế. Kết quả, nghiên cứu của nhóm đã vượt qua những đối thủ mạnh đến từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada để mang về tấm HCV quý giá cho Việt Nam. 

“Chúng em nhận tin được giải khi đang đi chơi trên tàu điện ngầm, tất cả cùng ôm nhau khóc và vỡ oà trong niềm vui sướng, thật sự là một kết quả không thể ngờ tới. Em muốn cảm ơn bố mẹ đã luôn đồng hành cùng em, thầy Đoàn Sỹ Đức của trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã giúp đỡ chúng em rất nhiều. Và đặc biệt là các đồng đội trong nhóm đã sát cánh cùng nhau”, Văn Chương bồi hồi. 

Trước WICO, "nhà khoa học" Văn Chương còn ghi danh cuộc thi Olympic Quốc tế Khoa học, Toán và tiếng Anh – ASMO 2019 và đã vượt qua vòng 1. Nếu hoàn thành vòng 2 vào ngày 25/8 tới đây, Chương sẽ sang Hồ Nam, Trung Quốc để tiếp tục thi đấu vòng cuối cùng. 

Olympic Phát minh và sáng chế thế giới WICO (World Invention Creativity Olympic) là cuộc thi thường niên do Hiệp hội Phát minh sáng chế các trường đại học Hàn Quốc thành lập và Quốc hội Hàn Quốc bảo trợ. Kỳ thi dành cho học sinh từ lớp 6-12 trên toàn thế giới.

Cuộc thi năm nay có 30 nước tham gia, trong đó có nhiều đội mạnh. Đoàn Việt Nam tham dự WICO 2019 gồm 26 học sinh, chia 8 đội. Đoàn do TS Nguyễn Hoàng Giang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục sáng tạo (RICE) và TS Đỗ Như Bình (Học viện Quân y, cố vấn phụ trách chuyên môn cho đoàn) dẫn đoàn.

Trâm Nguyễn

Ý kiến

()