Chúng ta

Học sinh FPT giành giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật Đà Nẵng

Thứ ba, 10/12/2019 | 11:40 GMT+7

Nguyễn Hoàng Phúc, Lê Thanh Tùng và Nguyễn Trần Thế Anh xuất sắc mang về giải Nhì và Ba tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TP Đà Nẵng.

Ngày 7/12, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TP Đà Nẵng năm học 2019 - 2020 đã khép lại. Tham gia cuộc thi có 172 học sinh, 93 giáo viên hướng dẫn đến từ 48 trường THCS, THPT với 93 dự án ở 22 lĩnh vực dự thi. 

Cuộc thi được chia thành 5 tiểu ban, gồm: Khoa học động vật, Hóa Sinh, Kỹ thuật y sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Năng lượng Hóa học và Vi sinh (19 dự án); Sinh học trên máy tính và Sinh – Tin, Hệ thống nhúng, Toán học, Robot và máy thông minh và Phần mềm hệ thống (28 dự án); Y sinh và Khoa học sức khỏe, Khoa học Trái đất và Môi trường, Kỹ thuật môi trường, Khoa học Thực vật và Y học chuyển dịch (15 dự án); Năng lượng Vật lý, Kỹ thuật cơ khí, Khoa học vật liệu, Vật lí và Thiên văn (10 dự án); Khoa học xã hội và hành vi (21 dự án).

thumbnail-1-1024x767.jpg

Sản phẩm của Thanh Tùng và Thế Anh được đánh giá cao nhờ tính thiết thực và đóng góp vào công tác nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: ĐVCC.

FPT School Đà Nẵng tham gia với hai dự án đến từ các học sinh Nguyễn Hoàng Phúc (11A6), Lê Thanh Tùng (11A8) và Nguyễn Trần Thế Anh (11A1). Cụ thể, Hoàng Phúc kết hợp cùng một học sinh của trường chuyên Lê Quý Đôn để thực hiện đề tài Chatbot trên messenger dành cho người trầm cảm; Thanh Tùng và Thế Anh tham gia với đề tài Phần mềm nhận diện thí sinh chống gian lận trong thi cử.

Các thí sinh lần lượt viết báo cáo về chủ đề tham gia, giới thiệu về trường, trang trí gian trưng bày sản phẩm hoàn thiện và trình bày về dự án cũng như phản biện các câu hỏi của Ban chấm thi trong vòng 5 phút. Chung cuộc, đoàn FPT School Đà Nẵng giành giải Nhì với sản phẩm Chatbot trên maessenger dành cho người trầm cảm và giải Ba với Phần mềm nhận diện thí sinh chống gian lận trong thu cử.

Thanh Tùng cho biết thông qua sân chơi mong muốn được trau dồi và học hỏi thêm thật nhiều kỹ năng cho bản thân. Lý do nhóm chọn đề tài là muốn tạo ra một phần mềm cho các thầy cô có thể dễ dàng sử dụng và tạo ra công bằng trong thi cử. Thông qua cuộc thi, học sinh nhà F cũng có cơ hội làm quen được nhiều bạn bè, anh chị giỏi từ các trường khác trong thành phố. "Em nhận được rất nhiều lời khuyên và chia sẻ để có thể phát triển sản phẩm tốt hơn nữa. Đặc biệt, em đã có thể trau dồi cho bản thân khả năng thuyết trình và phản biện trước những câu hỏi hóc búa từ ban giám khảo”, Tùng chia sẻ.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Đà Nẵng, khẳng định cuộc thi đã khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Thông qua những sản phẩm, các em đã góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật là một trong những hoạt động nhằm nâng cao từ nhận thức đến trình độ cho đội ngũ giáo viên cũng như chất lượng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong yêu cầu dổi mới của hoạt động dạy - học và giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Đây cũng là cơ hội cho cán bộ, giáo viên, học sinh và các đơn vị giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm. Cuộc thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng triển khai đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực học sinh để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, tìm ra những biện pháp quản lý phù hợp, tích cực trong các nhà trường.

>> Học sinh FPT Đà Nẵng tri ân thầy cô dịp 20/11

Việt Nguyễn

Ý kiến

()