Cụ thể, tất cả thí sinh tham dự vòng Sơ khảo đều được nhận học bổng 1 trong 4 môn học: Becoming an Digital Citizen (Trở thành công dân số), Building your first website (Xây dựng website đầu tiên), Mastering your Computer (Làm chủ máy tính), Creating your first program with Javascript (Xây dựng phần mềm đầu tiên với Javascript).
Sau đó, 26 cá nhân xuất sắc nhất vòng Sơ khảo và 4 cá nhân thuộc đội vô địch sẽ nhận học bổng toàn phần của 1 trong 3 khóa học: Automotive, Machine Learning, Data Science trị giá 22 triệu đồng/khóa. Toàn bộ các khóa học trên được tài trợ bởi Đại học trực tuyến FUNiX - Nhà tài trợ Vàng của cuộc thi.
Cạnh đó, các đội thi sẽ có cơ hội nhận những giải thưởng công nghệ đặc biệt như: học bổng tiến sĩ Trí tuệ nhân tạo, kỹ năng công dân số, chuyến trải nghiệm công nghệ tại Mỹ, học bổng học tiếng Anh,… Top 4 đội xuất sắc nhất sẽ được thực tập và cùng giải quyết các bài toán công nghệ mới nhất tại FPT.
Cuộc đua số là sân chơi để sinh viên Việt Nam trau dồi kiến thức, cọ xát với bạn bè quốc tế, sẵn sàng hành trang cho cuộc cách mạng số. Qua đó, FPT hướng đến lan tỏa phong trào nghiên cứu sáng tạo, truyền cảm hứng trải nghiệm và ứng dụng công nghệ mới cho giới trẻ.
Cuộc đua số 2019 - 2020 do FPT và VTV đồng tổ chức, được bảo trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ. Năm nay, cuộc thi có sự đồng hành của FUNiX với vai trò Nhà tài trợ Bạc và Elsa với vai trò Nhà đồng tài trợ. Mùa thi này, sinh viên sẽ phải vượt qua những thử thách công nghệ phức tạp hơn nhiều so với các mùa thi trước đó và có cơ hội nhận giải thưởng giá trị hơn. Hạn đăng ký hồ sơ được gia hạn đến hết ngày 21/12.
Đội thi vô địch Cuộc đua số 2018 đã có nhiều trải nghiệm thú vị khi đặt chân đến Mỹ và FPT USA. Ảnh: Lê Ngọc Tuấn |
Trong mùa thứ 4, Cuộc đua số sẽ tổ chức 2 điểm thi quốc tế với đội thi đến từ nhiều quốc gia khác nhau, để lựa chọn 2 đội thi quốc tế thi đấu chung kết cùng 8 đội xuất sắc nhất của các trường đại học Việt Nam. Các đội thi sẽ phải ứng dụng công nghệ xử lý ảnh, học máy, học sâu,… để lập trình cho xe tự định vị tìm đường đi ngắn nhất, di chuyển trên cung đường bất kỳ và vượt qua các thử thách trong điều kiện mô phỏng môi trường thực tế. Mô hình xe được sử dụng có kích thước bằng 1/7 xe thật, đạt tốc độ tối đa 50km/h.
Ngoài thách thức từ các mùa trước như xe đi đúng làn đường, đi theo biển báo giao thông, tránh chướng ngại vật tĩnh, xử lý ánh sáng thay đổi…, thí sinh sẽ đối diện với thử thách lớn nhất là “vật cản động”. Tại vòng chung kết, chiếc xe tự hành của các đội thi sẽ phải tránh các xe đi thuận, ngược chiều, người đi bộ ngẫu nhiên. Ngoài ra, xe cũng sẽ phải đỗ vào đúng vị trí trong bãi đỗ theo nhiều cách khác nhau.
8 đội mạnh nhất sẽ lộ diện trong tháng 3/2020 và so tài cùng 2 đội quốc tế để tìm ra cái tên tiếp theo ghi tên mình vào danh sách các Quán quân Cuộc đua số. Trước đó, một số trường đại học như Trường Sĩ quan Thông tin (Khánh Hòa), Trường Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH) đã tổ chức vòng thi sơ loại để chọn ra các đội thi đại diện cho trường tham gia vòng sơ khảo toàn quốc.
Cuộc đua số là cuộc thi công nghệ được FPT tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2016 - 2017 với mong muốn các bạn trẻ Việt Nam xây dựng một nền tảng vững chắc để đón nhận cơ hội và thành công trong cuộc cách mạng số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. FPT cũng kỳ vọng cuộc thi sẽ giúp phát hiện những sinh viên tiềm năng cùng FPT tiên phong trong cuộc cách mạng số. Sau ba mùa tổ chức, Cuộc đua số đã thu hút hàng nghìn thí sinh đến từ các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước. Học viện Kỹ thuật Quân sự là trường đang giữ ngôi vô địch hai mùa (mùa đầu tiên năm 2016 - 2017 và mùa thứ ba 2018 - 2019), Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội vô địch mùa thứ hai năm 2017 - 2018. |
Khánh Linh
Ý kiến
()