Chúng ta
Thứ hai, 20/9/2021 | 08:24 GMT+7

FPT Telecom xây ứng dụng hỗ trợ khắc phục sự cố mạng sau bão

Công cụ giúp xác định sự cố sau bão chính xác hơn 90%, tối ưu phân công nhân sự, tăng hiệu quả khôi phục kết nối sau thiên tai.

FPT Telecom xây ứng dụng hỗ trợ khắc phục sự cố mạng sau bão 

Công cụ giúp xác định sự cố sau bão chính xác hơn 90%, tối ưu phân công nhân sự, tăng hiệu quả khôi phục kết nối sau thiên tai.

Sau mỗi cơn bão đi qua, một trong những nỗi lo hàng đầu của anh Tạ Ngọc Triết - Giám đốc FPT Telecom Quảng Ngãi - là kiểm soát tình hình thuê bao của khách hàng, tìm nguyên nhân mất kết nối, xem hạ tầng bị hư hỏng ở đâu, điều động nhân sự phù hợp để khắc phục sự cố...

Công việc này tốn khá nhiều thời gian do cần truy xuất dữ liệu từ nhiều bộ phận quản lý khác nhau. Nhiều khi, anh em loay hoay không biết xác định phải xử lý ưu tiên cái nào trước, cái nào sau...

Khi bão số 5 tiến vào Quảng Ngãi đầu tháng 9 vừa qua, anh Triết cảm thấy mình chủ động hơn nhiều khi Trung tâm Phát triển và quản lý hạ tầng (INF) đưa vào ứng dụng công cụ mới mang tên Ứng dụng Phòng chống Bão lũ thông minh. Cụ thể, ứng dụng có thể nhanh chóng cung cấp thông tin về những điểm mất kết nối, nguyên nhân - do hạ tầng bị hư hỏng hay nguyên nhân khác, từ đó anh có thể đưa ra mức độ ưu tiên cho các phần việc, điều động nhân sự hạ tầng ở INF hay kỹ thuật từ Phương Nam (PNC) tương ứng.

Khi mỗi sự cố được xử lý, kết quả được cập nhật tự động theo sát thời gian thực, thay vì cập nhật thủ công như trước. Việc báo cáo sau mỗi ca xử lý cũng được tự động hóa bằng botchat. Từ đó, quyết định "tác chiến" tiếp theo có thể được đưa ra nếu cần thiết. Người chỉ huy như anh Triết có thể theo dõi, phân tích tình hình nhờ sơ đồ trực quan, từ bất cứ đâu.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và quản lý hạ tầng (INF phía Nam) Lê Minh Hiếu cho biết trước đây, khi bão đi qua, các bộ phận kỹ thuật phải theo dõi phân tích dữ liệu cho từng khu vực, chi nhánh, sau đó INF cần thời gian để tổng hợp trước khi đưa ra phương án xử lý, gửi ra "tiền tuyến". 

Quy trình phân tích dữ liệu mất nhiều thời gian và cần nhiều nhân sự, làm chậm đi trải nghiệm dịch vụ của khách hàng, có thể dẫn đến rời mạng. Đặc biệt là trong tình hình Covid, bài toán cần được giải càng sớm càng tốt. Đó cũng là lý do INF nung nấu một ứng dụng kiểm soát tổng thể. Thời gian hoàn thành được ấn định là trước đợt mưa bão năm nay, dự kiến ngày 17/9.

Trưởng phòng Kỹ thuật Hạ tầng INF HCM Phạm Bùi Tuấn Vũ, Phó phòng Trịnh Minh Tiến cùng cộng sự bắt tay vào cuộc. Bắt đầu từ tháng 7, các anh bắt đầu phác thảo lại mọi quy trình trước đây để lựa chọn thông tin đầu vào phù hợp. Theo anh Tuấn Vũ, công việc này rất phức tạp, ngay cả những anh em trong nghề lâu năm cũng hơi bối rối, vì muốn ứng dụng thông minh, phải nhìn từ nhiều góc nhìn khác nhau - từ người thực hiện đến cán bộ quản lý, ban giám đốc Vùng và ban điều hành...

"Dự báo đến 7h ngày 13/9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi" - thông tin bão vào sớm hơn dự kiến khiến đội dự án chạy đua với thời gian, anh Trịnh Minh Tiến nhớ lại. Là một người con đất miền Trung, anh Tiến thấy hiểu hơn ai hết ý nghĩa của việc khắc phục hậu quả sau bão. Cùng đồng đội, anh không cho phép mình ngơi nghỉ để đưa công cụ vào sử dụng kịp thời.

Ngoài thông tin từ phân tích hạ tầng, monitor…, công cụ được hỗ trợ nguồn thông tin quan trọng từ các đồng đội Trung tâm Ứng dụng khoa học dữ liệu (CADS). 

Trưởng phòng Tối ưu Trần Xuân Hậu (CADS) chia sẻ, để ứng dụng dữ liệu lớn cho công cụ thông minh, không chỉ cần cung cấp những dữ liệu khai thác có sẵn mà cần học kinh nghiệm thực tế từ nhóm triển khai. Dữ liệu cũng cần được tập hợp liên tục để công cụ nhận diện được nội dung, tình huống.

“Khi phối hợp với INF, chúng tôi thấy được sự tâm huyết của các anh. Việc thảo luận liên tục sẽ giúp cho cả 2 đơn vị triển khai nhanh hơn và đúng mong muốn. Đây là tiền đề để tạo ra một công cụ thông minh”, anh Hậu nói.

Ứng dụng Phòng chống Bão lũ thông minh sau khi được đưa vào vận hành giúp tỷ lệ xác định sự cố chính xác lên tới hơn 90%. Từ đó, Viễn thông FPT có thể khắc phục nhanh hơn, tiết kiệm nguồn lực. Mọi vấn đề được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra một quyết định quan trọng.

Đến nay, ứng dụng đã cho thấy kết quả khả quan ngay từ những lần chạy đầu tiên. Phó Giám đốc PNC Hà Thanh Phước đánh giá: “Bây giờ qua tool, mọi phán đoán đều chính xác. Nguồn lực được tối ưu cho các đơn vị khắc phục sau bão. Tôi rất hài lòng khi những giá trị mà công cụ này mang lại. Chắc chắn các anh chị em khác khi tiếp xúc cũng sẽ yêu nó như tôi”.

Theo đại diện INF, ứng dụng sẽ tiếp tục được phát triển, hướng tới sự “thông minh toàn diện”, chẳng hạn dự đoán được cuộc gọi của khách hàng qua phát hiện sự cố sớm, giúp cán bộ chủ động tình hình và mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Giám đốc CADS Võ Thị Hồng Phương cho biết sẽ hỗ trợ các đơn vị tối đa bằng các dữ liệu mà CADS đang có.

Với lộ trình, mục tiêu cụ thể, hoạt động chuyển đổi số của INF sẽ mở ra hướng đi mới, khai thác tối đa hiệu quả của dữ liệu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững cho FPT Telecom.

FoxNews

Ý kiến

()
 
Tags: