Chúng ta

FPT Telecom tiết kiệm 3.000 giờ/năm nhờ Botchat

Chủ nhật, 12/5/2019 | 09:18 GMT+7

Sau hơn 1 năm triển khai, ứng dụng Botchat của Trung tâm Quản lý và phát triển hạ tầng phía Nam (INF, FPT Telecom) hiện có hơn 2.500 người dùng. Theo ước tính, thời gian tiết kiệm được lên đến khoảng 3.000 giờ/năm.

Anh Kim Long, phòng Hạ tầng FPT Telecom Sóc Trăng, là một trong những người thường xuyên sử dụng Botchat của trong công việc hằng ngày. Trước đây, khi cần kiểm tra nhiệt độ Metropop và POP, tình trạng nguồn, xem dịch vụ của khách hàng có tín hiệu hay chưa… anh phải chạy vào chi nhánh, mở máy tính kết nối mạng nội bộ mới xem được, rất mất thời gian. Hiện tại, với ứng dụng Botchat trên di động, anh chỉ mất không quá 3 giây là có thông tin. Giao diện thân thiện, ngôn ngữ tiếng Việt rất thuận tiện sử dụng là điểm anh hài lòng về ứng dụng.

Mỗi ngày, có hàng trăm sự cố liên quan đến hàng nghìn thiết bị trong hạ tầng khiến việc giao tiếp giữa đội đi xử lý sự cố ở ngoài đường và đội kỹ thuật viên điều hành ở nhà mất rất nhiều thời gian. Để hỏi các thông tin, kiểm tra, xử lý, kiểm tra lại… các đội phải liên lạc qua điện thoại, kiểm tra thông tin chỉ bằng cách đăng nhập vào mạng nội bộ ở văn phòng. Một cách tự nhiên, nhiều công việc khối Hạ tầng, Kỹ thuật của FPT Telecom đã được chuyển đổi số.

bot2-Copy-5779-1557414227.jpg

Kiểm tra tình trạng up/down của tập điểm nhanh chóng với Botchat.

Ứng dụng Botchat của 2 kỹ sư Trung tâm Quản lý và phát triển hạ tầng phía Nam - Trịnh Minh Tiến và Nguyễn Đình Lãm - đã trở thành một công cụ ‘cứu cánh thần kỳ’. Chỉ bằng 1-2 dòng chat đơn giản, các kỹ thuật viên giảm được thời gian chờ đợi tối đa và không bị phụ thuộc, chậm trễ trong xử lý. Việc kiểm tra thông tin cần thiết được thực hiện chỉ trong khoảng 3 giây, thay vì mất ít nhất 2-3 phút hoặc lên đến 10-15 phút như trước. Ứng dụng đã xuất sắc dành giải vàng iKhiến số 6 năm 2017.

Sau hơn 1 năm triển khai, ứng dụng Botchat hiện có hơn 2.500 người dùng. Từ nội bộ phòng, đối tượng sử dụng đã dần mở rộng ta toàn bộ INF miền Nam, INF miền Bắc, thêm cả đội ngũ Phương Nam (PNC User + Indoor), anh Trịnh Minh Tiến cho biết.

DSC-7730-JPG-9653-1506326710-1426-155741

Ứng dụng Botchat từng giành giải vàng iKhiến số 6 năm 2017.

Với việc liên tiếp nâng cấp ứng dụng, tốc độ phản hồi của Botchat cũng được cải thiện hơn rất nhiều, nhanh gấp 3 lần ban đầu. Một ngày có trung bình 120-150 yêu cầu truy vấn. Theo ước tính, thời gian tiết kiệm được lên đến khoảng 3.000 giờ/năm.

Đặc biệt, các chức năng đã và đang được bổ sung, hoàn thiện. Một trong những chức năng mới bổ sung của Botchat là kiểm tra bộ thông tin Smart POP (IPMS). Cụ thể, bộ IMPS lấy hết thông tin của POP như: thông tin máy lạnh, thông tin nhiệt độ, độ ẩm… của POP. Để lấy các thông tin này, người dùng trước đây phải vào trang theo dõi thiết bị để xem. Từ lúc thông tin được tích hợp vào BotChat, người dùng đi ngoài đường cũng có thể kiểm tra nhanh chỉ bằng một nút bấm. Ngoài ra Bot còn phân tích dữ liệu máy lạnh hay nhiệt độ và phát hiện ra điểm bất thường rồi chủ động gửi cảnh báo đến cho quản lý khu vực đó để vào kiểm tra.

Botchat cho phép kiểm tra tình trạng tập điểm, gồm thông tin về modem của khách hàng nằm trên tập điểm cũng như tình trạng đường dây của khách hàng. Tập điểm cấp 2 là bộ chia cáp đấu sát với khách hàng. INF và bộ phận BigData đã phối hợp để theo dõi nó và gửi các cảnh báo, tích hợp các lệnh để kiểm tra về tình trạng tập điểm này cho người dùng liên quan. Ngoài ra, Botchat còn kiểm tra tình trạng các modem, tình trạng suy hao trên tập điểm bằng một nút bấm. Botchat còn cung cấp một lựa chọn để kiểm tra nhanh khi kỹ thuật viên lên danh sách hàng loạt.

DSC-1386-1556705223-5696-1557414227.jpg

Nhờ ứng dụng Botchat, các kỹ thuật viên giảm được thời gian chờ đợi tối đa và không bị phụ thuộc, chậm trễ trong xử lý.

Lịch sử các vấn đề khách hàng gặp phải trong quá khứ là khá quan trọng với anh em nhà Viễn thông. Chính vì vậy, các tác giả ứng dụng đã bổ sung tính năng kiểm tra tình trạng 'checklist' (danh sách ghi lại lịch sử sự cố), giúp kỹ thuật viên nắm được thông tin các lỗi trước đó của hệ thống tại nhà khách hàng. Khi đi xử lý sự cố ở nhà khách hàng, anh em kỹ thuật viên nay không cần phải dùng laptop, chỉ cần nhấc điện thoại lên và nhắn tin với Bot là có thể biết rõ.

Để xem được các lỗi trên hạ tầng, trước đây người phụ trách các khu vực phải vào hệ thống theo dõi để xem từng chi tiết, phải mất vài thao tác thì mới nắm được hết được các lỗi đang có. Nay chỉ cần một nút bấm là có thể nhìn qua được các lỗi đã có trên khu vực mình quản lý.

Ngoài ra, Botchat hiện tại cho phép các kỹ sư mạng kiểm tra dịch vụ nhanh chóng sau khi ‘làm kế hoạch’. Cụ thể, trong quá trình vận hành hạ tầng mạng, các kỹ sư mạng thường phải bảo trì, nâng cấp cũng như có các thay đổi về hạ tầng (thường vào giờ từ đêm đến sáng sớm). Sau khi thực hiện công việc đó, nhiệm vụ của người thực hiện phải đi kiểm tra lại dịch vụ, kiểm tra lại xem hệ thống đã chạy tốt chưa.

Trước đây, việc này phải mất cả loạt thao tác, dễ dẫn đến thiếu sót. Nguyên nhân có thể do sự chủ quan hay mệt mỏi của kỹ thuật viên sau một đêm vất vả. Để khắc phục được bất cập này này, nay chỉ bằng một nút bấm, Bot sẽ lần lượt kiểm tra tất các dịch vụ của khách hàng và gửi kết quả chi tiết cho các kỹ sư mạng.

Anh Đào Thanh Thủy, INF Vĩnh Long, cho biết chi nhánh thường xuyên sử dụng Botchat trong công việc. Biết đến với Botchat thông qua kênh truyền thông nội bộ, anh Thủy đã thử dùng trong việ tra cứu thông tin nhiệt độ MPOP, kiểm tra thông tin khách hàng, kiểm tra thông tin lỗi đối với thiết bị, hệ thống, kiểm tra tình trạng tập điểm, khách hàng… và nhận ra Botchat vừa tiện dụng, linh hoạt, sử dụng được mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm thời gian. Chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại di động, chị có thể có thông tin gần như ngay lập tức.

Để ứng dụng ngày càng được tối ưu, anh Thủy cũng thường xuyên trao đổi với anh Tiến - một trong 2 “cha đẻ” của ứng dụng khi gặp một số vấn đề phát sinh, cần bổ sung thêm tính năng sao cho đáp ứng nhu cầu người dùng tra cứu các thông tin một cách nhanh nhất có thể.

Trước đây, muốn kiểm tra thông tin của một khách hàng, Thủy phải vào máy công ty sử dụng mạng nội bộ, dù là ngày nghỉ lễ, lên inside.fpt.net truy vấn mới tìm ra thông tin. Nay chỉ rõ một vài ký tự trên điện thoại là Thủy có ngay kết quả, tiết kiệm tối đa thời gian và công sức.

1-2083-1557414227.jpg

Chỉ một vài thao tác trên điện thoại di động, thông tin sẽ được cung cấp gần như ngay lập tức.

Trong khi đó, anh Nguyễn Phúc Bảo Huy, FPT Telecom Quảng Trị, cho hay  nhờ sự hướng dẫn cụ thể bằng mail, file hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp với các nhóm tương tác từ INF HO đến tỉnh, anh đã được trải nghiệm ứng dụng tiện lợi này. Anh cho biết về hạ tầng, trước kia khi POP xảy ra mất điện, anh nhận rất nhiều tin nhắn báo về việc theo dõi tính trạng POP và phải vào trực tiếp Opsview để kiểm tra theo dõi tình trạng điện, acquy còn bao nhiêu, đang phát sinh lỗi gì nữa không... rất khó khăn. Nay, chỉ cần 1-2 thao tác là nhân viên kỹ thuật có thể trực tiếp kiểm tra trên điện thoại ở BotChat và nắm chính xác tính trạng POP. 

>> Cập nhật 'hot trend', hai chàng trai FPT Telecom giành giải Vàng iKhiến

Hà An

Ý kiến

()