Chúng ta

FPT Telecom mang giải pháp bảo mật đến Security World 2020

Thứ năm, 30/4/2020 | 17:04 GMT+7

Là đại diện FPT diễn thuyết tại Hội thảo về an ninh mạng, bảo mật 2020, anh Trần Xuân Hậu (FPT Telecom) đã đưa ra giải pháp BigData nhằm bảo mật và an ninh mạng sau 2 năm nghiên cứu và phát triển.

Sáng 28/4, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG Việt Nam) đã phối hợp Câu lạc bộ CEO/CIO tổ chức Hội thảo trực tuyến về an ninh, bảo mật (Security World) 2020 với chủ đề “Định hướng và giải pháp công nghệ nhằm đảm bảo an toàn an ninh thông tin thời đại số”.

Hội thảo có sự tham gia của một số chuyên gia là CIO, CSO thuộc các tổ chức, doanh nghiệp lớn tại Singapore, Thái Lan… cùng các diễn giả cao cấp trong nước và quốc tế. Anh Trần Xuân Hậu (ISC, FPT Telecom) đã tham gia diễn thuyết với chủ đề “Giải pháp sử dụng BigData để bảo vệ người dùng Internet khỏi các trang web độc hại” và nhận được nhiều sự quan tâm. 

Tại buổi hội thảo, anh Hậu cho biết, phương pháp phát hiện tên miền độc hại này có thể tìm ra thêm 20.000 tên miền độc hại mới trong số 10 triệu tên miền được người dùng truy vấn mỗi tuần. Một lượng lớn các tên miền độc hại mới đã phát hiện cùng với tập tên miền độc hại đã có đã giúp cho nhóm nghiên cứu FPT Telecom có thêm cơ sở để phân tích và tìm ra được khách hàng có thiết bị bị nhiễm virus. 

Để bảo vệ khách hàng và hệ thống khỏi bị nhiễm phần mềm độc hại khi truy cập Internet, bắt đầu từ năm 2019, FPT Telecom đã phát triển công trình “Giải pháp BigData bảo vệ người dùng internet khỏi các trang web độc hại”, người phụ trách chính là anh Trần Xuân Hậu. Sau 2 năm nghiên cứu, anh đã hoàn thành và công bố 2 công trình về giải pháp phát hiện tên miền độc hại trên các tạp chí quốc tế IEEE BigData 2017 (Mỹ) và Intelligent Computing 2019 (London, Anh). Bằng cách cải tiến và nghiên cứu phát triển thêm thuật toán mới để kết hợp với thuật toán trong công trình nghiên cứu đầu tiên, anh đã có được giải pháp để phát hiện tên miền một cách hiệu quả hơn, với độ chính xác rất cao.

Việc cảnh báo trực tiếp đến khách hàng sẽ thông qua ứng dụng HiFPT và SMS. Khách hàng sẽ được biết về tình hình nhiễm virus của thiết bị nhà mình, kèm theo một số giải pháp hướng dẫn khách hàng tự khắc phục. Trong trường hợp khách hàng không tự khắc phục sự cố được, chỉ cần thao tác trên ứng dụng Hi FPT là có thể thông báo ngay đến hệ thống chăm sóc khách hàng của FPT Telecom nhờ hỗ trợ.

Anh-Tran-Xuan-Hau-Data-Scienti-3167-2896

Giải pháp sử dụng BigData để bảo vệ người dùng Internet khỏi các trang web độc hại” của FPT Telecom nhận được nhiều sự quan tâm của người tham dự.

Bộ giải pháp cũng có những ưu điểm như linh hoạt mở rộng và áp dụng để phát hiện các loại tên miền độc hại khác nhau, độ chính xác lên đến 97,6%; cách tiếp cận đơn giản, thời gian xử lý chấp nhận được, tìm ra được nhiều tên miền độc hại từ một tập nhỏ dữ liệu các tên miền độc hại ban đầu. Hiện tại, giải pháp đang được sử dụng hiệu quả tại FPT Teleom và có thể áp dụng linh hoạt ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp. 

Do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhu cầu làm việc tại nhà và chuyển đổi số toàn diện của tất cả tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hay chính trị lên trên nền tảng số, trên nền tảng Internet đều tăng vọt. Đi kèm với đó là nguy cơ về mất an toàn, an ninh thông tin từ cá nhân đến tổ chức, đặc biệt là nguy cơ tấn công mạng nhằm chiếm quyền điều khiển hệ thống công nghệ vận hành (Operational Technology) của các đơn vị, tổ chức cũng trở nên hiện hữu và đáng lo ngại. 

Xuất phát từ thực tế trên, hội thảo năm nay tập trung giới thiệu các vấn đề chủ yếu liên quan đến việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho doanh nghiệp, tổ chức. Trong buổi hội thảo, các diễn giả cao cấp trong nước và quốc tế đã trình bày một số giải pháp tức thời, giúp các doanh nghiệp, tổ chức có thể bảo mật hệ thống dữ liệu, công nghệ vận hành của mình một cách tốt hơn trong bối cảnh dịch Covid - 19 bắt buộc tiến hành chuyển đổi số ở mọi đơn vị.

>> FPT Telecom tung dịch vụ họp cổ đông trực tuyến

Theo FoxNews

Ý kiến

()