Buổi thảo luận có sự tham dự của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty U&I - Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh - Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Ngân hàng ACB - Trần Hùng Huy, Nhà khởi nghiệp công nghệ - Trần Thanh Hải và Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn McKinsey Việt Nam - Marcin Miller.
Vượt qua các giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh đã mở đầu phiên thảo luận với những chia sẻ về giải pháp then chốt mà tập đoàn đã và đang áp dụng trong thời gian qua. Ông Nguyễn Đình Trung khẳng định, triết lý của Hưng Thịnh là luôn đứng về phía khách hàng, người tiêu dùng: “Chúng tôi đã thoát ra khỏi góc nhìn của doanh nghiệp để tiếp cận với cảm xúc của khách hàng”. Về vận hành nội bộ, tất cả ý kiến của nhân sự đều được ban lãnh đạo Hưng Thịnh lắng nghe để thực hiện chiến lược “4 win” khi mang đến lợi ích đa chiều cho cả 4 bên: tập đoàn, khách hàng, đối tác và cán bộ nhân viên.
Buổi thảo luận “Hợp lực khai phá tiềm năng trong bình thường mới: Thách thức và hành động” tại FPT Techday 2020. |
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty U&I cho rằng mọi khó khăn của doanh nghiệp chỉ phát sinh từ 4 vấn đề lớn: con người, chiến lược, vốn và khả năng triển khai nên chỉ cần biết khó khăn nằm ở đâu thì sẽ tìm được câu trả lời. Ông Mai Hữu Tín cũng nhấn mạnh con người luôn là yếu tố trung tâm của doanh nghiệp nên không thể đối xử với con người như máy móc mà phải đối xử bằng tình cảm: “Ta gọi ai đó là con khi họ mang bộ gen của mình. Văn hóa doanh nghiệp chính là bộ gen chung đang hiện hữu trong mỗi nhân sự. Nếu ta có những gene tiến bộ, gene thích ứng tốt thì khó khăn nào cũng vượt qua được.”
Cũng về vấn đề quản trị con người, ông Trần Hùng Huy chia sẻ về phẩm chất mà ACB đề cao nhất khi đánh giá nhân sự chính là sáng tạo. Nhiều năm qua, ACB đã triển khai nhiều cuộc thi, hoạt động nội bộ để đề cao tính sáng tạo của nhân viên, từ đó chắt lọc nhân tài, hướng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ACB.
Đại diện McKinsey Việt Nam đánh giá cao cách làm của ACB và khẳng định sáng tạo là giá trị cốt lõi mà mọi nhân viên trong doanh nghiệp đều phải theo đuổi. Về hành trình chuyển đổi số, ông Marcin Miller cho rằng cần phải có một bộ giá trị để nhân viên theo sát - điều mà phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa có. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo mọi thành viên trong tổ chức đều bám theo bộ giá trị cốt lõi này một cách thấu hiểu và rõ ràng.
Tiếp nối phiên thảo luận với câu hỏi cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong Covid-19, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: “Trong đợt Covid-19, mọi thứ đều chậm lại, chỉ có công nghệ tiến nhanh hơn”. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt trước đây chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm mà quên chuẩn bị đối phó với các trường hợp khủng hoảng và sẽ phải sẵn sàng khắc phục điều này trong tương lai. Ông Hải cũng đánh giá các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để xây dựng các sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời kỳ này.
Ông Trần Hùng Huy đề cao phẩm chất sáng tạo của đội ngũ nhân sự. |
Trong khi đó với ngành ngân hàng, ông Trần Hùng Huy cho rằng giờ đây một ngân hàng có các app công nghệ không còn là lợi thế cạnh tranh mà chỉ là một cánh cửa để bước vào cuộc đua mới với: AI, Big Data... Do vậy để tạo lợi thế cạnh tranh, ngân hàng phải thấu hiểu hành vi và thị hiếu của khách hàng. Từ đó ngân hàng mới có thể ứng dụng công nghệ để khách hàng sử dụng dịch vụ một cách đơn giản, thuận tiện và không giới hạn.
Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của fintech, ông Marcin Miller nhận định bài toán mới được đặt ra là mô hình nào sẽ bền vững nhất. Rất nhiều công ty đã nhảy vào thị trường fintech, ví điện tử là một ví dụ điển hình. Do vậy, khung pháp lý mới cần phải được hình thành và áp dụng. Chính những ngân hàng lớn sẽ là đơn vị dẫn dắt sự chuyển đổi và một bộ giá trị rất vững vàng như ông đã đề cập sẽ giúp ngân hàng ứng dụng fintech hiệu quả, rộng rãi và thiết lập một văn hóa mới giúp thích ứng với công nghệ.
Trong phần đặt câu hỏi tới diễn giả, khi nhận được câu hỏi “Làm thế nào để ứng dụng công nghệ vào cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng”, ông Nguyễn Đình Trung chia sẻ mình đang ấp ủ một nền tảng giao dịch C2C giúp tất cả mọi người kiếm tiền từ bất động sản. Câu hỏi ông đặt ra là "Làm sao để mọi người cùng hưởng lợi?" chứ không phải "Làm sao để chúng ta hưởng lợi?". Ngân hàng và bất động sản cần có sự liên kết và công nghệ bán hàng sẽ giúp mọi người tham gia hoạt động ở phạm vi rộng hơn, sâu hơn trong lĩnh vực bất động sản, thậm chí là cả fintech.
Tập đoàn Hưng Thịnh thực hiện chiến lược “4 win” khi mang đến lợi ích đa chiều cho cả 4 bên: tập đoàn, khách hàng, đối tác và cán bộ nhân viên. |
Một đại diện đến từ doanh nghiệp hàng tiêu dùng đã đặt câu hỏi cho Tổng giám đốc FPT về vấn đề chuẩn bị nguồn lực, thay đổi cách thức như thế nào để khai thác, vận hành công nghệ trong chuyển đổi số. Anh Nguyễn Văn Khoa khẳng định không có công thức nào chung cho tất cả, việc tìm ra được vấn đề chính là yếu tố mấu chốt, và để tìm ra được thì không chỉ lắng nghe lãnh đạo mà cần phải lắng nghe cả đội ngũ nhân sự. Tại FPT, lãnh đạo tập đoàn đã áp dụng 3 chữ H: Heart - Head - Hand để bắt đầu chuyển đổi số. Nhìn vào những bài học kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn có thể thấy, những nhân sự góp phần chuyển đổi số thành công đều là những người có tổ chất trở thành lãnh đạo vì họ có tinh thần sáng tạo, xông pha và hy sinh. “Do vậy, để chuyển đổi số, khó nhất là con người bởi con người giúp chúng ta vượt khó khăn, công nghệ luôn phải đứng sau con người”, CEO FPT khẳng định.
Hà My
Ảnh: Hoài Vũ
Ý kiến
()