Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ ráo riết triển khai, săn đón cơ hội phát triển. Đây là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Cuộc cách mạng này diễn ra trên 3 lĩnh vực gồm: kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Trong đó, 3 yếu tố cốt yếu của kỹ thuật số trong cách mạng công nghệp 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Không thể phủ nhận, sự kết nối trong thời đại hiện nay là rất quan trọng. Hướng tới mục đích mở rộng kết nối, anh Lê Hồng Việt cho biết FPT đang triển khai thông qua nhiều phương thức khác nhau.
Tập đoàn đã và đang tạo một hệ sinh thái kết nối con người với con người, kết nối lực lượng lập trình viên trên toàn Việt Nam. Từ đó, FPT đã có những sản phẩm liên kết con người như: Báo điện tử VnExpress, VioEdu - Hệ thống giáo dục trực tuyến sử dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam,… Không dừng lại ở con người, anh Lê Hồng Việt cho biết FPT sắp ra mắt một sản phẩm kết nối nữa: Kết nối doanh nghiệp.
Theo đó, FPT sử dụng Blockchain để xây dựng Platform TranData. Anh giải thích, “Tran” là viết tắt của “Transparent”, hàm ý rằng dữ liệu của các bên tham gia sẽ được thông suốt và đảm bảo tính bảo mật trên một nền tảng blockchain đã được xây dựng. Ra mắt sản phẩm này, FPT hướng tới mục đích kết nối những doanh nghiệp đã có dữ liệu, nhưng các dữ liệu đó chỉ “ở một mình”, không đem lại giá trị cao nhất cho người dùng. FPT mong muốn tập hợp lại dữ liệu của nhiều đơn vị bán lẻ, hoặc các công ty tài chính… Từ đó kết nối lại và cung cấp một bức tranh tổng thể về dữ liệu, thông tin của một cá nhân, mà người sở hữu chính là cá nhân sinh ra dữ liệu đó. Cá nhân có thể chia sẻ với các đơn vị tài chính, nhờ hỗ trợ đánh giá mức độ tin cậy, mức độ rủi ro, từ đó đưa ra những khoản vay hỗ trợ tài chính.
Theo anh Lê Hồng Việt, các giải pháp FPT xây dựng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí tối đa trong quá trình vận hành. Nhiều doanh nghiệp được xem là "khó tính" trên thị trường Việt Nam cũng đang sử dụng rộng rãi sản phẩm của FPT. Ảnh: Trâm Nguyễn |
Ngoài ra, lãnh đạo mảng công nghệ FPT cũng nhắc tới một số sản phẩm “kết nối” khác do FPT gây dựng. Trong đó, FPT Play Box hướng đến kết nối toàn bộ thiết bị IoT (Mạng lưới vạn vật kết nối Internet), giúp người dùng có thể hưởng thụ các thiết bị giải trí một cách thông minh. FPT cũng đã đề nghị hợp tác với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, và tương lai xa hơn là các doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, trong năm 2020, toàn bộ thiết bị IoT của Bóng đèn Điện quang, Bóng đèn Rạng Đông sẽ có thể kết nối với hộp truyền hình của FPT. Hơn nữa, người dùng còn có thể dùng nền tảng FPT Play Rogo để điều khiển, phân tích dữ liệu thông qua FPT.AI.
Một sản phẩm cũng mang tính kết nối cộp mác FPT là Utop, sản phẩm này có thể kết nối chia sẻ địa điểm những người bán lẻ để đem lại lợi ích lớn hơn cho người dùng.
FPT đã và đang liên kết với các lực lượng nghiên cứu và phát triển. Anh Lê Hồng Việt cho hay FPT đã có những chương trình hợp tác với các trường đại học lớn nhất của Việt Nam, triển khai những chương trình đào tạo tiến sĩ, chương trình phối hợp nghiên cứu,…
FPT.AI là một trong những nền tảng hiếm hoi được xây dựng bởi người Việt, bởi doanh nghiệp Việt Nam và đang được sử dụng rộng rãi bởi những khách hàng khó tính trong ngành tài chính, ngân hàng, các ngành bán lẻ… Hiện tại, FPT.AI có những giải pháp về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói…
AI mang tới rất nhiều lợi ích đối với con người. Anh Việt nhắc đến Chatbot, đây là công cụ có thể hiểu được ngữ cảnh giao tiếp và hỗ trợ khách hàng. Chatbot của FPT còn được sử dụng để hỗ trợ nội bộ doanh nghiệp trong các mảng như: IT, nhân sự, thực hiện các thủ tục,… Theo thống kê cho thấy, Chatbot có thể giải quyết tới 73% yêu cầu của khách hàng, đạt 4/5 điểm rating về độ hài lòng của người dùng.
Hay như sản phẩm trợ lý ảo tổng đài, FPT đã đầu tư và nỗ lực để mang tới sản phẩm có thể nghe, hiểu và lấy thông tin ra khỏi hội thoại để nhập vào hệ thống. Từ đó, các doanh nghiệp có thêm một nguồn nhân lực mới, tiết kiệm nhiều hơn chi phí nhân sự.
Nói về những ưu thế và thách thức hiện tại của FPT trong lĩnh vực công nghệ, anh Lê Hồng Việt nhận định FPT có ưu thế ở chuyên môn sâu. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là đội ngũ công nghệ của FPT luôn phải đáp ứng được những thay đổi của thị trường, đáp ứng được cách sử dụng của người dùng. Vì vậy, Ban công nghệ FPT phải phát triển mạnh hơn nữa một đội chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về nhiều mảng như: AI, IoT, Cloud,…
Bên cạnh phần trình bày của anh Lê Hồng Việt, buổi hội thảo công nghệ tại FPT TechDay 2019 cũng bao gồm 6 bài diễn thuyết từ 6 diễn giả trong và ngoài nước. Ông Anish Pandey (Giám đốc Ngành công nghiệp khu vực ASEAN, Công ty Ndivia) nói về các lợi ích khi chuyển đổi ngành tài chính với trí tuệ nhân tạo. Anh Nguyễn Đức Kính (Giám đốc VI MFG - Manufacturing Group - FPT Software) chia sẻ về quá trình phát triển xe tự hành của FPT, cùng mục tiêu phát triển công nghệ xe tự hành đạt tới cấp độ 5 của tập đoàn trong tương lai. Anh Trần Hoàng Giang (Giám đốc akaChain, FPT Software) có bài chia sẻ rất thuyết phục về ứng dụng thực tiễn của Blockchain.
Giám đốc Khoa học FPT - anh Đặng Hoàng Vũ nói về việc sử dụng AI và Deep Learning để tối ưu quy trình định danh khách hàng trực tuyến (eKYC). Sau đó, ông Hyun Seok (David) Shin, Phó Chủ tịch Tập đoàn SK, giới thiệu về nền tảng đám mây ZCP dành cho các doanh nghiệp. Anh Lê Ngọc Tuấn (Trưởng phòng IoT, Ban Công nghệ FPT) và anh Lê Trọng Đức (Giám đốc FPT Play, FPT Telecom) cùng nói về việc phát triển giao diện ứng dụng giọng nói với FPT Play Rogo. Bài diễn thuyết của anh Lê Ngọc Tuấn và Lê Trọng Đức đã chính thức khép lại Hội thảo Công nghệ FPT TechDay 2019.
Hội thảo công nghệ thu hút rất nhiều người tham dự. Ảnh: Ban tổ chức |
Một khách tham dự tại hội thảo - anh Vũ Hải Thành, hiện công tác tại Công ty Cổ phần Nhựa Châu Á Asico Hải Phòng, rất ấn tượng với ứng dụng Blockchain do anh Trần Hoàng Giang trình bày. Sản phẩm này có thể ứng dụng được ngay, và tôi đặc biệt tâm đắc với tính minh bạch của nó, anh Thành bày tỏ. Đây là lần đầu tiên anh tham dự một hội thảo công nghệ của FPT, anh nhận định đây là sự kiện công nghệ chuyên nghiệp, hoành tráng nhất mà mình từng tham gia.
Cũng tham gia hội thảo, anh Ngô Minh Trí (Phó Giám đốc EBS, FPT Software) đánh giá hội thảo mang tới nhiều điều bổ ích: “Có nhiều thông tin hay ho mà tôi chưa biết dù cũng công tác trong tập đoàn. Đến với hội thảo, tôi được hiểu và được lắng nghe cụ thể về những mục tiêu công nghệ của FPT. Mình hy vọng TechDay được tổ chức thật thường xuyên để ngay cả những người bên ngoài FPT cũng được tiếp cận những công nghệ tân tiến”.
Sáng ngày 21/11, Diễn đàn Công nghệ FPT 2019 (FPT TechDay 2019) đã chính thức khai mạc. Sự kiện công nghệ thường niên của FPT quy tụ hơn 500 lãnh đạo cấp cao, chuyên gia công nghệ trong nhiều lĩnh vực và hơn 4.500 người cùng tham gia những trải nghiệm số trong hành trình sự kiện. TechDay 2019 có 46 khu vực triển lãm, Diễn đàn gây ấn tượng với các điểm nhấn công nghệ: Xe tự hành trở thành “người vận chuyển” chính thức trong sự kiện; trợ lý tổng đài ảo đảm nhận ghi danh và xác nhận khách mời.
Chủ đề “Khởi động thông minh” (Start Smart) được xem là lời cam kết mạnh mẽ của FPT trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để chia sẻ những bài học thành công và các giải pháp hiệu quả để bắt đầu hành trình chuyển đổi số. Thông qua đó, FPT không chỉ đặt ra vấn đề cấp thiết trong việc khởi động hành trình chuyển đổi số hiệu quả và thông minh đối với các doanh nghiệp mà còn muốn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến khắp cộng đồng công nghệ Việt Nam.
Khánh Linh
Ý kiến
()