Anh Nguyễn Đức Kính - Giám đốc VI MFG (Manufacturing Group) - cũng là người dẫn dắt FPT Golbal Automotive của FPT Software - nhấn mạnh việc phát triển xe tự lái là xu hướng tất yếu của thế giới, việc phát triển lĩnh vực này giải quyết nhiều vấn đề của việc lái xe đường dài, đảm bảo an toàn giao thông...
Anh Nguyễn Đức Kính tại FPT TechDay 2019 diễn ra hôm nay (21/11) tại Hà Nội. |
Theo anh, có 6 cấp độ xe tự hành, độ 0 là lái cơ, mức độ 3 là nhận ra các vật cản để có thể tự phanh tránh chướng ngại vật. Cao nhất là mức độ 5, khi con người không cần lái xe nữa. Theo các điều tra hiện nay, xe cấp độ 5 có thể sẽ xuất hiện trong khoảng 10 năm nữa. Hiện nay chủ yếu là xe cấp độ 3 và chủ yếu chạy trên đường cao tốc. Việc phát triển thêm gặp nhiều hạn chế do giới hạn về công nghệ.
Trong 2 năm nay vừa qua, việc phát triển xe tự lái chủ yếu thuộc lĩnh vực phần mềm với các bước tiến mới như nhận dạng chướng ngại vật, tính toán xử lý đưa ra quyết định. Đại diện FPT nhận định, trong việc phát triển xe tự hành, các hãng làm phần cứng phải đi cùng với bên làm phần mềm. Một công ty phần mềm hoặc một công ty phát triển ôtô không thể làm riêng lẻ mà phải liên kết với nhau.
FPT từ những năm 2007 đã làm việc với các hãng xe trên thế giới và rút ra được nhiều kinh nghiệm. Sau nhiều năm, công ty đã quyết định sử dụng kinh nghiệm và sử dụng trí tuệ của FPT để đầu tư vào dự án xe tự lái và phát triển FPT Automatic Driving Platform. Cốt lõi của nền tảng là sử dụng công nghệ AI, Deep Learning, Behavior cloning, nghĩa là xe sẽ học lái như con người đồng thời có thể nhận định vật cản và đưa ra quyết định lái xe. Tháng 4/2019, chiếc xe tự lái đầu tiên của FPT đã được thử nghiệm tại Ecopack, với phần cứng của công ty Yamaha. Phần mềm của xe phát triển bởi đội ngũ kỹ sư của FPT.
Anh Nguyễn Đức Kính chia sẻ, lộ trình phát triển xe tự lái của FPT hiện nay kéo dài đến 2023 và hy vọng với sự phát triển của công nghệ phần cứng trong thời gian tới, FPT sẽ phát triển xe đến cấp độ 5. Đại diện FPT cũng cho biết, việc phát triển xe tự hành tại Việt Nam còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ để đạt được mục tiêu trên.
Các khách mời trải nghiệm xe tự hành do FPT phát triển lần đầu tiên xuất hiện ở sự kiện TechDay. |
Khó khăn đầu tiên là về mặt phần cứng, FPT là một công ty phần mền nên gặp khó khăn trong việc đưa phần mềm vào trong xe. Công ty đã phải thương lượng, chứng minh năng lực với các hãng ôtô để nhận được sự đồng ý áp dụng phần mềm vào xe.
Kế tiếp là vấn đề giá thành, mỗi Lidar (khảo sát khoảng cách) gắn trên xe có giá rất đắt, gần 200 triệu đồng. Chính vì vậy, FPT đang nghiên cứu để sản phẩm của mình đưa ra ngoài thị trường sẽ có giá hợp lý hơn. Hiện nay, FPT kết hợp với một số hãng có công nghệ mới về Lidar để có giá thành rẻ hơn.
Khó khăn thứ 3 là về tốc độ xử lý về máy tính, và thứ 4 là hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý cho việc sử dụng xe tự lái. FPT kỳ vọng có thể tư vấn, góp ý với Chính phủ để phát triển, thử nghiệm và đưa vào sử dụng xe tự lái.
Khó khăn cuối cùng là về vấn đề kinh doanh. Đây là khó khăn trong tương lai nhưng cần phải giải quyết để đưa giải pháp đến từng nhà. Vì vậy, theo Giám đốc VI MFG, FPT sẽ tìm mô hình kinh doanh để thương mại hóa sản phẩm của mình.
Thông qua quá trình làm việc,anh Nguyễn Đức Kính cho biết đã có một nền tảng xe tự lái có thể thích ứng với phần cứng của mọi hãng ôtô, với điều kiện là điều khiển được bằng điện. Hiện nay đã có một số giải pháp về nhận dạng người, nhận dạng biển số, nhận dạng chướng ngại vật được phát triển thành công.
Song song với các hoạt động diễn ra bên trong khán phòng, ở bên ngoài, các khách mời có thể trải nghiệm xe tự hành do tập đoàn FPT phát triển lần đầu tiên xuất hiện ở sự kiện TechDay. Nhiều khách mời được trải nghiệm xe tự hành từ khâu đặt xe qua smartphone đến thử cảm giác đi xe không cần tài xế. Trần Công Vinh - sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội hứng thú: "Đây là lần đầu tiên tôi ngồi xa tự hành. Khá thú vị, xe có thể tự đi và tránh vật cản".
Sáng nay 21/11, Diễn đàn Công nghệ FPT 2019 (FPT TechDay 2019) đã chính thức khai mạc. Sự kiện công nghệ thường niên của FPT quy tụ hơn 500 lãnh đạo cấp cao, chuyên gia công nghệ trong nhiều lĩnh vực và hơn 4.500 người cùng tham gia những trải nghiệm số trong hành trình sự kiện.
FPT TechDay 2019 được thay đổi rõ rệt về quy mô và hướng đến các đối tượng quan tâm công nghệ với sứ mệnh làm cầu nối giữa trí tuệ Việt và thế giới. Hơn 3.000 khách tham dự được tiếp cận với hệ sinh thái các nền tảng công nghệ do FPT nghiên cứu và phát triển trong nhiều năm qua tại khu vực Triển lãm công nghệ với 46 gian hàng và hơn 60 sản phẩm công nghệ, giải pháp trong các lĩnh vực doanh nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, tài chính thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và cuộc sống thông minh.
Chủ đề “Khởi động thông minh” (Start Smart) được xem là lời cam kết mạnh mẽ của FPT trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để chia sẻ những bài học thành công và các giải pháp hiệu quả để bắt đầu hành trình chuyển đổi số. Thông qua đó, FPT không chỉ đặt ra vấn đề cấp thiết trong việc khởi động hành trình chuyển đổi số hiệu quả và thông minh đối với các doanh nghiệp mà còn muốn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến khắp cộng đồng công nghệ Việt Nam.
Công nghệ xe tự hành được FPT nghiên cứu với mục tiêu giải quyết các nhu cầu vận chuyển cự ly ngắn trong các khu đô thị thông minh, khu nghỉ dưỡng, kho hàng, nhà máy lớn. Từ đó có thể tối ưu chi phí vận hành, nâng cao trải nghiệm của người sử dụng, đồng thời vẫn đảm bảo tối đa độ an toàn trong quá trình sử dụng. Công nghệ xe tự lái được dự báo sẽ trở thành một trang thiết bị tiêu chuẩn của mọi chiếc xe trong tương lai. Hãng phân tích thị trường Garner dự đoán, tới năm 2023 sẽ có khoảng 3 triệu chiếc xe trang bị công nghệ tự lái lăn bánh trên đường. Tới năm 2030, con số này có thể lên tới hơn 50% thị trường xe điện toàn cầu. |
>> ‘FPT đi tới cùng hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp’
Viết Chung
Ảnh: Trâm Nguyễn
Ý kiến
()