Chúng ta

FPT sở hữu hai chứng chỉ Python quốc tế đầu tiên

Thứ năm, 28/5/2020 | 09:33 GMT+7

Phan Tăng Toàn (FWI.AAA.VN) và Vũ Hoàng Việt (FWI.AAA.VN) là hai người nhà F đầu tiên giành chứng chỉ quốc tế PCAP - Certified Associate in Python Programming tại Việt Nam, theo Trung tâm Đào tạo FPT Software.

PCAP  là chứng chỉ chuyên nghiệp đo lường khả năng lập trình viên khi làm việc cùng ngôn ngữ Python do The OpenEDG Python Institute và Pearson VUE cấp. Người sở hữu chứng chỉ được đánh giá, công nhận về kiến thức, kỹ năng và sự thành thạo trong lập trình Python.

Phan Tăng Toàn sinh năm 1995, quê ở Đăk Lăk, sau khi tốt nghiệp ngành Toán Đại học Quy Nhơn, anh gia nhập đội Trí tuệ nhân tạo (AI) và trở thành một trong những lập trình viên đầu tiên của FPT Software Quy Nhơn. Sau gần 2 năm gắn bó với đơn vị, Toàn ấn tượng với đồng nghiệp luôn cởi mở, tương trợ lẫn nhau trong công việc cũng như cuộc sống.

Python là ngôn ngữ chính phục vụ cho công việc hiện tại của Toàn. Vì thế, thi chứng chỉ là cách để Toàn ôn luyện lại kiến thức và kỹ năng, giúp anh hiểu và truyền đạt đúng kiến thức cho đồng nghiệp. “Nếu có cơ hội, tôi đặt mục tiêu trở thành quản trị dự án (PM), vì vậy việc gặt hái chứng chỉ giúp tôi chứng minh năng lực và hiểu cách lập trình viên xử lý về kỹ thuật, công nghệ”, Toàn chia sẻ.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, Toàn dành 2 tuần ôn luyện hai khóa gồm Python 3 Programming Specialization trên nền tảng Coursera và 5 Modules về Python của OpenEDG. Song song đó, Toàn luyện các kỹ năng và kiến thức chuyên sâu khác như Control and Evaluations, Data aggregates, Functions and modules, Class, objects, exceptions.

Phan-Tang-Toan-3-9028-1590633156.jpg

Anh Phan Tăng Toàn trong một sự kiện ở ĐH Quy Nhơn.

Nhờ nền tảng làm việc Python 2 năm, Toàn chỉ cần học kỹ phần lý thuyết, các bài thực hành anh lướt để nắm dạng câu hỏi. Sau khi ‘dằn túi’ kiến thức, Toàn tìm kiếm các bộ 73 câu hỏi trắc nghiệm để luyện trong 1 tuần. Ngoài nhiệm vụ trong khối sản xuất, Toàn còn đảm nhận công tác văn hóa đoàn thể trong đơn vị rồi còn tham gia Câu lạc bộ Python để giảng bài và hỗ trợ các sinh viên ngành Khoa học dữ liệu của Khoa Toán - Thống kê, ĐH Quy Nhơn. Chàng trai trẻ phải sắp xếp công việc để tranh thủ mỗi ngày 1 giờ và thêm 2 ngày cuối tuần để ôn tập các kiến thức. “Đề chính thức ra 40 câu hỏi, bao gồm 4 kỹ năng cơ bản, được chia làm 4 phần. Nếu trả lời đúng trên 70%, thí sinh sẽ được xác nhận đạt chứng chỉ”, Toàn cho hay.

Trong khi đó, Vũ Hoàng Việt là người gốc Quy Nhơn và gia nhập công ty hơn 1 năm. Chàng trai sinh năm 1991 đang giữ vai trò kỹ sư trí tuệ nhân tạo tại FPT Software Quy Nhơn. Đơn vị của Việt chuyên về nghiên cứu và phát triển các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo nên Python là ngôn ngữ chính. Việc thi chứng chỉ ngoài mục đích kiểm tra năng lực, còn giúp Việt khẳng định giá trị công ty với khách hàng.

Viet-5200-1590633157.jpg

Anh Vũ Hoàng Việt, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo.

Việt cho rằng thi chứng chỉ PCAP đơn giản hơn so với Tensor Flow - một chứng chỉ quốc tế anh cũng vừa giành được. Theo Việt, Tensor Flow là một khung lập trình (framework) để làm việc, muốn dùng Tensor Flow cần phải biết về Python. Bằng kinh nghiệm 5 năm tìm hiểu về Python, Việt chỉ cần 1 tuần ôn luyện để thi đậu chứng chỉ PCAP. Với anh, khó khăn lớn nhất nằm ở hai chức năng Functions và Modules. Trong gói câu hỏi đôi khi xuất hiện lỗi rất nhỏ hoặc những cấu trúc ít khi sử dụng, nếu người thi không tập trung có thể sẽ chọn sai.

“Để vượt qua ải này, người thi cần thực hành lập trình (code) thường xuyên để làm quen tất cả các dạng kiến trúc. Cẩn trọng trước khi lựa chọn câu trả lời để đạt hiệu quả tốt nhất. Trước kỳ thi, người học có thể tìm hiểu hai khóa học khởi động được khuyến khích bởi nhà cung cấp chứng chỉ gồm Python Essentials - Part 1 (Basics) và Python Essentials - Part 2 (Intermediate). Sau khi hoàn thành, người thi sẽ được giảm 50% lệ phí thi PCAP”, Việt chia sẻ kinh nghiệm.

Ngày 22/5, tin vui đến với Toàn và Việt khi hai anh chàng vừa thi đã đạt ngay chứng chỉ PCAP. Trước đó, Toàn và Việt đã gặt hái được chứng chỉ quốc tế TensorFlow - một chứng chỉ quan trọng trong nghiên cứu và phát triển các dự án AI. Tự hào về thành tựu của đồng nghiệp, hai quản lý là Nguyễn Ngọc Tâm (FWI.AAA.VN) và anh Lê Đắc Liêm (FWI.AAA.VN) đã thưởng nóng để động viên tinh thần học tập.

Toàn đặt mục tiêu cuối tháng 9 tiếp tục lấy chứng chỉ PMI (Certified Associate in Project Management). Việt cũng đang tìm hiểu về điện toán đám mây (Cloud), anh lên kế hoạch sở hữu thêm chứng chỉ Clould cho bộ sưu tập của mình.

Theo Trung tâm Đào tạo (CTC), nhà Phần mềm Quy Nhơn đã sở hữu 10 chứng chỉ Tensor Flow, 2 chứng chỉ Python quốc tế. Với tiến độ học và thi hiện tại, mục tiêu đưa FPT Software Quy Nhơn trở thành trung tâm AI lớn nhất nhà F nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ sớm thành hiện thực.

>> Kỹ sư FPT Software là người Việt đầu tiên giành chứng chỉ TensorFlow

FPT Sofftware chi nhánh Quy Nhơn được thành lập vào ngày 16/7/2018 với 50 CBNV đầu tiên. Đến cuối năm 2018, nhân sự của đơn vị đã chạm mốc 200 người. Đơn vị đặt mục tiêu Leng Keng tăng số lượng nhân sự chạm mốc 500 người vào cuối năm 2019, đưa đơn vị trở thành trung tâm nguồn lực phát triển mảng AI của FPT Software.

Trước đó, trong năm 2019, anh Nguyễn Ngọc Tâm và 4 thành viên của đơn vị FWI.AA, FPT Software Quy Nhơn, đã chinh phục hoàn toàn khách hàng Nhật Bản. Đội FWI.AA được yêu cầu phát triển mô hình AI giúp khách hàng phát hiện các lỗi dị vật thông qua hình ảnh chụp cắt lớp, nhằm mục đích cải thiện năng suất làm việc cho doanh nghiệp chuyên sản xuất pin, dự án đã đạt 100 điểm CSS (điểm khảo sát sự hài lòng của khách hàng). Đây là dự án AI đầu tiên của FPT Software Quy Nhơn đạt điểm CSS 100.

Cucumber

Ý kiến

()