Chúng ta

FPT Retail nêu sáng kiến nâng người dùng dịch vụ công trực tuyến

Thứ ba, 19/5/2020 | 15:09 GMT+7

Để tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia, FPT Retail đưa ra sáng kiến về nâng cao tỷ lệ người dùng thông qua hệ thống hơn 900 cửa hàng toàn quốc của đơn vị.

Sáng nay (ngày 19/5), Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”.

Hội nghị nhằm hỗ trợ thúc đẩy hiệu quả xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường sự tham gia và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của cộng đồng doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

640-DVC-3-9048-1589870293.png

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP nhận định vai trò của doanh nghiệp cần được đẩy mạnh trong quá trình lan toả Cổng dịch vụ công toàn dân. Ảnh: Nam Nguyễn.

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục Hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ, sau 5 tháng triển khai dịch vụ, hệ thống đã có những kết quả tích cực, thể hiện được mục tiêu Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể đã có trên 142.000 tài khoản đăng ký, trên 37 triệu lượt truy cập, trên 7,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 71 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận hỗ trợ trên 11 nghìn cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp được 405 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong đó có 232 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cũng nhận định vai trò doanh nghiệp trog việc lan toả, thúc đẩy sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại có 1.142/142.000 tài khoản doanh nghiệp sử dụng các tác vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia. Do vậy, hội nghị là dịp ghi nhận ý kiến thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp để cải thiện quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến và vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia ngày càng hiệu quả hơn.

640-DVC-2-3604-1589870293.png

Anh Ngô Quốc Bảo (FPT Retail) trình bày sáng kiến nâng cao tỷ lệ người dùng Cổng dịch vụ công. Ảnh: Nam Nguyễn.

Nắm bắt được nhu cầu cũng như lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia cổng dịch công của Chính phủ, anh Ngô Quốc Bảo - GĐ Trung tâm Kinh doanh Trực tuyến (FPT Retail), đại diện doanh nghiệp, nêu sáng kiến nâng cao tỷ lệ người dùng thông qua hệ thống hơn 900 cửa hàng FPT Shop toàn quốc.

Theo đó, doanh nghiệp/cá nhân tới các cửa hàng bất kỳ hoặc truy cập trang web của FPT Shop. Tại đây, nhân viên FPT Shop sẽ trực tiếp hướng dẫn thực hiện các thao tác tại cổng dịch vụ: Scan hồ sơ; Khai thông tin lên cổng; Thông báo Doanh nghiệp nộp bổ sung trong trường hợp thiếu thông tin/hồ sơ. Sau khi doanh nghiệp bổ sung hồ sơ, nhân viên tại FPT Shop sẽ thông tin đến các đơn vị về việc hồ sơ đã được duyệt và tiếp nhận thành công.

Sáng kiến này tận dụng tối đa thế mạnh của của FPT Shop: hệ thống cửa hàng trải rộng trên 63 tỉnh/thành (hơn 900 shop); Chất lượng dịch vụ khách hàng được đánh giá tốt trên thị trường. Thông qua đây, sáng kiến cũng tạo ra sự kết hợp chặt chẽ nguồn lực công - tư để hạn chế các khó khăn, tăng cường hiệu quả sử dụng cho mọi bên liên quan, đặc biệt là hiệu quả người dùng cổng dịch vụ. “Thúc đẩy quá trình tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp toàn quốc trong khâu thực hiện, tiết kiệm thời gian, công sức”, anh Bảo nhận định.

640-DVC-1-8350-1589870293.png

Sự kiện cũng 20 phút để các doanh nghiệp đưa ra vấn đề từ Cổng dịch vụ công. Ảnh: Nam Nguyễn.

Việc này cũng hỗ trợ ban triển khai dịch vụ công trong việc tăng cường các kênh thông tin giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt, sử dụng dễ dàng, thuận tiện các thao tác do nhà nước cung cấp; cũng như giúp nhà nước truyền thông nhanh, mạnh hơn.

Tại sự kiện, anh Bảo cũng chia sẻ sáng kiến này xuất phát từ khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân tháng 5/2020 thông qua ý kiến doanh nghiệp với quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Qua đó, doanh nghiệp nhìn nhận thấy khâu triển khai thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp có các hình thức công bố, công khai theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên quy trình chưa có ‘thước đo’ hiệu qủa cung cấp thông tin/dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp và thiếu nguồn lực để đẩy mạnh truyền thông hướng dẫn. Bên cạnh đó, quá trình triển khai đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến còn thiếu nhân lực thực hiện thủ tục hành chính; Hạ tầng mạng, cơ sở vật chất, máy móc phục vụ kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng còn nhiều hạn chế.

Do vậy, vai trò của doanh nghiệp càng phải tập trung và lan toả trong thời gian tới. Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ nhận định, doanh nghiệp là lực lượng tiên phong đi đầu trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, làm cơ sở thúc đẩy các nhóm đối tượng khác, giúp tăng cường việc giải quyết TTHC trên môi trường mạng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số. Giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC, dịch vụ công làm cơ sở đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, nhất là nâng cao chất lượng phục vụ.

Đối với doanh nghiệp công nghệ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, đảm bảo làm chủ công nghệ, hệ thống và bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả.

Thông qua Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp lần này, chương trình cũng đề cập đến một số nội dung: Trải nghiệm của người dùng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với một số TTHC có tần suất thực hiện lớn (Thủ tục Thông báo khuyến mãi; Thủ tục nộp Bảo hiểm xã hội); Giới thiệu hệ thống và tính năng thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; Giới thiệu các dịch vụ công “đặc biệt” hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong và sau đại dịch Covid19.

Kết luận, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cùng các đối tác mong muốn lan tỏa được những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, đồng thời, cũng là dịp ghi nhận ý kiến thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp để cải thiện quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến và vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia hiệu quả hơn.

Hà Trần

Ý kiến

()