Chúng ta

FPT đồng sáng lập Liên minh chống mã độc và tấn công mạng

Chủ nhật, 28/4/2019 | 09:47 GMT+7

FPT cùng 4 đơn vị trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin đã thành lập Liên minh Xử lý Mã độc và Phòng chống Tấn công mạng dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Cục ATTT và Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA).

Tại hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019 (Vietnam Security Summit 2019) diễn ra ngày 26/4 tại Hà Nội, Liên minh xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng vừa được ra mắt. Các thành viên sáng lập bao gồm 5 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực an toàn thông tin tại Việt Nam hiện nay: Trung tâm An ninh mạng FPT, Công ty an ninh mạng Viettel, Trung tâm an toàn thông tin VNPT, Công ty cổ phần BKAV và Công ty An ninh an toàn thông tin CMC. Chị Thạch Ngọc Thuỳ Dương, Quản trị dự án tại FPT IS, đại diện Trung tâm An ninh mạng FPT, tham gia ký kết.

01-4864-1556388520.jpg

Lễ ký kết thành lập Liên minh xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng. Đại diện FPT là chị Thạch Ngọc Thuỳ Dương (ngoài cùng bên trái). Ảnh: Bộ TT&TT.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, 3 tháng đầu năm 2019, tổng số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam là 1.534 cuộc của cả 3 hình thức Phishing, Deface và Malware, giảm 21,17% so với quý IV/2018, giảm 49,82% so với cùng kỳ quý I/2018.

Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma tính đến cuối tháng 3/2019 là 1.845.133 địa chỉ, giảm 17,42% so với quý 4/2018 và giảm 56,19% so với cùng kỳ năm 2018.

Đại tá Đỗ Anh Tuấn – phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết hoạt động tấn công nhằm vào hệ thống mạng thông tin quốc gia của Việt Nam đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Nguy cơ mất an toàn thông tin vẫn ở mức cảnh báo cao. Trong năm 2018, các đơn vị an toàn thông tin của Việt Nam đã phát hiện hơn 4.000 trang tin, cổng thông tin điện tử tên miền quốc gia bị tấn công, xâm nhập.

Liên minh được thành lập nhằm đoàn kết, tập hợp lực lượng, từ đó tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin phục vụ công tác đảm bảo an toàn thông tin quốc gia và cộng đồng người dùng Internet tại Việt Nam.

03-6725-1556388520.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia. An toàn, an ninh mạng là yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia”. Bộ trưởng cũng khẳng định Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng. Và chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ấy. Ảnh: Bộ TT&TT.

Tại buổi ra mắt, các thành viên thống nhất thỏa thuận hợp tác với 4 mục tiêu. Thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa cơ quan nhà nước, Hiệp hội và doanh nghiệp nhằm cung cấp, phát triển những sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho cộng đồng, xã hội.

Đồng thời tăng cường mối quan hệ tin cậy, gắn kết, chia sẻ giữa các doanh nghiệp lớn đang làm về an toàn thông tin trong nước, nhằm huy động và gắn kết sức mạnh của doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Cùng nhau bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức và người dân Việt Nam trước các nguy cơ tấn công mạng. Liên minh cũng đặt mục tiêu “Giảm tỉ lệ lây nhiễm mã độc tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có môi trường mạng an toàn, tin cậy”.

Trước đó, ngày 30/11 tại Hà Nội, Dịch vụ Giám sát an toàn thông tin cho doanh nghiệp FPT EagleEye MDR do FPT IS nghiên cứu và xây dựng đã vinh dự đạt danh hiệu Dịch vụ An toàn thông tin tiêu biểu năm 2018.

FPT EagleEye MDR là dịch vụ giám sát an toàn thông tin 24/7, hỗ trợ phát hiện, cảnh báo, điều tra và xử lý sự cố ngay lập tức. Khi sử dụng gói dịch vụ này, doanh nghiệp không cần phải duy trì nguồn lực để giám sát an toàn thông tin mà vẫn đảm bảo hệ thống được bảo mật cao bởi đội ngũ nhân sự có chứng chỉ quốc tế và giàu kinh nghiệm của FPT.

Bên cạnh đó, với dịch vụ này, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư và trang bị hệ thống bảo mật và hạ tầng giám sát. Thủ tục đăng ký đơn giản, thời gian triển khai nhanh chóng, tích hợp với mô hình sẵn có tại doanh nghiệp; toàn bộ hệ thống qui trình dịch vụ được xây dựng theo tiêu chuẩn ITIL và tuỳ biến phù hợp với từng điều kiện cụ thể của khách hàng.

Chủ tịch FPT IS – anh Dương Dũng Triều cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp đều ý thức được dữ liệu là nguồn tài sản quý giá, tuy nhiên lại kinh phí đầu tư cho an toàn bảo mật thông tin chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Bên cạnh khó khăn về tài chính, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có lời giải tối ưu cho bài toán đầu tư, trang bị hệ thống bảo mật phù hợp và xây dựng chiến lược an ninh mạng hiệu quả. Trong khi đó, các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng về số lượng và quy mô, diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Dịch vụ của FPT IS được xây dựng nhằm giải quyết triệt để những vấn đề đó”.

FPT EagleEye MDR được xây dựng dựa trên cơ sở thu thập và phân tích các thông tin và sự kiện bảo mật của toàn bộ các hệ thống trong mạng (thiết bị chuyển mạch, định tuyến, thiết bị bảo mật, máy chủ, ứng dụng). Một thiết bị thu nhận cảnh báo tại site khách hàng sẽ thu thập và gửi về hệ thống giám sát tập trung đặt tại Trung tâm giám sát. Kết nối giữa thành phần thu thập và giám sát tập trung thông được thực hiện qua kết nối kênh riêng, đảm bảo an toàn. Dịch vụ được phát triển và làm chủ bởi đội ngũ chuyên gia của FPT IS, là sự kết hợp các của giải pháp công nghệ thương mại và mã nguồn mở, cùng tri thức của các chuyên gia trong việc phân tích mã độc, điểm yếu bảo mật; tích hợp công nghệ AI, Machine Learning, Big Data trong việc tìm kiếm và xử lý các mối hiểm hoạ mất an toàn thông tin.

Hiện nay, FPT EagleEye MDPR được cung cấp tại một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và cho thấy hiệu quả, đáng tin cậy của dịch vụ khi đã phát hiện thành công và xử lý nhiều cuộc tấn công mạng có chủ đích và các hệ thống của khách hàng.

Trâm Nguyễn

Ý kiến

()