Chương trình Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN (ASCN) tổ chức chiều 28/4 cuộc trực tuyến với các đối tác Việt Nam, với mục tiêu trao đổi thông tin về thành phố thông minh tại Việt Nam và các cơ hội hợp tác trong tương lai. Đối thoại được điều phối bởi ông Kok-Chin Tay - Chủ tịch Mạng lưới thành phố thông minh (Smart Cities Network), Giám đốc phụ trách ASEAN. FPT tham gia sự kiện với tư cách là một trong những đối tác của Việt Nam về thành phố thông minh.
ASCN là một sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN 2018 tại Singapore. ASCN có 3 mục tiêu chính là tạo điều kiện hợp tác phát triển các thành phố thông minh, xúc tác cho các dự án khả thi và hỗ trợ việc hợp tác với đối tác bên ngoài ASEAN. Sáng kiến cũng hướng tới thúc đẩy chất lượng cuộc sống ở ASEAN thông qua công nghệ và sáng tạo, đối phó các vấn đề đô thị hóa và bảo đảm an ninh. Phát triển thành phố thông minh có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế các nước ASEAN.
Tại sự kiện đối thoại với đại diện ASCN, sau khi giới thiệu về chuyển đổi số ở Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, anh Phan Thanh Sơn cho biết thành phố thông minh tại Việt Nam hiện đang ở làn sóng phát triển thứ 3 với việc có sự nhận thức rõ hơn về sự kết hợp phần cứng và phần mềm vào việc phát triển thành phố thông minh, đô thị hoá thông minh, cũng như sự phối hợp giữa doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, cộng đồng và chính phủ.
Anh Phan Thanh Sơn (trên cùng) đại diện FPT đối thoại ASCN về phát triển thành phố thông minh. |
Đại diện nhà F đã giới thiệu về chiến lược và phương pháp luận chuyển đổi số của FPT, cũng như kinh nghiệm trong phát triển thành phố thông minh. FPT đã tham gia với các dự án thành phố thông minh do chính phủ Việt Nam lãnh đạo từ đầu năm 2000 đến nay. Sau 20 năm, có những thành công và thất bại, FPT rút ra rằng để theo đuổi những dự án phức tạp, dài hơi như vậy, cần sự kết hợp giữa nhiều bên như khu vực tư nhân, chính phủ, công ty công nghệ.
Việt Nam có hơn 800 đô thị lớn nhỏ, trong đó có 50% được xếp loại thành phố đặc biệt và thành phố cấp I. Bên cạnh Hà Nội và TP HCM có quy mô 7-10 triệu dân, có khoảng 30 trung tâm đô thị cấp I và II với quy mô từ 250.000-1,5 triệu dân. Các thành phố chiếm hơn 10% diện tích và hơn 33% dân số, đang đóng góp khoảng 60% GDP quốc gia và 70% ngân sách, đại diện FPT thông tin.
Chính phủ Việt Nam đã triển khai các dự án và chương trình xây dựng thành phố thông minh từ việc học hỏi các quốc gia khác. Đô thị hóa ở Việt Nam có mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển xã hội.
"FPT có kinh nghiệm trong nhiều năm về phát triển thành phố thông minh" - Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS khẳng định và đưa ra các ví dụ về kinh nghiệm trong triển khai tòa nhà thông minh, y tế thông minh, đô thị thông minh...
Nêu ví dụ tòa nhà thông minh, anh Sơn cho biết: "Chúng tôi là nhà đầu tư, nhà điều hành và nhà cung cấp giải pháp cho các tòa nhà thông minh, campus thông minh. Hiện FPT có 36.000 người làm việc trong các tòa nhà của chúng tôi và 50.000 sinh viên trong các campus giáo dục công nghệ cao. FPT có kinh nghiệm phong phú trong việc đầu tư, quản lý, cung cấp giải pháp cho các tòa nhà".
Khi được hỏi về việc FPT ứng dụng các giải pháp tòa nhà thông minh, anh Phan Thanh Sơn nêu rõ việc ứng dụng này áp dụng cho cả các toà nhà, campus của FPT và các đối tác khác ở 3 cấp độ: hạ tầng công nghệ thông tin, cung cấp một số nền tảng như tòa nhà thông minh, định danh thông minh, công dân thông minh; và một số giải pháp bổ sung như phục vụ nhà vận hành các tòa nhà, người thuê văn phòng, cư dân…
Chia sẻ về kinh nghiệm mở rộng sự hiện diện ở nhiều quốc gia khác nhau, đại diện FPT cho biết FPT có 2 chiến lược toàn cầu hóa. FPT Software, khởi đầu là một công ty gia công phần mềm, đã cung cấp các giải pháp, dịch vụ cho nhiều công ty lớn, chẳng hạn như là nhà cung cấp chuyển đổi số chính cho CapitaLand - tập đoàn bất động sản lớn nhất Singapore. Cạnh đó, FPT cũng tự phát triển một số phần mềm phục vụ trước hết cho thị trường Việt Nam như chính phủ điện tử, y tế thông minh, iHotel… Sau khi triển khai thành công ở Việt Nam, FPT sẽ mang các giải pháp đến các quốc gia khác như Campuchia, Bangladesh...
FPT cũng hợp tác với các đối tác tài chính như Ngân hàng Thế giới WB, ADB. "Họ đã chọn chúng tôi và giới thiệu với các nước mới nổi, đó là cách chúng tôi toàn cầu hóa". Qua đó, FPT đã hiện diện tại 45 quốc gia, đặc biệt FPT là công ty IT nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất Nhật Bản với hơn 10 văn phòng, chi nhánh, trung tâm phát triển và đào tạo trên khắp nước Nhật và gần 2.000 CBNV.
"FPT có 7 ngành nghề kinh doanh khác nhau (bán lẻ, giáo dục…). Chúng tôi tin rằng nếu chúng tôi có thể làm tốt, chúng tôi có thể cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng toàn cầu", Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS nói thêm khi giới thiệu hơn 10 nền tảng khác nhau đang được sử dụng như trí tuệ nhân tạo (FPT AI Platform), IoT (FPT Play Rogo), blockchain (FPT. Akachain)... tích hợp nền tảng các đối tác như Microsoft, Amazon, IBM... FPT đã xây dựng một danh sách các ứng dụng có thể cung cấp trực tiếp cho khách hàng giúp cải thiện 4 khía cạnh bao gồm thiết lập mô hình kinh doanh mới, vận hành tối ưu, gia tăng trải nghiệm nhân viên và trải nghiệm khách hàng.
Nhận định rằng quá trình chuyển đổi chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu ở ASEAN và châu Á nói chung, đại diện FPT mong muốn hợp tác với ASCN để hiện thực hóa các giải pháp phát triển thành phố thông minh một cách tốt nhất ở Việt Nam và khu vực ASEAN.
>> Chủ tịch Trương Gia Bình điều phối Smart City Summit 2019
Hà An
Ý kiến
()