Hội nghị Ngôn ngữ học tính toán - Pacling 2019 do ĐH FPT phối hợp cùng Ban công nghệ FPT, Trường Đại học KHTN và ĐH Công nghệ, ĐHQG HN, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản tổ chức vào tháng 10. Đây là diễn đàn trao đổi kiến thức và các nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến ngôn ngữ học tính toán, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1989 với nhiều đại diện đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong 15 lần trước, sự kiện diễn ra lần lượt tại Australia, Nhật Bản, Canada, Malaysia, Indonesia, Myanmar… Năm 2019, lần đầu tiên Pacling được tổ chức tại Việt Nam.
Chương trình diễn ra từ ngày 11 đến 13/10 tại Hà Nội. |
Pacling 2019 là dấu mốc mới của ĐH FPT trong chiến lược thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Sự kiện nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của trường, cũng như giúp xây dựng và phát triển mạnh cộng đồng nghiên cứu khoa học trong môi trường đại học.
Hội nghị sẽ diễn ra từ 11 đến 13/10 tại khách sạn Hilton, Hà Nội. Sự kiện quy tụ gần 100 người tham dự là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên trong nước và quốc tế đang làm việc trong lĩnh vực khoa học máy tính, xử lý ngôn ngữ, trí tuệ nhân tạo… Hơn 40 bài báo cáo chuyên sâu về ngôn ngữ học tính toán sẽ được trình bày trong suốt 3 ngày diễn ra hội nghị theo 2 hình thức: thuyết trình và poster.
Các báo cáo tại hội nghị sẽ được tập hợp và xuất bản trong một book series của Nhà xuất bản Springer, và được phân loại vào danh sách Q3 - Scimago. Các công trình của cán bộ, giảng viên thuộc Tổ chức Giáo dục FPT trình bày tại Pacling sẽ được thưởng 40 triệu đồng/bài ngay khi kỷ yếu hội nghị được xuất bản.
Hội nghị thảo luận xoay quanh 16 chủ đề chính như ngữ âm học, phân tích hình thái, ngôn ngữ nói và đối thoại, tài nguyên ngôn ngữ, dịch máy, xử lý ngôn ngữ dựa trên Corpora và Corpus…
Pacling sẽ có 4 báo cáo mời của các nhà khoa học nổi tiếng trong ngành: “Hiểu và đánh giá ngôn ngữ tự nhiên” của GS. Kentaro Inui (ĐH Tohoku, Nhật Bản); “Khắc phục những hạn chế trong Đại diện từ điển thông qua Học tập nhúng” của GS Danushka Bollegala (ĐH Liverpool, Anh); “Hai hệ thống hộp thoại cho hai môi trường khắc nghiệt: WEKDA và SOCDA” của TS. Kentaro Torisawa (Viện Công nghệ Truyền thông và Thông tin quốc gia, Nhật Bản); "Xử lý lời nói và học sâu - các xu hướng nghiên cứu mới nhất” của GS. Tomoko Matsui (Viện Toán học Thống kê Tokyo, Nhật Bản).
Ngôn ngữ học tính toán là lĩnh vực nghiên cứu liên ngành giữa ngành Ngôn ngữ học và ngành Khoa học Máy tính, đi sâu xử lý, mô hình hóa tiếng Việt và các ngôn ngữ khác dựa trên các quy tắc tính toán. Lĩnh vực này hiện có nhiều ứng dụng trong việc thiết kế hệ thống nhận diện giọng nói, hệ thống trả lời giọng nói tự động, công cụ tìm kiếm web, trình soạn thảo văn bản, tài liệu hướng dẫn ngôn ngữ. |
Trâm Nguyễn
Ý kiến
()