"Trong một lần làm việc ở Bình Định, tôi đến thăm Bảo tàng Quang Trung. Tôi nhớ có một câu vua Quang Trung nhắc: 'Dựng nước lấy việc học làm đầu'; tôi nghĩ chuyển đổi số cũng thế. Chúng ta đang bàn về trí tuệ nhân tạo (AI). Và để làm được nó, chúng ta phải phát triển trí tuệ “tự nhiên”. Không có điều này, không thể làm được AI", Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng mở đầu bài chia sẻ tại buổi tọa đàm "Giải pháp và công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp" - Vietnam ICT Summit 2019.
Chủ tịch ĐH FPT đã phân tích về các vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục hiện tại. Theo anh Tùng, giáo dục có 2 nhiệm vụ quan trọng: Đào tạo nguồn nhân lực có tố chất chuyển đổi số để sau này tham gia vào công cuộc lớn của tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội; và chuyển đổi số trong chính ngành giáo dục. "Đây là việc cực kì quan trọng. Tôi không chắc trong 2 nhiệm vụ trên, việc nào làm trước, việc nào làm sau. Nhưng, nếu giáo dục không thể chuyển đổi số chính nó, rất khó để đào tạo được nguồn nhân lực số", Chủ tịch ĐH FPT khẳng định.
Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng cho rằng hiện tại AI không phải ngành chỉ giành cho những "tinh hoa". Bất cứ ai cũng có thể học về AI và sẽ thấy được sự khác biệt. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Giáo dục trong thời đại công nghiệp truyền thống đang bị lạc hậu so với lĩnh vực công nghệ. "Ngày nay rất nhiều người bỏ học giữa chừng để đi làm công nghệ. Các tập đoàn lớn bây giờ tuyển dụng thậm chí không cần bằng cấp đại học nữa", anh Tùng đưa ví dụ và cho hay, nếu nắm bắt được cơ hội chuyển đổi số, giáo dục sẽ có tự tạo nên vị thế cho chính mình, tạo ra nguồn nhân lực và dẫn dắt sự phát triển.
Song, để giáo dục có thể tự "chuyển mình" trên con đường chuyển đổi số, có 2 bài toán khác được anh Tùng đánh giá là "cực kì khó" phải giải quyết. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà trên toàn thế giới đang "đau đầu". Và bất kì quốc gia nào giải quyết nhanh sẽ tạo ra bước đột phá ấn tượng.
Thứ nhất, toàn bộ nền giáo dục hiện nay dựa trên hình thức đào tạo theo lô (theo lớp học). Trong khi đó, về bản chất mỗi người có tố chất khác nhau và học theo cách khác nhau. Khi đào tạo theo lô, các trường buộc phải hướng đến các đối tượng có khả năng tiếp thu trung bình. Khi đó các học sinh có sức học thấp hơn không thể học, và học sinh giỏi lại không phát triển được. Vậy làm thế nào đưa AI vào môi trường giáo dục truyền thống để cá thể hóa đến từng người học?
Người đứng đầu FPT Education cho biết, "Nếu đào tạo theo cá thể hóa, trung bình học theo kiểu trung bình, giỏi học theo kiểu giỏi. Như vậy, trong một thời gian rất ngắn, mặt bằng đầu ra sẽ khác biệt hẳn so với các quốc gia khác. Đó là ưu thế cạnh tranh cựu kì lớn".
Thứ hai, việc đào tạo online đã được triển khai khoảng 10 đến 15 năm nay và đang trên đà phát triển khá tốt. Tuy nhiên, cách làm mới vẫn không thể thay thế giáo dục truyền thống. Một trong những nguyên nhân trông thấy là vấn đề sư phạm. "AI có thể giải quyết được vấn đề này không?", anh Tùng đặt câu hỏi. Anh cũng bày tỏ mong muốn các chuyên gia về AI, chuyển đổi số sẽ đồng hành cùng giáo dục để giải quyết những bài toán này.
Trên thực tế, Giáo dục FPT đã và đang thức đẩy mạnh mẽ quá trình đào tạo nhân lực số để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số. Năm 2019, ĐH FPT chính thức đưa vào giảng dạy hai bộ môn mới là Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chuyên sâu cho cách mạng công nghiệp 4.0. Tháng 5/2019, FPT bắt đầu đầu tư Tổ hợp Giáo dục - Trí tuệ nhân tạo quy mô lớn tại Bình Định. Đây sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực khoa học công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ AI, cho Nam Trung bộ và cả nước, góp phần đưa trí tuệ Việt trong mảng công nghệ mới ra toàn cầu.
Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2019) diễn ra ngày 8/8 ở Hà Nội, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình dẫn ví dụ tập đoàn bán lẻ toàn cầu Amazon chỉ có 6 kế toán, người mua hàng chỉ cần mở ứng dụng, vào cửa hàng, quét mã, chọn đồ và ra về vì các thủ tục về thanh toán được thực hiện tự động trên ứng dụng Amazon Go.
"Từ bất kỳ đâu trên thế giới, chỉ cần có điện thoại di động, Wi-Fi là có thể học trực tuyến từ các giảng viên xuất sắc trên thế giới. Các mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh tế chia sẻ... được hình thành từ việc sử dụng các công nghệ mới đã tạo nên Uber, Grab, AirBnB", anh Bình nhấn mạnh.
Anh Bình khẳng định chuyển đối số là xu hướng toàn cầu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. “Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số là một vận hội phát triển chưa từng có trong lịch sử, là thời cơ để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và có thể vượt lên các nước phát triển”, người đứng đầu FPT nhấn mạnh.
>> ‘FPT sẽ giúp đối tác giảm 30-50% thời gian chuyển đổi số’
Trâm Nguyễn
Ý kiến
()