Chúng ta

'DevDay khiến các bạn trẻ tiếp tục theo đuổi CNTT'

Thứ ba, 17/4/2018 | 09:30 GMT+7

Cộng đồng CNTT miền Trung hướng đến phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt góp phần đào tạo nguồn lực chất lượng cao phục vụ cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra trên toàn thế giới.

Ngày hội lập trình viên - DevDay Đà Nẵng 2018 là sự kiện công nghệ lớn nhất, là sân chơi cho cộng đồng CNTT tại miền Trung, thu hút hơn 2.000 lượt người tham gia vào ngày 14/4. 34 diễn giả mang đến 32 chủ đề hấp dẫn, cung cấp kiến thức từ phổ thông đến chuyên sâu trong các lĩnh vực chính bao gồm: Xu hướng công nghệ mới như an ninh mạng, blockchain, thực tế ảo và thực tế tăng cường, devops, trí tuệ nhân tạo... Bên cạnh đó, ngày hội cũng tập trung vào các chủ đề về chia sẻ kỹ năng đào tạo hướng nghiệp và khởi nghiệp, giải pháp quản lý doanh nghiệp...

30706428-859493077591388-341749840791103

Hội thảo thu hút đông đảo cộng đồng CNTT trong và ngoài nước tham gia.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nhìn nhận, DevDay đã truyền tải được những kiến thức mới, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển ngành CNTT của TP Đà Nẵng cũng như Việt Nam. Nhà trường cũng nhận thức rất rõ trách nhiệm trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình đào tạo để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp.

Là diễn giả của chương trình liên quan đến chương trình Kỹ sư cầu nối - BrSE của FPT Software, anh Lê Téc Nen, GĐ dự án P3.M35 thuộc FPT Software - Hoa hậu FPT năm 2017, đánh giá DevDay là ngày hội quan trọng trong thời đại mà cuộc Cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới. Nhiệm vụ của cộng đồng CNTT là không ngừng cập nhật kiến thức, xu hướng phát triển và những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Thông qua các bài chia sẻ, người nghe có thể hiểu hơn về thực tế và nhu cầu của thị trường CNTT.

Mới đây FPT Software chính thức được công nhận là đối tác tư vấn cấp premier của AWS tại Hội nghị đối tác AWS tại Singapore 2018. Việc FPT Software là đối tác Premier đầu tiên và duy nhất tại ASEAN tiếp tục khẳng định năng lực và tên tuổi của FPT Software ngang hàng với các “ông lớn” như Accenture, Hitachi, Fujitsu, NEC, Tata, Cognizant… FPT Software cùng vừa ký hợp đồng phát triển, triển khai, xây dựng các ứng dụng trên nền tảng Skywise của Tập đoàn Airbus. Thỏa thuận được ký kết tại Paris nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Pháp.

FPT Software còn cung cấp các dịch vụ phát triển phần mềm và bảo trì, triển khai ERP, kiểm thử, chuyển đổi ứng dụng, hệ thống nhúng, điện toán di động, điện toán đám mây… trong nhiều lĩnh vực như: Tài chính ngân hàng, Viễn thông, Y tế, Chế tạo, Công nghiệp xe hơi, Dịch vụ công… Công ty đã và đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 550 khách hàng là các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu, trong đó có 75 khách hàng nằm trong danh sách Fortune Global 500...

"Hội thảo là sân chơi tạo thêm cơ hội để tiếp cận được nhiều xu hướng công nghệ mới, được nghe các chuyên gia chia sẻ những kiến thức thực tế trong quá trình làm việc. Đối với sinh viên, hội thảo mang đến những góc nhìn mới, giúp các bạn trẻ tiếp tục theo đuổi lĩnh vực CNTT để thúc đẩy Cách mạng 4.0", anh nói.

Đứng ở góc độ nhà cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nhìn nhận DevDay đã tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Từ đó các hoạt động dạy và học được cải tiến, hướng đến phục vụ tốt hơn cho nhu cầu doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt phục vụ cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm nay, ĐH Bách khoa Đà Nẵng có hai đội tham dự cuộc thi “Cuộc đua số FPT”, và cả hai đội đều lọt vào vòng chung kết toàn quốc.

30703930-859554910918538-152370602268059

Cộng đồng CNTT liên tục đặt câu hỏi cho các diễn giả.

Lắng nghe phần trình bày của anh Lê Téc Nen, Kỹ sư CNTT Nguyễn Thành Tâm, cho biết, các phần trình bày đểu thể hiện được tầm nhìn cũng như một số ứng dụng công nghệ tiên tiến đang được triển khai. Đặc biệt, Nhật Bản đang trở thành điểm hút của ngành CNTT không chỉ tại Đà Nẵng mà còn toàn quốc.

Đánh giá chương trình BrSE, Tâm cho rằng điều quan trọng nằm ở ngôn ngữ tiếng Nhật và kỹ năng lập trình. So với những vai trò khác, BrSE đòi hỏi kiến thức tổng hợp để có thể làm việc tốt với khách hàng Nhật lẫn đội dự án.

10KBrSE là chương trình Kỹ sư cầu nối do FPT Software triển khai từ năm 2015 nhằm đào tạo 10.000 kỹ sư Công nghệ thông tin thông thạo tiếng Nhật, đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin tại Nhật Bản và Việt Nam.

Sau hơn ba năm triển khai, gần 900 học viên là cán bộ nhân viên của công ty đã tốt nghiệp từ 51 khóa học. Chương trình đã triển khai được 12 khóa đào tạo cho đối tượng kỹ sư từ cộng đồng, tương ứng với hơn 600 học viên. 100% học viên tốt nghiệp 10K BrSE có việc làm tốt hơn, trong đó, 80% học viên làm việc tại Nhật Bản với mức thu nhập bình quân 2.000-3.500 USD mỗi tháng. Khóa 7 tốt nghiệp gần đây có 100% học viên được tuyển dụng làm việc tại Nhật. Học viên khóa 8 cũng đang ở giai đoạn tiến hành xin việc trước khi tốt nghiệp vào cuối tháng 3 này, dự kiến cũng sẽ đạt con số 100% được tuyển dụng tại Nhật.

>> Hoa hậu FPT 2017: 'Nhật Bản thiếu trầm trọng kỹ sư CNTT'

Việt Nguyễn

Ý kiến

()