Chúng ta

Hoa hậu FPT 2017: 'Nhật Bản thiếu trầm trọng kỹ sư CNTT'

Chủ nhật, 15/4/2018 | 12:02 GMT+7

Làm việc tại thị trường Nhật Bản gần 14 năm, Hoa hậu FPT 2017 -  GĐ dự án P3.M35 thuộc FPT Software Lê Téc Nen cho biết nhu cầu nguồn nhân lực CNTT biết tiếng Nhật là không giới hạn trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Sáng ngày 14/4, ngày hội Lập trình viên - DevDay Đà Nẵng 2018 đã chính thức diễn ra tại ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, thu hút khoảng 2.000 sinh viên, kỹ sư phần mềm, nhà quản lý, nhà giáo dục và các doanh nhân tham gia. Đây là sự kiện chia sẻ kiến thức, tiếp cận và cập nhật những xu hướng công nghệ trên thế giới, kết nối trong cộng đồng CNTT khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

IMG-0685-JPG.jpg

Gian hàng của FPT tại Ngày hội Lập trình viên - DevDay Đà Nẵng 2018 thu hút lượng lớn người quan tâm.

Anh Lê Téc Nen, Hoa hậu FPT 2017, là một trong 34 diễn giả của chương trình. Đại diện FPT đã giúp cộng đồng CNTT hiểu hơn về công việc của Kỹ sư cầu nối (BrSE), các điều cần chú ý khi làm BrSE cho thị trường Nhật cũng như cơ hội và thách thức cho BrSE.

'Thủ lĩnh' dự án P3.M35 tập hợp những kiến thức liên quan đến nghề BrSE cũng như các trường hợp cần giải quyết với khách hàng Nhật Bản trong quá trình làm dự án, kịp thời giúp cộng đồng CNTT có cái nhìn đa chiều.

BrSE cần có kỹ năng về lập trình kết hợp với ngôn ngữ tiếng Nhật, đặc biệt hiểu văn hóa khách hàng. Bản thân là cầu nối giữa đội dự án và khách hàng nên trong quá trình làm việc, BrSE cần lắng nghe và truyền đạt chính xác cũng như tham gia kiểm soát tiến độ công việc. 

"Làm thế nào, làm được không, khi nào xong... là những câu hỏi thường xuyên gặp khi làm việc với  khách hàng. Khách hàng còn liên tục đặt câu hỏi nên cần tỉnh táo và không được hứa. Thay vào đó lựa chọn thứ tự ưu tiên công việc, không được tự ý thay đổi và báo cáo kịp thời", anh Nen chia sẻ. Để giải đáp những vấn đề trên, anh khuyên mọi người nên ghi chép đầy đủ, chính xác, không hiểu cái gì thì phải hỏi ngay lập tức. 

Bên cạnh yếu tố tiếng Nhật, anh cũng khuyên người BrSE cần biết lập trình để hiểu những yêu cầu của khách hàng đưa ra.

IMG-0707-JPG_1523683314.jpg

Hoa hậu FPT 2017 chia sẻ với cộng đồng CNTT về Chương trình BrSE của FPT Software.

Khi được sinh viên Nguyễn Nhật Hưng đặt câu hỏi về kỹ năng cũng như cơ hội việc làm, Hoa hậu FPT 2017 cho biết, người học cần có kinh nghiệm ít nhất một đến hai năm làm việc ở thị trường Nhật Bản để hiểu quy trình cũng như văn hóa của khách hàng. "Năm 2004, tôi cũng như các bạn nhưng nhờ sự ham học hỏi, hỗ trợ của đồng nghiệp và khách hàng đã giúp bản thân tìm được chỗ đứng. Đối với người Nhật, họ rất nhiệt tình nên chỉ cần mọi người chăm chỉ, ham học hỏi thì có thể hoàn thành công việc. Chưa kể, các bạn được tham gia vào đội dự án khoảng 3 đến 5 người có kinh nghiệm nên hoàn toàn yên tâm", anh nói.

Có 14 năm lại việc tại Nhật Bản cũng như phụ trách vai trò Giám đốc dự án P3.M35, anh Nen cho biết thị trường đất nước mặt trời mọc đã thay đổi nhiều trong thời gian vừa qua nên nhu cầu nguồn nhân lực CNTT là không giới hạn, hay đúng hơn là "thiếu hụt trầm trọng". Điển hình, dự án của anh hiện có khoảng 400 người nhưng sẽ tăng lên 800 người trong tháng 9, và tiếp tục tăng nhanh. 

"Điểm thuận lợi của người Việt Nam là có văn hóa và tính cách tương đồng với Nhật Bản kiểu như chăm chỉ, ham học hỏi, đặc biệt học cái mới rất nhanh. Cho nên trước khi qua Nhật học tập và làm việc, các bạn cần tìm hiểu kỹ về văn hóa của người Nhật để hiểu hơn trong giao tiếp, trang phục, giao thông, tính cách làm việc...", anh chia sẻ.

Chị Văn Đoàn Duy Thanh, cán bộ Chương trình Kỹ sư cầu nối (BrSE), cho biết, số lượng học viên BrSE cả ba miền hiện đạt con số 1.000, riêng miền Trung - Tây Nguyên có gần 300 học viên. Phần lớn học viên được tuyển dụng từ các trường đại học và công ty IT. Kể từ khóa 7, 8 có 100% học viên có việc làm tại Nhật Bản. Những học viên không làm ở Nhật vì một số lý do như gia đình muốn về Việt Nam, tiếp quản sự nghiệp của gia đình...

"Đa số học viên đều đáp ứng được công việc tại Nhật sau khi tốt nghiệp và có mức lương tốt. Chưa kể hiện có rất nhiều công ty IT Nhật Bản tại Đà Nẵng, và nhu cầu tuyển CNTT biết tiếng Nhật ngày một tăng. Do đó, FPT đang dành 100 suất học bổng 250 triệu đồng cho những học viên khá, giỏi và có định hướng làm việc tại Nhật. Với chính sách này tôi nghĩ sẽ thu hút được nhiều học viên giỏi và có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Khi học viên đạt học bổng toàn phần thì được hỗ trợ tiền học, tiền vé máy bay, tiền nhà và các chi phí liên quan", chị Thanh nói.

IMG-0734-JPG.jpg

Anh Nen cùng đội ngũ nhân viên Chương trình BrSE chụp hình lưu niệm tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

10K BrSE là chương trình Kỹ sư cầu nối do FPT Software triển khai từ năm 2015 nhằm đào tạo 10.000 kỹ sư Công nghệ thông tin thông thạo tiếng Nhật, đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin tại Nhật Bản và Việt Nam. Từ nay đến 2020, FPT Japan đang tìm kiếm nguồn lực mới với quy mô phát triển gần 1.000 người. Việc tổ chức chương trình đào tạo 10K BrSE chính là một hướng quan trọng để đơn vị thoả mãn cơn khát nguồn nhân lực từ Việt Nam cũng như mang lại cơ hội “đổi đời” cho hàng nghìn bạn trẻ đang khát khao được thể hiện tài năng của mình tại đất nước Nhật Bản.

Phần lớn học viên tốt nghiệp 10K BrSE có việc làm tốt hơn, trong đó 80% học viên làm việc tại Nhật Bản với mức thu nhập bình quân 2.000-3.500 USD mỗi tháng. Điển hình khóa 7 tốt nghiệp gần đây có 100% học viên được tuyển dụng làm việc tại Nhật. Học viên khóa 8 cũng đang ở giai đoạn tiến hành xin việc trước khi tốt nghiệp vào cuối tháng 3 này, dự kiến cũng đạt con số 100% được tuyển dụng tại Nhật.

Được tổ chức lần đầu vào năm 2015, DevDay Đà Nẵng nhận được sự đồng hành của nhiều tập đoàn CNTT lớn trong nước cũng như thế giới. Năm 2018, ĐH Bách khoa Đà Nẵng tiếp tục là nơi tổ chức chương trình với sự tham gia của cộng đồng CNTT gồm sinh viên, kỹ sư phần mềm, nhà quản lý, nhà giáo dục và các doanh nhân đại diện cho nhiều quan điểm khác nhau. 

Đây là cơ hội gặp gỡ, giao lưu học hỏi cho các lập trình viên với đội ngũ diễn giả/nhóm diễn giả là chuyên gia đến từ các công ty và tổ chức trong và ngoài nước như: KLARA Business AG, Mozilla, Code Engine Studio, AgilityIO, Asian Tech, Axon Active, FPT Software, Cốc Cốc, Seadev, mgm technology partners, Sioux, Enouvo, BAP, iViettech, Đại học Duy Tân, Passerelles Numériques Vietnam, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng…

Tại những phiên hội thảo này, các diễn giả tập trung vào việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế, gia tăng tương tác và đặt vấn đề để người nghe có cơ hội đào sâu và thảo luận. Các chủ đề về công nghệ được mang đến DevDay lần này khá phong phú, như blockchain, chatbot, bảo mật web, điện toán đám mây… đến việc đi sâu cập nhật và chia sẻ về sự phát triển của các ngôn ngữ lập trình thông dụng.

>> CEO Bùi Quang Ngọc: 'FPT tươi sáng trong 300 năm nữa'

Việt Nguyễn

Ý kiến

()