Chúng ta

Deloitte: 'Doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số tăng gấp đôi'

Thứ năm, 21/3/2019 | 11:52 GMT+7

Tìm hiểu về kết quả chưa đạt như mong đợi tại các doanh nghiệp dù đầu tư mạnh tay vào chuyển đổi số, chuyên gia của hãng tư vấn hàng đầu thế giới chỉ ra những yếu tố then chốt quyết định thành công của chiến lược này.

Theo Forbes, một cuộckhảo sát vừa được công bố bởi Deloitte (nhóm Big Four - 4 “ông lớn” tư vấn lớn nhất thế giới) cho thấy số lượng doanh nghiệp đầu tư mạnh vào chuyển đổi số đã tăng gần gấp đôi trong năm qua.

Gã khổng lồ kế toán và dịch vụ đã phỏng vấn 1.200 giám đốc điều hành tại các doanh nghiệp có ít nhất 500 nhân viên và doanh thu trên 250 triệu USD, nhận thấy 19% doanh nghiệp dự định đầu tư 20 triệu USD trở lên cho chuyển đổi số trong năm 2019. Khi được hỏi cùng một câu hỏi vào đầu năm 2018, chỉ 10% đưa ra câu trả lời tương tự.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy ngân sách dành cho việc chuyển đổi này tại các công ty có quy mô vừa và lớn đã tăng từ mức trung bình 11 triệu USD lên 13,5 triệu USD trong năm nay. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chia sẻ, vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa khoản đầu tư này và tác động thu được đối với các chỉ số hiệu suất chính như lợi nhuận, doanh thu và sự hài lòng của khách hàng.

Trong nỗ lực tìm hiểu vấn đề này, Deloitte đã chỉ ra 7 trụ cột - những yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho thành công cho doanh nghiệp, mang lại sự tăng trưởng tích cực thông qua sáng kiến ​​công nghệ. Theo Ragu Gurumurthy, Giám đốc kỹ thuật số của Deloitte, 2 điều đầu tiên các công ty nên tập trung là làm chủ cơ sở dữ liệu và cơ sở hạ tầng.

digi2-8536-1553103501.jpg

Ngày càng nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư mạnh vào chuyển đổi số. Ảnh: Forbes.

Về cơ sở hạ tầng, các công ty cần tạo ra các hệ thống linh hoạt và an toàn, có khả năng cân bằng giữa bảo mật, quyền riêng tư với sự linh hoạt khi nhu cầu kinh doanh thay đổi. Còn làm chủ dữ liệu là tổng hợp, kích hoạt và kiếm tiền từ dữ liệu thường bị bỏ qua và không được sử dụng đúng mức, từ đó tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh doanh tốt hơn.

Làm chủ dữ liệu liên quan đến việc tạo ra giá trị từ dữ liệu để tăng hiệu quả của quy trình kinh doanh. Người ta nói rằng dữ liệu là vàng, là dầu mỏ mới trong nền kinh tế số. Nhưng ngay trong kỷ nguyên 'hữu cơ' (hydrocarbon), không cần phải sở hữu các giếng dầu để trở nên giàu có, ông Gurumurthy gợi mở. Tương tự, doanh nghiệp không cần phải có tất cả dữ liệu mà chỉ cần biết phải làm gì với dữ liệu mà mình sở hữu.

Trong khi các công ty như Google và Facebook trở thành những người khổng lồ của thời đại số bằng cách kiếm tiền từ các dữ liệu rời rạc do người dùng để lại khi họ sử dụng nền tảng và dịch vụ của họ, không phải tất cả các doanh nghiệp cũng cần đi theo con đường này, ông khẳng định. Quan trọng là tìm cách tốt hơn để nhắm mục tiêu khách hàng, hiểu hành vi của họ và tối ưu hóa các kênh tiếp thị và bán lẻ dựa trên dữ liệu thu thập. Phần lớn các công ty có mức độ chuyển đổi số cao đang tạo ra sự tăng trưởng cho các sản phẩm và dịch vụ cốt lõi hiện có, thay vì tạo ra các sản phẩm mới từ dữ liệu.

Trục chính tiếp theo liên quan cách thức dữ liệu được sử dụng để nắm rõ và nuôi dưỡng tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp - nhân lực. Đây thực sự là điều khó nhất, Gurumurthy nói. Ở đây, Gurumurthy nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển tư duy kỹ thuật sốĐây là một thách thức khi chuyển sang mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu, đặc biệt khi nhân viên được yêu cầu đặt niềm tin vào công nghệ như trí tuệ nhân tạo và phân tích nâng cao.

Tốc độ phản ứng và hành động cần phải nhanh hơn bao giờ hết. Phát triển sản phẩm như thế nào? Phản ứng thế nào với nhu cầu của khách hàng và tác động đến hành vi của họ? Trong mọi khía cạnh của doanh nghiệp, mọi người cần làm nhanh hơn, chuyên gia Deloitte nhấn mạnh.

Một khi nền tảng của một chiến lược chuyển đổi số đã được xây dựng xung quanh cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng và tư duy số, thì công việc có thể bắt đầu trên các trục chính khác được Deloitte xác định là chìa khóa để tiến tới chuyển đổi kỹ thuật số ở mức cao hơn.

Cam kết trong hệ sinh thái là yếu tố tiếp theo người phụ trách chuyển đổi số tại Deloitte muốn nói đến. Điều này có nghĩa là hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài như vườn ươm công nghệ, khởi nghiệp... để tiếp cận nguồn lực và điểm mạnh của họ.

Bên cạnh đó, cần quan tâm quy trình làm việc thông minh - liên tục xem xét lại các quy trình để tối đa hóa khả năng của cả con người và công nghệ, tạo ra môi trường nơi các yếu tố này bổ sung hoàn hảo cho nhau để mang lại kết quả kinh doanh tối đa.

“Trụ cột” tiếp theo là trải nghiệm khách hàng thống nhất - mang lại trải nghiệm khách hàng liền mạch và hiệu quả, cũng như thú vị và hấp dẫn, dựa trên sự hiểu biết toàn diện về khách hàng được chia sẻ trong toàn công ty.

Và yếu tố then chốt cuối cùng, theo chuyên gia Deloitte, là khả năng thích ứng mô hình kinh doanh - liên tục đánh giá lại và điều chỉnh các mô hình kinh doanh và dòng doanh thu được sử dụng bởi doanh nghiệp.

Ngoài ra, Deloitte phát hiện từ cuộc khảo sát rằng trong khi người ta thường nghĩ rằng các công ty công nghệ có khả năng đạt đến mức chuyển đổi số cao nhất và đạt tăng trưởng lớn nhất, thật ra một khi chuyển đổi số thành công, kết quả nhận được về định giá và tỷ suất lợi nhuận là tương tự trên mọi lĩnh vực. Nói cách khác, với bất cứ ngành công nghiệp nào, phần thưởng của việc thúc đẩy tăng trưởng thông qua chuyển đổi số đều đáng kỳ vọng như nhau.

Theo Forbes, thuật ngữ chuyển đổi số nói đến các bước đưa một tổ chức theo hướng áp dụng các mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu, thường liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và công nghệ phân tích dự đoán.

Với mục tiêu 10 năm tới FPT sẽ là tên tuổi về chuyển đổi số tại Việt Nam cũng như trên thế giới, FPT đang tập trung giải quyết những bài toán chiến lược như chuyển đổi số cho các khách hàng, đưa các công nghệ mới như AI, Big Data, IoT... vào mọi lĩnh vực như giao thông thông minh, y tế thông minh, chính phủ số, ngân hàng số…

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

>> HĐQT FPT: 'Chuyển đổi số tạo bước đột phá'

Hà An

Ý kiến

()