FPT vừa công bố tài liệu cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 sẽ diễn ra ngày 29/3. Trong đó, nội dung quan trọng được HĐQT FPT chuẩn bị là Chiến lược phát triển giai đoạn 2019 - 2021 với nhiều điểm nhấn đáng chú ý, bao gồm cả mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng.
Theo đó, HĐQT FPT nhận định những bước nhảy vọt về công nghệ số trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang tạo đà, tiếp sức cho cả thế giới hướng tới một đích đến đã được định hình là “Thế giới số”.
Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, tổ chức đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tuy ở các quy mô khác nhau nhưng tương đồng về bản chất. Đó là làm thế nào để tổng hợp và ứng dụng sức mạnh của các công nghệ nền tảng, giải quyết các vấn đề nhức nhối, cải tiến và đạt được những bước chuyển dịch trong vận hành, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức.
Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, chuyển đổi số là việc của cả tổ chức chứ không phải của mấy ông công nghệ. Quá trình này không hề tốn kém nếu chúng ta làm đúng. Công nghệ đã nắm trong tay, việc chúng ta phải làm nhắm tới mục đích tăng đột biến năng suất lao động để tìm ra đúng vấn đề cần phải giải quyết. |
Trích dẫn dự báo của hãng nghiên cứu IDC, FPT cho biết quy mô thị trường chuyển đổi số sẽ đạt 2.000 tỷ USD đến năm 2022 và có tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ CNTT.
“Với những cơ hội và tiềm năng không giới hạn của thị trường chuyển đổi số, FPT xác định đây là cơ hội quan trọng tạo bước phát triển đột phá cho Tập đoàn về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng”, HĐQT FPT nhấn mạnh.
Cụ thể, HĐQT xác định FPT sẽ chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ CNTT thành một tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện, với hai hướng đi mũi nhọn là: chuyển dịch FPT thành “doanh nghiệp số” và phát triển các dịch vụ toàn diện cho chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, FPT cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 2 chữ số, với tốc độ tăng trưởng trên 15% hàng năm. Cùng với đó, Tập đoàn cũng đặt ra mục tiêu lọt vào Top 50 các công ty dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ CNTT trên toàn thế giới.
Để thực hiện các mục tiêu lớn đã đề ra trong 3 năm tới, HĐQT FPT cho hay, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch hành động 4 hướng, bao gồm: Nguồn lực, Giải pháp & Dịch vụ, Công nghệ và “Trở thành hình mẫu”.
Đối với định hướng phát triển nguồn lực, FPT tập trung vào yếu tố con người để phục vụ cho việc hoàn thành mục tiêu chiến lược. HĐQT FPT nhấn mạnh, nguồn lực là thế mạnh đặc biệt nổi trội của Việt Nam trên bản đồ dịch vụ chuyển đổi số và CNTT thế giới với nền tảng dân số trẻ, ham học hỏi, đặc biệt có năng lực toán học.
Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, chuyển đổi số không hề tốn kém nếu chúng ta làm đúng. Công nghệ đã nắm trong tay, việc chúng ta phải làm nhắm tới mục đích tăng đột biến năng suất lao động để tìm ra đúng vấn đề cần phải giải quyết. "Công nghệ làm thay đổi phương thức sản xuất nên các doanh nghiệp không thể đứng ngoài sự thay đổi. Giờ đây, bất cứ doanh nghiệp nào trên thế giới cũng hiểu được rằng cần phải chuyển đổi số nhưng mới chỉ có rất ít trong số đó thành công", anh Bình khẳng định và cho rằng nguyên nhân là do chúng ta chưa giải quyết được vấn đề mấu chốt của công việc này.
Chuyển đổi số là định hướng của FPT trong những năm gần đây. Với tiềm lực và kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu thế giới là anh Phương Trầm - người đã thực hiện chuyển đổi số thành công cho DuPont, FPT đặt mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ trở thành một trong số ít các tổ chức chuyển đổi số thành công.
Trước đó, FPT đã thành lập Ban chuyển đổi số (FPT Digital - FDX) và Học viện số nhằm quy tụ đội ngũ tư vấn chuyển đổi số và thu hút các chuyên gia công nghệ số để nghiên cứu, phát triển dịch vụ tư vấn chuyển đổi số cho khách hàng.
Dự kiến trong 3 năm tới, FPT sẽ thu hút thêm 10.000–20.000 nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển, triển khai dịch vụ chuyển đổi số của khách hàng trên toàn cầu.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, FPT đặt mục tiêu 26.660 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm 2018. Trong đó, khối Công nghệ đóng góp 57%, khối Viễn thông đóng góp 37%, còn lại khối Giáo dục và Đầu tư mang lại 6% tổng doanh thu. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 16% từ 3.858 tỷ lên 4.460 tỷ đồng.
Trong năm 2019, FPT tiếp tục tập trung vào mảng Xuất khẩu phần mềm với mục tiêu bán dịch vụ cho các khách hàng lớn, bán chéo giữa các thị trường và bán giải pháp công nghệ của tập đoàn; nâng cao năng lực chuyên sâu trong một số lĩnh vực trọng điểm; tìm kiếm cơ hội M&A tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Về phương án phân chia lợi nhuận năm 2018, HĐQT đề xuất mức chia 20% cổ tức bằng tiền mặt (đã trả 10%) đồng thời sẽ chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong quý 2/2019 sau khi được ĐHĐCĐ thông qua.
Năm 2019 công ty dự kiến tiếp tục chia cổ tiền tiền mặt 20% trên vốn điều lệ mới sau khi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu.
Nhằm trẻ hóa ban lãnh đạo, mới đây HĐQT FPT đã quyết định bổ nhiệm anh Nguyễn Văn Khoa (sinh năm 1977) vào vị trí Tổng giám đốc thay cho anh Bùi Quang Ngọc hết nhiệm kỳ. Tân CEO sẽ ra mắt tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 diễn ra từ 13h thứ Sáu, ngày 29/3, tại phòng Fansipan, khách sạn JW Marriott, số 8 Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty… Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Chuyển đổi số cho các khách hàng, đưa các công nghệ mới như AI, Big Data, IoT... vào mọi lĩnh vực như giao thông thông minh, y tế thông minh, chính phủ số, ngân hàng số… là những bài toán chiến lược đang được FPT tập trung giải quyết, với mục tiêu 10 năm tới FPT sẽ là tên tuổi về chuyển đổi số tại Việt Nam cũng như trên thế giới. |
>> FPT đặt mục tiêu lợi nhuận lần đầu vượt 4.000 tỷ đồng
Tân Phong
Ý kiến
()