Khi một công ty tuyên bố ra mắt tính năng AI mới, nghĩa là họ đang sử dụng công nghệ máy học (machine learning) để xây dựng một hệ thống mạng nơ-ron nhân tạo (neural network) phục vụ riêng cho tính năng đó. Máy học giúp thiết bị có thể “học” cách thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ cụ thể, theo Howtogeek.
Từ “AI” đang xuất hiện ở mọi nơi, nhưng AI thực tế không thông minh như bạn tưởng. Ảnh: Nextweb. |
Máy học chứng tỏ là công nghệ tuyệt diệu với nhiều khả năng mạnh mẽ. Tuy nhiên, máy học chưa thể tạo ra trí thông minh nhân tạo đa năng, và khi nắm bắt được giới hạn của nó bạn sẽ hiểu tại sao công nghệ AI vẫn còn hạn chế.
Thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” trong khoa học viễn tưởng mô tả một loại não bộ bằng máy tính hay robot có thể suy nghĩ và thật sự hiểu về vấn đề nào đó như con người. Và đây nên được gọi là “trí thông minh như con người" - AGI (artificial general intelligence) vì sở hữu khả năng suy nghĩ đến nhiều thứ khác nhau và áp dụng những suy nghĩ đó trong các tình huống, lĩnh vực khác nhau. Một khái niệm khác cũng liên quan là “strong AI”, một máy tính có thể trải nghiệm ý thức như con người.
Nhưng ngày nay, con người vẫn chưa tạo ra được các AI như trên, và sẽ còn rất lâu để điều đó trở thành hiện thực. Do đó, các trợ lý ảo như Siri, Alexa hay Cortana hiện tại chưa thể thật sự hiểu và suy nghĩ như con người. Những tính năng AI chúng ta thường thấy chỉ là đã được dạy để thực tiện tác vụ cụ thể dựa vào dữ liệu do con người cung cấp. Chúng chỉ học cách làm nhưng không hiểu tại sao phải làm vậy.
Chẳng hạn, với Gmail, nền tảng này cung cấp tính năng “Trả lời thông minh” giúp đưa ra cụm từ gợi ý khi người dùng trả lời email. Hay tính năng xác định những từ bạn thường dùng để gợi ý cho lần soạn email tiếp theo. Khi bạn dùng “I love you” thường xuyên, nó sẽ gợi ý cụm từ này trên nhiều lần soạn email khác, ngay cả khi bạn đang gửi email công việc.
Lý do là máy tính không hiểu rõ nghĩa của những cụm từ, nó chỉ học được rằng nhiều người sử dụng các cụm từ này khi gửi email và chẳng hề biết bạn muốn gửi “I love you” cho sếp hoặc đồng nghiệp hay không.
Với công nghệ máy học (machine learning), máy tính không được lập trình để thực hiện nhiệm vụ cụ thể, mà được cung cấp dữ liệu để “học” cách hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ nhất định nào đó.
Ví dụ đơn giản nhất là sử dụng máy học để tạo ra tính năng nhận diện hình ảnh. Con người sẽ “huấn luyện” một chương trình máy tính cách xác định bức hình nào có mèo xuất hiện. Để làm điều này, họ có thể cung cấp cho máy tính hàng triệu bức ảnh, lẫn lộn giữa ảnh có mèo và không có. Những bức ảnh được dán nhãn để máy tính biết ảnh nào có mèo, ảnh nào không. Và chương trình tự động học để nhận diện mèo trông như thế nào dựa vào số lượng ảnh được cung cấp.
Máy học được sử dụng để “đào tạo” một hệ thống nơ-ron nhân tạo (neural network) - chương trình máy tính sở hữu nhiều lớp phân tích dữ liệu đầu vào, để có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Nó mô phỏng cách não bộ chúng ta hoạt động, với nhiều lớp nơ-ron thần kinh tham gia suy nghĩ về một vấn đề.
Trở lại ví dụ, sau khi cung cấp hình ảnh cho hệ thống nơ-ron nhân tạo, chúng ta đưa ra bài kiểm tra cho hệ thống để xem xét kết quả mà nó đưa ra là đúng hay sai. Nếu hệ thống nhận định một bức ảnh không có mèo, nhưng thực tế lại có, thì người ta sử dụng một cơ chế chuyên sâu để giúp hệ thống biết nó đã sai, điều chỉnh lại hệ thống và cho nó “học” tiếp. Sau mỗi lần như vậy, máy tính trở nên giỏi hơn với việc nhận diện mèo trong ảnh.
Sau khi học qua hàng triệu bức ảnh, hệ thống sẽ tự đưa khái niệm về mèo của riêng nó để xác định. Ảnh: Tech Explore. |
Tất cả những quá trình này có thể diễn ra hoàn toàn tự động. Nếu sử dụng đúng phần mềm và cung cấp nhiều dạng dữ liệu có cấu trúc cho máy tính, nó sẽ điều chỉnh hệ thống mạng nơ-ron nhân tạo để tự xác định mèo trong ảnh. Và chúng ta đang gọi đây là “trí thông minh nhân tạo - AI".
Nhưng thực tế con người đã không tạo ra một hệ thống máy tính thông minh để hiểu như thế nào là mèo hay tại sao phải tìm mèo trong ảnh. Thay vào đó, máy tính này chỉ học cách quyết định rằng trong bức ảnh có mèo hay không, dựa trên tiêu chuẩn mà chúng ta cung cấp. Điều này khá ấn tượng, nhưng đó là tất cả những gì máy tính làm được, không hơn không kém.
Và hệ thống có thể đưa ra kết quả sai do hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu bạn cung cấp. Nếu không đưa vào ảnh của chó tập dữ liệu chẳng hạn, hệ thống sẽ dễ nhầm lẫn và đánh đồng ảnh có chó và có mèo là như nhau.
Tựu trung, AI tại thời điểm này chỉ có thể học cách thực thi nhiệm vụ, nhưng không hiểu bản chất của nhiệm vụ.
Chia sẻ trong hội nghị AI4Life và họp báo cuộc thi Cuộc đua số của Tập đoàn FPT vào giữa tháng 7/2018, CTO FPT - anh Lê Hồng Việt cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra ảnh hưởng vô cùng to lớn. Đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Bắt đầu từ năm 2020, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ so với thời kỳ trước, trong đó 50% sự tăng trưởng sẽ đến từ ảnh hưởng trí tuệ nhân tạo, được tạo ra do máy có khả năng thay thế con người tương đối tốt. "Hiện tại, các khách hàng mảng AI của FPT cũng chủ yếu đến từ hai ngành này. Ngoài ra, các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu và ứng dụng AI mang về tỷ suất lợi nhuận và cạnh tranh cao nhất thuộc ngành dịch vụ tài chính và y tế”, anh thông tin. Tiết lộ thêm về ứng dụng AI của FPT, anh Lê Hồng Việt cho biết: “Hiện tập đoàn có 3 ứng dụng chính từ AI là: Tự động hóa với khâu chăm sóc khách hàng (Help desk), Smart Robot, RPA (Robotics Process Automation); Trải nghiệm khách hàng với các yếu tố liên quan tới thời gian thực, cá nhân hóa, hay các năng lực mới như trong bảo hiểm, giúp tăng năng suất máy móc”. |
>> Giám đốc Khoa học FPT: ‘Trí tuệ nhân tạo đang dễ tiếp cận nhất’
Hải Ninh
Ý kiến
()