Chúng ta

Covid thúc đẩy nền kinh tế AI

Thứ tư, 10/6/2020 | 10:27 GMT+7

80% các tác vụ hằng ngày của thị trường chứng khoán đều thực hiện bằng máy có ứng dụng trí tuê nhân tạo (AI). Làn sóng AI hậu đại dịch dự kiến sẽ còn lan nhanh và mạnh mẽ hơn trước.

Sự bùng phát của Covid-19 đang ảnh hưởng ngày một mạnh mẽ lên nền kinh tế toàn cầu. Đại dịch đã gây ra suy thoái, đẩy tỷ lệ thất nghiệp và nợ toàn cầu lên mức cao kỷ lục, theo Forbes.

Theo Liên hiệp quốc, chỉ trong năm 2020 và 2021, khoản nợ công phải trả của các nước đang phát triển sẽ tăng từ 2.600-3.400 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Covid-19 sẽ đẩy khoảng 40-60 triệu người vào tình trạng cực nghèo. Việc kêu gọi tinh thần đoàn kết cộng đồng tới nay vẫn chỉ mang lại rất ít hỗ trợ tài chính, trong khi rủi ro vỡ nợ quốc gia, doanh nghiệp và chi phí nhân lực đi kèm đang ngày một gia tăng.

Các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân giờ đây rất cần một mô hình phát triển kinh tế mới, với trí tuệ nhân tạo (AI) được hỗ trợ bởi mạng 5G nằm ở mũi xung kích. Tình trạng suy thoái kinh tế càng khiến cho việc hấp thụ các mô hình trên diễn ra nhanh chóng hơn.

Các công ty giá trị nhất thế giới hiện nay đều nằm trong lĩnh vực khoa học máy tính và 80% các động thái hằng ngày của thị trường chứng khoán đều là các giao dịch bằng thuật toán thực hiện bằng máy có ứng dụng AI.

5c3a8f6ea3106c65fff4f3d7-jpeg-1993-8770-

Theo tổ chức Internet Society Trung Quốc, thị trường trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc đạt ngưỡng 50 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 7,2 tỷ USD) vào năm 2019 và 10,3 tỷ vào năm 2020. Ảnh một sinh viên dùng thử ứng dụng học bằng AI tại Bắc Kinh. Ảnh: China Daily

Sự phát triển bước đầu của AI đã mang lại thay đổi to lớn cho nhiều ngành thuộc thị trường ngách. Giờ đây công nghệ này đang tác động tới mọi bộ phận của nền kinh tế và các mặt của đời sống con người. Tuy nhiên đối tượng chịu rủi ro lớn nhất giữa cuộc cách mạng AI và bối cảnh đại dịch lại là những người có kỹ năng lao động thấp và những quốc gia nghèo nhất.

Đại dịch đã "quét sạch" bóng người tại các tổng đài điện thoại. Các robot trò chuyện tự động (chatbox) nay trở thành nhân viên làm việc toàn thời gian (24h) cho các tổng đài. Thực tế từ trước đó máy móc đã thay thế con người tại các tổng đài, nhưng đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tiến trình này lên.

Tại thị trường chứng khoán toàn cầu, dẫn đầu là Mỹ, với các cổ phiếu công nghệ hàng đầu được biết đến với tên gọi chung FAANG (Facebook, Apple, Amazon, Netflix và công ty mẹ của Google - Alphabet).

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trung Quốc, với các công ty hàng đầu Baidu, Tencent và Alibaba đều là các doanh nghiệp AI. Alibaba và Tencent là hai doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất quốc gia tỷ dân và đều là những công ty AI mới nhất.

Trong năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch "dẫn đầu ngành AI thế giới" vào năm 2030. Tuyên bố này đã tạo nên cảm giác bất an cho Mỹ và các quốc gia khác về việc Trung Quốc có thể dùng AI để siết chặt kiểm soát công dân và phát triển ra các phát minh quân sự tinh vi hơn.

Đài Loan cũng đang hợp tác chặt chẽ với các công ty tư nhân để trở thành điểm đến hàng đầu của công nghệ AI. Bộ Khoa học và Công nghệ của vùng lãnh thổ này dự định xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo AI, bao hàm nhiều mặt như quản lý nhân tài, công nghệ, tên miền và các ngành công nghiệp. Mục tiêu của họ không chỉ là xây dựng một xã hội thông minh mà còn là biến Đài Loan thành tay chơi chủ chốt trong chuỗi giá trị AI toàn cầu.

Đài Loan hiện đứng thứ ba trong danh sách những nơi tốt nhất để đầu tư toàn cầu, chỉ sau Thụy Sỹ và Na Uy, vượt qua Singapore và Hàn Quốc, theo báo cáo ba năm một lần của Cục tình báo rủi ro môi trường kinh doanh Mỹ BERI.

Một quốc gia đáng nhắc tới khác là Hàn Quốc. Đất nước này đang xem 5G và AI là những mảnh ghép trung tâm để xây dựng kinh tế hậu Covid-19. Dịch bệnh chỉ khiến cho tham vọng của Hàn Quốc trở nên mạnh mẽ hơn. Năm 2019, tổng thống Moon Jae-in đã khởi động Chiến lược AI quốc gia, tập trung nỗ lực công nghiệp và giáo dục lên các cơ hội phát triển AI còn tiềm tàng, hứa hẹn sẽ giải quyết những thách thức lớn nhất mà xã hội Hàn Quốc đang đối mặt.

Quốc gia khác là Nga cũng đang chen chân trong cuộc đua phát triển AI. Công ty Yandex của xứ sở bạch dương với giá trị vốn hóa 13,18 tỷ USD hiện là công ty Nga có quy mô lớn và hứa hẹn nhất trong ngành AI.

Sberbank, ngân hàng lớn nhất nước Nga, đã khuyến cáo các chuyên gia phân tích nên suy xét nhiều hơn tới các cổ phiếu công ty AI thay vì ngân hàng bán lẻ truyền thống. Ngân hàng được xem là kho chứa dữ liệu khách hàng lớn nhưng vẫn chưa khai thác chúng triệt để. Tuy vậy, công nghệ học sâu (deep learning) và AI có thể thay đổi thực trạng này.

Sberbank gần đây đã tạo ra một liên minh AI, đưa siêu máy tính vào hoạt động và kêu gọi được 2 tỷ USD cho các nhà lập trình AI người Nga. Cuối năm 2019, ngân hàng này đã bắt tay với Microsoft Research để phát triển các giải pháp AI của Microsoft trong ngành robot học.

Theo Forbes, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các quốc gia, công ty và cá nhân tìm hiểu nhiều hơn về AI. Tuy vậy việc thiếu chuẩn bị và lơ là về công nghệ này có thể khiến nhiều người phải trả giá đắt. Đây là bài học nhiều người đã phải ghi nhớ sau đợt đại dịch vừa qua.

>> 'FPT sẵn sàng chung tay ngành tài chính ngân hàng vượt khó sau dịch'

Hải Ninh

Ý kiến

()