Tọa đàm "Làm sản phẩm AI - Từ nghiên cứu tới thực tiễn" nằm trong khuôn khổ Hội thảo về AI của FPT (FAIC) quy tụ đội ngũ phát triển các sản phẩm đình đám của FPT gồm: anh Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT; anh Nguyễn Thượng Tường Minh, Giám đốc sản phẩm FPT.AI, FPT Smart Cloud; chị Võ Thị Hồng Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học dữ liệu FPT Telecom và chị Đỗ Thị Trang, AM của FPT Software.
Các khách mời đã thảo luận và đưa ra kinh nghiệm sát thực tiễn, cho thấy AI không hề xa vời. Đó là những nỗ lực học hỏi, làm sản phẩm từ ý tưởng đến khi ra thị trường, là nỗi niềm đau đáu tìm kiếm khách hàng đầu tiên... Đặc biệt, các chuyên gia AI của FPT cũng nhận định thị trường AI còn rất rộng mở và cần nhiều vị trí cho các bạn trẻ thử sức mình.
Tọa đàm "Làm sản phẩm AI - Từ nghiên cứu tới thực tiễn" chiều 17/8. |
Khách hàng đầu tiên là rất quan trọng
Chia sẻ về quy trình làm một dự án AI, chị Võ Thị Hồng Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học dữ liệu FPT Telecom, cho biết thông thường đội ngũ cần trải qua 7 bước. Đầu tiên, cần xác định bài toán, hiểu rõ yêu cầu và đưa ra bộ đánh giá cho các bài toán đó. Thứ hai, cần tiến hành thu thập tất cả dữ liệu liên quan từ các đơn vị, phòng ban và cả các nguồn dữ liệu công khai bên ngoài. Thứ ba là bước làm sạch dữ liệu, cũng như khai phá những thông tin, thuộc tính, đặc điểm có thể giúp giải bài toán và đưa vào được các model (mô hình). Tiếp theo, chọn model phù hợp, hiệu quả nhất. Sau khi đào tạo, kiểm thử nhiều lần, bước cuối là kiểm tra trước khi triển khai xây dựng sản phẩm, tích hợp vào hệ thống.
Để giải một bài toán ứng dụng AI, phụ thuộc vào quy mô cũng như phạm vi yêu cầu của bài toán, đội dự án có nhu cầu về nhân sự tương ứng. Thông thường, một dự án AI cần ít nhất 3 vị trí: data engineer (kỹ sư dữ liệu) chịu trách nhiệm xử lý các dữ liệu, xây nền dữ liệu cho hệ thống; data analyst (chuyên viên phân tích dữ liệu) đảm nhận phân tích dữ liệu và data scientist (kỹ sư khoa học dữ liệu) hỗ trợ xây dựng model.
Nếu dự án không chỉ dừng lại ở mức cung cấp dịch vụ mà còn muốn ra sản phẩm, có giao diện, cho người dùng tương tác thì sẽ cần thêm: software engineer - kỹ sư phần mềm, thành viên làm về system (hệ thống) hoặc về big data system (hệ thống dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp), chị Phương nói rõ.
Sau khi nghiên cứu và làm sản phẩm, tìm kiếm được khách hàng đầu tiên là điều rất quan trọng. Trong phòng thí nghiệm, mọi thứ có thể rất lung linh, nhưng câu chuyện thuyết phục khách hàng đầu tiên sử dụng và nhận phản hồi lại cần nhiều nỗ lực.
Đồng quan điểm, chị Đỗ Thị Trang, AM của FPT Software, chia sẻ: "Với các sản phẩm AI nói riêng và mọi sản phẩm nói chung, có được khách hàng đầu tiên là quan trọng nhất. Đối với đội phát triển sản phẩm, đây gần như là người đồng hành cùng sản phẩm".
Từ kinh nghiệm của sản phẩm Crystal Sound (FPT Software), chị Trang cho biết khi làm sản phẩm mới, việc đầu tiên đội ngũ làm là xác định sản phẩm của mình giải quyết vấn đề gì cho khách hàng. Nếu các sản phẩm mang lại được một giá trị rõ rệt, sẽ dễ dàng thuyết phục các khách hàng thử nghiệm và sử dụng.
FAIC từ 17-21/8 quy tụ sự tham gia của các chuyên gia AI hàng đầu thế giới và Việt Nam là cơ hội lớn cho người yêu công nghệ. |
Đối với anh Nguyễn Thượng Tường Minh, Giám đốc sản phẩm FPT.AI, FPT Smart Cloud, điều đầu tiên phải làm là "phá băng" là nỗi lo ngại từ phía người dùng, để họ hiểu AI sẽ làm những việc cơ bản, con người có thời gian để làm những việc mang giá trị lớn hơn.
Bên cạnh đó, nhiều người hay doanh nghiệp tỏ ra bối rối, không biết ứng dụng AI như thế nào trong công việc của mình. Do đó, theo anh Tường Minh khi tiếp cận khách hàng, cần giúp người dùng cuối hiểu được AI là gì, tại sao phải đào tạo AI. Đồng thời cần có dữ liệu và đưa ra một bài toán rất cụ thể, ví như giúp con người tăng bao nhiêu năng suất lao động...
Thị trường AI rộng mở và cần nhiều nhân lực chất lượng
Chia sẻ về định hướng tương lai, chị Võ Thị Hồng Phương cho biết sắp tới, đội ngũ FPT Telecom có khá nhiều bài toán liên quan dữ liệu, AI và các sản phẩm đi từ nội bộ đến ứng dụng cho bên ngoài. Hiện FPT Telecom vừa tiếp tục mở rộng ứng dụng tại công ty vừa tìm kiếm, ứng dụng cho các công ty thành viên khác như FPT Retail, FPT Online... Đội ngũ đang từng bước tổng hợp dữ liệu, đóng gói sản phẩm đã triển khai thành công tại nhà Viễn thông để áp dụng tại các đơn vị khác, để hệ sinh thái sản phẩm ngày càng mở rộng giá trị.
Trong khi đó, đội dự án FPT Software đang tập trung 4 mảng công nghệ chính: audio, thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tự lái. Trong thời gian tới, đội tập trung đẩy mạnh bán sản phẩm đến thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...
Thị trường còn rất lớn, rất tiềm năng trong nhiều lĩnh vực là đánh giá của anh Trần Thế Trung - Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT.
Trong 3 năm tới, định hướng của Viện là phát triển nhanh, nhiều, mở rộng ứng dụng cho đa dạng ngành nghề. Anh Trung đồng thời nhấn mạnh điểm chiến lược là kết hợp giữa người và máy, để cung cấp giải pháp cho cả con người và máy móc cùng tham gia. Thêm đó, đội có chiến lược tạo hệ sinh thái các sản phẩm kết hợp AI và điện toán đám mây để cung cấp không chỉ sản phẩm đơn lẻ mà bộ sản phẩm có mối liên hệ, hỗ trợ cho nhau. "Chúng tôi không đi đến thị trường một mình được mà cần các đơn vị cùng khai thác" - anh Trung bày tỏ nhu cầu hợp tác các kênh bán hàng của các CTTV.
Trong 2 năm qua, FPT.AI đã triển khai nhiều dịch vụ miễn phí, đem đến cơ hội sử dụng những công nghệ mới nhất cho cộng đồng. Qua đó đặt nền móng phát triển mảng thị trường phổ thông, đồng thời nhận phản hồi cho chính đội ngũ phát triển sản phẩm.
"Trong những năm tới, FPT.AI sẽ nỗ lực để tiếp tục dẫn đầu, đưa ra các bộ giải pháp không chỉ ứng dụng chung cho các công ty mà đi sâu từng mảng khác nhau, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dùng nâng cao năng suất lao động", anh Nguyễn Thượng Tường Minh cho biết.
Anh cũng hy vọng FAIC lần này sẽ góp phần xây dựng nên một mạng lưới cộng đồng về AI.
"Chúng tôi đang cần sự hỗ trợ của tất cả các bạn. Có rất nhiều vị trí AI đang khuyết thiếu để phát triển nên sản phẩm chất lượng. Những ai yêu thích khoa học có thể tham gia nghiên cứu, học machine learning, nghiên cứu các thuật toán khoa học, có thể làm kỹ sư AI, hay lập trình, xây dựng nền tảng… Nếu đam mê, các bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu và bắt đầu bước đi trên con đường thú vị này", anh Tường Minh, Giám đốc sản phẩm FPT.AI, gửi gắm.
Hội thảo về AI của FPT (FAIC) từ 17-21/8 quy tụ sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI trên thế giới và Việt Nam: "Bố già AI" Yoshua Bengio; GS Hồ Tú Bảo; PGS.TS Truyền Trần; PGS.TS Trần Thanh Long, và Nguyễn Hoàng Bảo Đại - 1 trong 3 người Việt đầu tiên được công nhận là Chuyên gia phát triển của Google (Goolge Developer Expert). Về phía Việt Nam và Tập đoàn FPT, hội thảo quy tụ những lãnh đạo cấp cao nhất cùng toàn bộ lực lượng AI chuyên sâu, uy tín. Người tham dự có cơ hội được gặp mặt, lắng nghe thuyết trình và giao lưu với các chuyên gia AI hàng đầu của cả Việt Nam và thế giới. Đây có thể gọi là cơ hội có một không hai với những người yêu công nghệ. Qua những bài trình bày, phiên thảo luận, lần đầu tiên bức tranh tổng thể về AI của FPT sẽ được vẽ nên một cách khá hoàn chỉnh trong bối cảnh phát triển của thế giới và Việt Nam. Từ đó, FPT nói chung và mỗi người nói riêng sẽ có được cái nhìn và xác định vai trò, vị trí, đóng góp của riêng mình. |
>> ‘Thực đơn công nghệ’ hấp dẫn tại FAIC 2021
H.A
Ý kiến
()