Doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi nông nghiệp thường gặp khó khăn về giám sát kết quả, chất lượng trên toàn hệ thống, việc tính toán chi phí thủ công không đầy đủ/chính xác. Họ cũng gặp điểm “mù” trong sản xuất, báo cáo thống kê tốn thời gian và chi phí; chỉ số sản xuất không có khả năng phân tích do dữ liệu không đầy đủ và nhất quán; các hệ thống chạy độc lập và thiếu sự liên thông. Cạnh đó, số hoá gặp rào cản khi các dữ liệu trên toàn hệ thống không được chia sẻ đầy đủ, chi phí quản lý cao…
Với dự án Smart Farming, FPT mong muốn phối hợp với các doanh nghiệp trong hoạt động chăn nuôi để xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả dựa trên dữ liệu và AI, hướng tới sự liên kết của toàn bộ thông tin vật nuôi, giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động sản xuất và thông tin sẵn sàng cho việc xuất khẩu, làm việc với các tổ chức ngân hàng, bảo hiểm.
Smart Farming áp dụng công nghệ và thiết bị thông minh, tiếp cận dựa trên dữ liệu để đem đến thông tin chính xác theo thời gian thực, tiết kiệm tài nguyên, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu; giúp doanh nghiệp sản xuất hiệu quả và bền vững hơn; hỗ trợ xác định xu hướng kinh doanh, phát hiện sớm dịch bệnh và các vấn đề trong sản xuất.
FPT Smart Farming hướng tới sự liên kết của toàn bộ thông tin vật nuôi, giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động sản xuất và thông tin sẵn sàng cho việc xuất khẩu, làm việc với các tổ chức ngân hàng, bảo hiểm. |
Smart Farming dựa trên 2 nền tảng của FPT IS là nền tảng IoT (kết nối vạn vật) - FPT.IOT giúp quản lý, giám sát và điều khiển mạng lưới các thiết bị cảm biến, thiết bị thông minh vận hành theo thời gian thực và nền tảng xử lý dữ liệu lớn - FPT.dPlat giúp tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn và triển khai các mô hình phân tích, dự báo dữ liệu sử dụng các thuật toán phù hợp.
Nền tảng IoT đem lại sự linh hoạt trong việc triển khai nhiều giải pháp thông minh trên cùng một môi trường nhất quán, đảm bảo an toàn và tiện lợi cho doanh nghiệp, quản lý toàn bộ mạng lưới cảm biến, thiết bị của một hay nhiều trang trại, một hay nhiều khu nhà sản xuất; cung cấp thông tin đến màn hình điều hành, màn hình LED thông báo hay các ứng dụng; giám sát dạng dữ liệu, đồ thị, bản đồ, heatmap (bản đồ nhiệt); quản lý, tính toán và phân tích dữ liệu theo thời gian thực; quản lý chính sách và hoạt động tự động hoá thông qua các kịch bản, lịch trình được thiết lập; đưa ra các cảnh báo, thông báo trực quan.
Nền tảng FPT.dPlat thúc đẩy việc quản trị dữ liệu hiệu quả, tức thời với kiến trúc kết cấu dữ liệu mở, đa tầng, giúp đơn giản hóa và tự động hóa việc thu thập, tổ chức và phân tích dữ liệu, tăng tốc độ khai thác thông tin và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong toàn bộ hoạt động của tổ chức.
Theo chị Lê Thị Thuý Hà, cán bộ tư vấn thiết kế giải pháp, FPT IS TSD, hiện trên thế giới có nhiều công ty cung cấp giải pháp tương tự Smart Farming, tuy nhiên không phù hợp với đặc thù sản xuất của nông nghiệp Việt Nam. Các giải pháp của FPT thiết kế đã có bước phân tích phù hợp, tối ưu với thực tiễn tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, có một số công ty nhỏ cũng có một vài ý tưởng/sản phẩm để phục vụ cho một nghiệp vụ nào đó, nhưng chỉ dừng lại ở việc ứng dụng một vài thiết bị cảm biến tự động ghi nhận dữ liệu, chưa có đơn vị nào tư vấn và lên giải pháp tổng thể cho một trang trại thông minh (bao gồm cả phần cứng và phần mềm, nền tảng…).
Về khả năng hợp tác với Sendo Farm, đại diện FPT IS cho biết hiện giải pháp Smart Farming chủ yếu giải quyết các vấn đề xoay quanh sản xuất nông nghiệp tại các nông trại giúp tối ưu sản xuất, minh bạch nguồn gốc và gia tăng giá trị sản phẩm. Do đó giải pháp chưa trực tiếp hỗ trợ quá trình kinh doanh phân phối sản phẩm nông sản của Sendo Farm. Tuy nhiên, về tầm nhìn và chiến lược lâu dài cho giải pháp trong nông nghiệp, Smart Farming có thể là một phần trong việc xác định chất lượng sản phẩm, cơ sở để truy xuất nguồn gốc, khẳng định minh bạch chất lượng sản phẩm do Sendo Farm cung cấp cho người tiêu dùng thông qua toàn bộ thông tin sản xuất đã được lưu lại trong các giải pháp của Smart Farming.
“Smart Farming là giải pháp mới, hiện đã có nền tảng IoT và một danh sách khách hàng sẽ tiếp cận để giới thiệu. Kế hoạch gần nhất làm giới thiệu giải pháp cho một số tập đoàn chăn nuôi lớn, thuyết phục họ đồng hành sử dụng” - chị Hà cho biết.
Với kế hoạch cụ thể của phòng phát triển nền tảng, dự án sẽ bắt đầu giải quyết từng bài toán nhỏ, có lộ trình tổng thể cho bài toán lớn, bước đầu tiên sẽ là sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp chẩn đoán thông qua hình ảnh đối tượng nuôi/trồng.
Hà An
Ý kiến
()