Chúng ta

Chuyển đổi số: 10 bài học từ vận động viên marathon

Thứ tư, 3/4/2019 | 12:34 GMT+7

Chuyên gia chuyển đổi số Colin Nanka, Giám đốc cấp cao của Salesforce, chia sẻ nhiều bài học có thể áp dụng từ bộ môn marathon mà ông yêu thích vào chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là một công việc vất vả và bền bỉ, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải đổi mới công ty, luôn kiên trì trong các khía văn hóa, tài năng, quy trình, chiến lược, công nghệ, biến động thị trường và kỳ vọng của khách hàng. “Mức trung bình” không còn là một sự lựa chọn. Để đánh bại mức trung bình đó trong nền kinh tế số, các công ty và mỗi cá nhân luôn phải vượt xa hơn những gì đã tạo ra trên con đường thành công của họ trong quá khứ.

Colin Nanka, giám đốc cấp cao của Salesforce, là người lãnh đạo một nhóm chuyên gia làm việc với các công ty lớn nhất và thành công nhất trên thế giới khi họ bắt tay vào chuyển đổi số, cũng là một vận động viên marathon nghiệp dư. Gần đây, ông đã chia sẻ nhiều bài học từ môn chạy marathon mà ông yêu thích có thể được áp dụng vào chuyển đổi số trong kinh doanh.

picture1-4165-1554266248.jpg

Nanka đã tìm ra cách để tái tạo lại năng lực của bản thân mà ông tạo dựng trước đây để đánh bại 'mức trung bình'. Ảnh: Zdnet.

Chuyên gia Salesforce đã bắt đầu với môn chạy marathon (đường trường) từ năm 6 tuổi. Thời gian rảnh, ông từng tham gia những cuộc chạy kéo dài nhiều ngày ở những địa hình hiểm trở nhất thế giới bao gồm sa mạc Sahara, sa mạc Gobi, Iceland, hẻm núi Grand Canyon, sa mạc Atacama và Nam Cực.

Ông thường xuyên lọt top 5 nhưng hiếm khi được đứng trên bục vinh quang. Năm 32 tuổi, ông đã tham gia vào một nhóm du lịch và chinh phục ngọn núi Kilimanjaro ở Châu Phi để gây quỹ cho một trường học tại địa phương. Nanka đã thách thức khái niệm “mức trung bình” bằng việc tham gia chạy back-to-back marathon (chạy liên tiếp nhiều ngày) ở Patagonia. Đó là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông. Nanka đã tìm ra cách để tái tạo lại năng lực của bản thân mà ông tạo dựng trước đây để tiếp tục đánh bại mức trung bình ở trong con người mình.

Naka đã phải bỏ cuộc giữa chừng khi chạy ở sa mạc Sahara với cái nóng lên đến 115 độ F (46 độ C). Đây cũng chính là bài học quan trọng của ông về những khó khăn không thể lường trước được trong cuộc sống ngay cả khi chính bản thân đã nỗ lực hết mình. Thông qua những cuộc đua, Nanka đã xác định lại giới hạn của mình về tất cả những gì bản thân có thể làm. Đây cũng chính là thời gian ông tham gia vào một nhóm chuyển đổi công nghiệp điện toán đám mây và tiên phong chuyển đổi số.

Với kinh nghiệm của mình, Colin Nanka đã chia sẻ 10 bài học ông rút ra từ bộ môn chạy đường trường vào chuyển đổi số.

1. Thất bại chính là cái giá phải trả để dẫn đến thành công

Nếu không nếm mùi vị của thất bại, bạn sẽ không bao giờ thúc đẩy được sự đổi mới ở trong con người mình. Thất bại hay những lỗi lầm bao giờ cũng là giáo viên tốt nhất. Các nhà lãnh đạo thành công hay các vận động viên đều phải học hỏi từ những thất bại và thua lỗ của chính họ, qua đó sẽ rút kinh nghiệm và cải thiện hơn. Đừng bao giờ yêu cầu cuộc sống phải dễ dàng hơn với bản thân mình mà hãy luôn yêu cầu chính mình phải mạnh mẽ hơn.

2. Đừng tập trung vào việc quản lý thời gian của bạn, tập trung vào việc quản lý năng lượng của bạn

Bạn có thời gian hạn chế hạn chế và nếu như bạn biết khi nào bản thân đang ở mức tốt nhất, bạn sẽ biết khi nào là thời điểm nên tăng tốc. Là lãnh đạo, quản lý năng lượng của toàn đội sẽ giúp tiến nhanh hơn là quản lý thời gian của mọi người.

3. Hãy biến các vấn đề trở thành cơ hội

Chiếc iPhone của tôi bị hỏng vào đêm trước ngày đầu tiên diễn ra cuộc chạy ở Nam Cực. Tôi đã phải nhanh chóng chấp nhận rằng tôi sẽ không có âm nhạc, audio book và những thứ sẽ làm tôi sao nhãng khác trong vòng 7 ngày. Vì thế tôi mới nhận ra rằng tôi đã tự thưởng cho bản thân một món quà, đó chính là có thể lắng nghe âm thanh tiếng nứt từ những tảng băng, món quà tuyệt vời nhất tôi từng có trong đời. Hãy học cách biến các vấn đề thành cơ hội. Những trở ngại bạn gặp phải chính là cơ hội để bạn có thời gian suy nghĩ lại và tiến về phía trước.

4. Hãy đặt bản thân vào tình thế khó khăn

Bạn sẽ học được nhiều nhất khi ở trong trạng thái lo lắng. Tôi đã đưa tâm trí và cơ thể của mình vào sự căng thẳng dữ dội ở độ cao lên tới 13.000 feet (khoảng 4.000m) của dãy núi Andes và khi tôi trở lại, tôi cảm thấy dường như mình có một khả năng thật lớn so với ban đầu. Làm việc trong trạng thái lo lắng sẽ cho bạn năng lực để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn nữa để phát triển sự nghiệp của mình.

5. Hãy luyện tập như một vận động viên marathon, nhưng áp dụng tư duy của một vận động viên chạy nước rút

Năm 2012, tôi đã hồi phục sau thất bại đầu tiên ở sa mạc Sahara và quyết định phục thù bằng cách hoàn thành một cuộc đua tương tự ở Mông Cổ, Trung Quốc. Tôi đã mất khoảng thời gian từ 9h sáng đến 6h sáng ngày hôm sau để hoàn thành dọc theo dãy núi Côn Lôn vào ngày chạy 50 dặm cuối cùng. Khi tôi lang thang vô định dưới những vì sao lúc 2 giờ sáng, tôi cảm thấy mình không thể đi xa hơn nữa. Tôi thấy vô cùng thất vọng và tức giận với bản thân. Nhưng đột nhiên, tôi lại cảm thấy tò mò. Tôi tự hỏi bản thân tôi đã có cơ hội học tập cái gì? Và sau đó tôi đã nhận ra rằng tôi cần phải lấy lại sự lạc quan và chia nhỏ những giờ cuối cùng thành 10 phút 1 giai đoạn. Chạy 5 phút, đi bộ 5 phút. Và điều đó đã giúp cho tôi kết thúc cuộc đua với một nụ cười trên môi. Vì thế hãy chia nhỏ các dự án lớn và đừng để bản thân bị choáng ngợp và nản chí trước toàn bộ dự án.

picture2-4762-1554266248.png

Hãy luyện tập như một vận động viên marathon, nhưng áp dụng tư duy của một vận động viên chạy nước rút. Ảnh: Zdnet.

6. Ngừng lại sự nghi ngờ bản thân bằng cách tập trung vào công việc trước mắt để thành công

Ở Iceland năm 2013, tôi bị thương ở mắt cá chân và tôi không chắc liệu mình có thể tham gia vào ngày đua cuối cùng hay không. Tôi chỉ có thể không ngừng lo lắng về mắt cá chân khi đi ngủ vào đêm đó. Rồi tôi đã quyết định sẽ bắt đầu cuộc đua và bước đi từng bước một và sẽ kết thúc cuộc đua với tâm trạng không hối tiếc. Tôi đã phải mất 17 giờ dưới cơn mưa to như trút nước và khi ấy tôi đã sử dụng một câu thần chú: 'Tôi mạnh mẽ, thư giãn và luôn biết ơn', có lẽ tôi đã nhắc đi nhắc lại câu thần chú đó đến 10.000 lần. Tôi đã tạo ra một niềm tin sâu sắc vào bản thân rằng tôi có thể chinh phục bất  trở ngại nào. Hãy học cách ưu tiên và tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng thì những điều khác sẽ trở nên dễ dàng hơn.

7. Áp dụng tư duy của người mới bắt đầu và hãy luôn thích nghi

Năm 2017 tôi có một cuộc chạy ở Patagonia. Đội tôi đã quen biết và có sự tin tưởng nhau qua những chặng đua trước, nhưng chúng tôi vẫn không biết rõ về vai trò của bản thân mình và điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi gặp trở ngại. Sau 3 trên 6 ngày diễn ra chặng đua, một trong những thành viên trong đội gần như kiệt sức. Khi bắt đầu ngày đua thứ 4, chúng tôi nhận ra rằng cần đặt lại mục tiêu, thiết lập lại nhiệm vụ và kế hoạch cho từng giai đoạn còn lại của chặng đua. Gặp trở ngại giữa chừng khi bắt tay vào làm một dự án luôn luôn là điều không thể nào tránh khỏi, nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải làm cách nào đó để sắp xếp lại mọi thứ nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.

8. Những giáo viên tốt nhất chính là những người chia sẻ kiến thức của họ

Để trở thành một 'lão làng' thì tôi cũng đã từng là lính mới. Tôi cố gắng chia sẻ nhiều nhất có thể kinh nghiệm của mình đối với những người bắt đầu cuộc đua đầu tiên và thông qua những cuộc trao đổi ấy, tôi thấy mình cũng hoàn thiện hơn. Cố vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho những người khác cũng là một cách giúp bạn phát triển trong khi tích lũy thêm kinh nghiệm cho tương lai.

9. Các bạn không phải là một nhóm nếu chỉ vì làm việc cùng nhau, mà chỉ khi quan tâm, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau

Tôi biết ơn vì đã có thể đi du lịch khắp thế giới và chạy trên mọi châu lục. Chỉ khi nào bạn cảm thấy biết ơn bạn sẽ giàu có. Bắt đầu ngày mới với những câu hỏi phù hợp sẽ đưa bạn đi đúng hướng. Tôi nên biết ơn điều gì hôm nay? Tôi đang phấn khích về điều gì? Tôi đang hạnh phúc về điều gì? Điều quan trọng là hãy biết bày tỏ lòng biết ơn đó đến các thành viên trong nhóm của bạn. Tôi luôn luôn đặt lịch để nhắc nhở bản thân mình vào mỗi thứ Sáu hàng tuần để viết lời cảm ơn đến ít nhất ba người trong nhóm và những đồng nghiệp khác làm việc cùng tôi. Lòng biết ơn là nhân tố quan trọng để đưa bạn đến với thành công.

10. Để đạt được những mục tiêu lớn hơn, hãy vươn xa hơn

Tôi đã mất 10 năm để đặt mình vào vị trí này và cống hiến trong vòng một năm để biến nó thành hiện thực. Những gì chúng tôi đã làm là một hành trình vô cùng đẹp đẽ nói về cách "đánh bại mức trung bình". Đề ra mục tiêu lớn cho bản thân và nhóm của bạn và ước mơ lớn. Hãy kiên nhẫn và thử sức mình với những thử thách để nhận ra tiềm năng của bạn.

Bất kỳ một dự án chuyển đổi số lớn và táo bạo nào là cả một cuộc hành trình. Sẽ có những ngày đầy cảm hứng và những ngày khiến bạn tự hỏi tại sao bạn lại bắt đầu. Có một sức khỏe và tinh thần tốt là rất quan trọng để phát triển tư duy của một chiến binh vì thế hãy ngủ ngon và nghỉ ngơi thường xuyên để nạp năng lượng và phục hồi. Các vận động viên Olympic chạy nước rút trung bình trong 6-8 tuần và nghỉ cả tuần để hồi sức. Hãy chấp nhận những trở ngại nằm ở phía trước, trong khi đó chia nhỏ công việc trong giai đoạn nước rút, hãy hướng đến tầm nhìn của bạn và vượt qua cuộc đua marathon cũng như hàng núi công việc trước mắt.

>> Deloitte: 'Doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số tăng gấp đôi'

Hà An

Ý kiến

()