Chúng ta

Chủ tịch FPT: Người Việt mỗi ngày ‘lướt net’ 5,5 giờ, gấp 3 lần ASEAN

Thứ ba, 15/3/2016 | 10:05 GMT+7

“Thanh niên Việt Nam trung bình dành mỗi ngày 5,5 giờ để 'lướt' mạng, gấp 3 lần các nước trong khu vực ASEAN. Con số này cho thấy tiềm năng phát triển công nghệ số, công nghệ ứng dụng gia tăng trên Internet ở Việt Nam là rất lớn”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhận định.

Hội thảo công bố Báo cáo phát triển thế giới 2016 với chủ đề “Lợi ích số” do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức chiều ngày 14/3 tại Hà Nội. Đồng chủ tọa hội thảo gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; bà Victoria Kwakwa, Giám đốc World Bank Việt Nam; Vụ Phó CNTT - Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Tuyên; Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Lê Invest Lê Quốc Vinh; Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình và hai tác giả chính của báo cáo là Deepak Mishra và Uwe Deichmann.

Theo báo cáo “Lợi ích số” của World Bank, thế giới vẫn tồn tại khoảng cách lớn về công nghệ số, thể hiện qua những con số như: 6 tỷ người không sử dụng băng thông rộng; 4 tỷ người không có Internet; 2 tỷ người không có điện thoại di động; 400 triệu người không nằm trong vùng phủ sóng.

Ngân hàng Thế giới cho rằng, ưu tiên cấp bách hiện nay là phổ cập Internet và giữ chi phí sử dụng ở mức vừa phải. World Bank dẫn chứng, giá thành công nghệ đã hạ nhưng chi phí người dùng vẫn rất khác nhau. Trong năm 2013, giá dịch vụ điện thoại di động tại đất nước đắt nhất cao gấp 50 lần nước rẻ nhất. Phí băng thông rộng cũng chênh lệch 100 lần. Lý do chính ở đây là thất bại chính sách, ví dụ tư nhân hóa không thành công, đánh thuế quá cao, kiểm soát độc quyền các cổng quốc tế…

37cdf-fullsizerender-3-8053-1458009239.j

Các đồng chủ tọa hội thảo do Ngân hàng thế giới tổ chức chiều 14/3, tại Hà Nội. Ảnh: VGP.

Chia sẻ tại hội thảo, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình dẫn lại câu chuyện thực tế về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh taxi kiểu Uber, cũng như cuộc tranh luận về việc nên ủng hộ hay cấm taxi theo mô hình kinh tế chia sẻ trước nguy cơ có thể “xóa xổ” taxi truyền thống, nhằm minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ số đang làm thay đổi mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo anh Bình, đây là câu chuyện chung của bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn chuyển tiếp khi CNTT bùng nổ.

“Cốt lõi là phải ‘đẩy’ các doanh nghiệp đi nhanh hơn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh để có thể cạnh tranh được trên thị trường”, anh Bình cho biết và nhấn mạnh, trong bối cảnh CNTT phát triển không phải chuyện lo doanh nghiệp truyền thống “chết” trước bão đổ bộ của các doanh nghiệp mới ứng dụng công nghệ. “Một dịch vụ tốt cho người dùng, mức phí rẻ hơn, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực xã hội, tại sao lại phản đối? Thay vì vậy, chúng ta phải tạo điều kiện để cho dịch vụ kiểu Uber phát triển hơn nữa”.

Trước thông tin mà báo cáo của World Bank chỉ ra, môi trường kinh doanh tại một nước sẽ định hình cách thức doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng công nghệ, Chủ tịch FPT hiến kế: “Trong tương lai, tôi đề xuất Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lập ra các quỹ startup ở Việt Nam để hỗ trợ các bạn trẻ có ý tưởng sáng tạo. Hoặc cho phép thành lập các công ty trong thời gian nhanh chỉ trong một buổi sáng hoặc trị giá 1 USD”.

Dẫn chứng về đề xuất này, anh Bình cho biết hiện ở Việt Nam có khoảng nửa triệu người làm việc trong lĩnh vực phần mềm. Việt Nam đã vượt lên cường quốc công nghệ thông tin là Ấn Độ để trở thành nước lớn thứ hai xây dựng phần mềm cho Nhật Bản. “Thanh niên Việt Nam ở độ tuổi từ 18 đến 35 hầu hết đều sử dụng smartphone và dành thời gian truy cập Internet nhiều gấp 3 lần so với các nước trong ASEAN. Nhiều bạn trẻ Việt Nam có tài và khá nổi tiếng trong làng CNTT thế giới như Hà Đông, tác giả của Flappy Bird từng làm mưa làm gió trên mạng có thu nhập 50.000 USD/ngày, hay chủ nhân của ứng dụng Money Lover đang có 2 triệu người sử dụng”.

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch FPT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, CNTT đang tạo ra bộ mặt mới cho phát triển đất nước, góp phần nâng cao năng suất lao động, giúp người nghèo hoà nhập với sự phát triển chung của nhân loại. Nhưng giống như bất kỳ lĩnh vực nào, công nghệ số cũng có mặt trái của nó. “Mặt trái của công nghệ số không phải do bản thân công nghệ tạo nên mà do người sử dụng công nghệ. Không vì mặt trái đó mà chúng ta kìm hãm không cho công nghệ số phát triển. Chính phủ Việt Nam luôn ý thức và chú trọng phát triển mạnh mẽ công nghệ số”, ông Đam khẳng định.

DDN-8726-4154-1458009239.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ câu chuyện về những thay đổi mà công nghệ mang lại. Ảnh: VGP.

Là nhân chứng đã chứng kiến và sống trong những ngày đầu đưa công nghệ số vào Việt Nam từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại kỷ niệm: “Khi đó, tập đoàn của anh Trương Gia Bình (Tập đoàn FPT hiện nay) còn có tên là Công ty kỹ thuật thực phẩm. Và tôi là một trong những người hiếm hoi có máy tính cá nhân PC (cả nước lúc đó chính thức chỉ có 3 cá nhân được sử dụng PC). Tôi đã được trực tiếp tham gia quá trình lắp đặt tổng đài kỹ thuật số tại Việt Nam dùng để đánh telex. Và tôi cũng chứng kiến khi đưa Internet vào Việt Nam đã có cuộc đấu tranh, tranh luận giữa hai quan điểm "chỉ cho phát triển Internet khi kiểm soát được nó" và "cứ cho phát triển rồi cố gắng nỗ lực nâng cao kiểm soát quản lý để ngăn chặn những điều có hại". Và rồi nhờ quan điểm mạnh dạn đi thẳng vào kỹ thuật số, tận dụng những thế mạnh kỹ thuật số mang lại nên mới có được ngày hôm nay”.

“Kể nhiều câu chuyện của quá khứ nhưng không phải để "ôn nghèo kể khổ", mà để thấy ngay cả lúc khó khăn nhất Chính phủ Việt Nam vẫn nhìn về phía trước, ủng hộ công nghệ mới”, Phó Thủ tướng chia sẻ. “Cũng cần dành sự trân trọng, ngưỡng mộ những người sáng tạo công nghệ và mang đến với cộng đồng. Không có lý gì vì mặt trái của công nghệ số mà kìm hãm sự phát triển của nó. Quản lý CNTT ở Việt Nam phải theo triết lý 'chuyển động, thích ứng'”.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng cho rằng Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện để công nghệ tới gần hơn với người dân. Ngược lại, mỗi người dân dù đang làm gì cũng phải ý thức được nó là công cụ kỳ diệu mở ra cơ hội cho mình. Trước những mặt trái của việc sử dụng công nghệ, phải có thói quen và ý thức sử dụng để bảo vệ mình và cộng đồng.

>> Startup do FPT đầu tư chiến thắng giải SXSWedu

Nguyên Văn

Ý kiến

()