Viecnha.vn do FPT Telecom phát triển, là nền tảng đầu tiên trong lĩnh vực kết nối các cá nhân, hộ gia đình tìm kiếm dịch vụ với chất lượng đảm bảo, ra mắt vào ngày 22/1, đáp ứng được nhu cầu của rất nhiều gia đình trẻ, đối tượng khách hàng chính mà ứng dụng này nhắm đến.
Tiến độ dự án gấp nên việc làm cuối tuần hay đêm trở nên quen thuộc với các lập trình viên FPT Telecom. |
“Uber giúp việc nhà” được quan tâm và đón nhận nồng nhiệt từ giới truyền thông và công chúng chỉ sau khoảng thời gian ngắn ra mắt. Nhưng ít ai biết, đằng sau dự án ấy là tâm huyết của một đội phát triển còn rất trẻ về tuổi đời và tuổi nghề. Những thành viên trong nhóm có trên 70% là những sinh viên vừa mới ra trường và còn non kinh nghiệm. Nhưng với sự dẫn dắt của 30% còn lại, tất cả đã tạo nên một đội hình “trong mơ” hoàn thành xuất sắc ứng dụng công nghệ hữu ích viecnha.vn.
“Đó là những ngày khó quên đối với chúng tôi”, anh Nguyễn Ngọc Đỉnh, quản lý nhóm phát triển dự án, mở đầu buổi trò chuyện. “Vào thời gian ấy, khối lượng công việc mà chúng tôi phải đối diện hàng giờ, hàng phút là rất lớn. Có những đêm tòa nhà Tân Thuận đã chìm trong im lặng, chỉ có mỗi phòng RAD là vẫn còn ánh đèn. Lúc đó, thứ duy nhất hiện hữu trong đầu của anh em là sản phẩm, ngoài ra không còn gì khác. Chính điều đó đã giúp chúng tôi trụ vững trong hơn 1 tháng liền làm việc không kể ngày đêm”.
Tám con người lúc ấy phải luôn giữ cái đầu lạnh trong một tình thế vô cùng nóng, với những áp lực luôn bủa vây, bởi đây là mô hình còn mới ở nước ta. Tại thời điềm ứng dụng “Uber giúp việc nhà” đang được phát triển, chưa có một công ty Việt Nam nào tham gia vào lĩnh vực này. Đây vừa là lợi thế, cũng vừa là áp lực đối với nhóm. Họ phải làm sao để sản phẩm đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng, và làm sao để theo kịp công nghệ tiên tiến của các nước khác khi ứng dụng này đã phổ biến từ rất lâu trên thế giới.
Chung tay giải các 'bài toán khó'. |
Scrum là mô hình được lựa chọn để phát triển ứng dụng Viecnha.vn. Việc chuyển đổi mô hình “thác nước” sang một mô hình mới đòi hỏi tất cả thành viên tham gia dự án đều phải chủ động và đóng góp ý kiến liên tục. Kế hoạch công việc được lên tiến độ rõ ràng, chi tiết. Mỗi tuần cả nhóm có một buổi họp diễn ra trong 2 giờ. Có khi những buổi họp diễn ra với tần suất hằng ngày bên những tách cà phê uống vội vào những lúc giải lao hiếm hoi. Nội dung của những cuộc họp ấy luôn xoay quanh ba câu hỏi: Trong tuần qua/ngày qua đã làm được những gì, có những khó khăn gì và tuần tiếp theo/ngày mai sẽ làm gì? Dù là chóng vánh hay trong nhiều giờ, những cuộc họp cũng giúp mọi người nắm rõ tiến độ dự án và có sự góp ý để sản phẩm được đồng bộ và tốt hơn.
Ưu điểm khi phát triển theo mô hình Scrum là mọi thành viên đều có thể góp ý cho dự án. Scrum luôn cho phép sự thay đổi. Tôn trọng ý kiến của cá nhân trong tập thể là quan điểm được nhóm đưa ra từ những ngày đầu. “Chỉ cần bạn bảo vệ được quan điểm của mình, và nó phù hợp với sản phẩm, đó là điều chúng tôi luôn đề cao trong quá trình làm việc”, anh Đỉnh nhấn mạnh.
Thuận lợi của nhóm là nhiều thành viên có chuyên môn trong lập trình di động. Những thành viên thuộc nhóm 30% đều là những người già dặn trong phát triển phần mềm và ứng dụng, đặc biệt ở mảng thiết bị di động. Ngoài ra, đây là một sản phẩm thú vị, bản thân những người phát triển cũng đặc biệt hứng thú và bị cuốn vào nó. Các lập trình viên mới được tuyển luôn làm việc với tinh thần hăng say, tập trung cao độ vì đây là sản phẩm có thể xem là mang tính quyết định tương lai của các bạn tại RAD.
Các thành viên cùng đi ăn tối vào lúc 22h ngày 21/1 - đêm trước khi ra mắt - sau khi xem xét lại các phần việc. |
Tuy nhiên, đây cũng chính là khó khăn không nhỏ trong việc phát triển dự án. Vì các thành viên chưa có nhiều kinh nghiệm, đây lại là một dự án lớn có tính chất bước ngoặt đối với FPT Telecom nói riêng và tập đoàn FPT nói chung. Các thành viên phải vừa được đào tạo kỹ năng song song với thực hiện dự án. Họ phải làm việc với hơn 100% sức của mình.
Lai Trí Dũng, một “lính mới”, tâm sự: “Trong tôi có hai cung bậc cảm xúc khi thực hiện dự án, vừa vui sướng và vừa hồi hộp. Đôi khi tay tôi muốn run lên khi nghĩ đến “Uber giúp việc nhà”. Nhưng điều quan trọng là tôi phải vượt qua hai thứ cảm xúc trộn lẫn đó để hoàn thành tốt nhất công việc của mình”.
Khi sản phẩm ra mắt, cả nhóm mừng đến phát khóc. Mọi người đều sung sướng khi thành quả sau một tháng rưỡi đã hoàn thành và hồi hộp chờ đợi các luồng ý kiến của khách hàng và dư luận. Giây phút những phản hồi đầu tiên được gửi về, cả nhóm muốn rụng tim vì lo lắng. Tất cả thành viên cùng nhau bàn bạc và lên ý tưởng cho những thay đổi với phiên bản mới từ chính những phản hồi nhận được.
“Tất nhiên là có những phản hồi tốt và không tốt. Cho dù có thế nào thì khi nhận được càng nhiều phản hồi cũng chứng tỏ sản phẩm của bạn đang được quan tâm”, anh Trần Đức Linh Vũ, trưởng nhóm phát triển kỹ thuật ứng dụng “Uber giúp việc nhà”, chia sẻ. Anh Vũ cho biết thêm, nhờ những phản hồi này mà anh và đồng đội có cơ hội để phát triển ứng dụng ngày một tốt hơn. “Không có một sản phẩm nào là hoàn hảo khi mới ra đời, quan trọng là phải luôn theo dõi và thay đổi để hoàn thiện từng ngày”, anh Nguyễn Ngọc Đỉnh quả quyết.
Sau khi ra mắt thành công, tối 22/1, nhóm phát triển dự án được TGĐ FPT Telecom chiêu đãi. Ảnh: Anh Lê Trọng Đức (ngoài cùng bên phải) và Trưởng ban RAD Dương Ngọc Long Nam (cạnh anh Đức). |
Theo anh Dương Ngọc Long Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, đây là một trong những dự án được triển khai nhanh nhất từ trước đến giờ của RAD. “Các bạn trong nhóm phát triển làm việc rất máu lửa, không biết mệt mỏi, gần như không có ngày nghỉ. Họ làm việc thâu đêm suốt sáng, ngay cả những ngày thứ bảy và chủ nhật”, anh Nam kể về cấp dưới của mình.
Sau khi “Uber giúp việc nhà” ra mắt, những thành viên này vẫn tiếp tục làm việc, triển khai những phiên bản mới của ứng dụng. Viecnha.vn đã ra mắt phiên bản 2.0 vào ngày 21/4 vừa qua, và sắp tới phiên bản 3.0 dự kiến sẽ ra mắt ngày 29/5. Anh Nam cho biết, sau dự án, các lập trình viên mới đã trưởng thành lên rất nhiều, họ hoàn toàn có khả năng đảm nhận những dự án lớn khác. “Thành công của “Uber giúp việc nhà” là nhờ vào nhiệt huyết và sự chịu khó của các bạn trong đội phát triển. Bên cạnh đó, sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều đơn vị khác nhau và đặc biệt là của các cấp lãnh đạo đã tạo nên một ứng dụng có tính đại chúng và hữu ích như thế”, anh Lê Trọng Đức, Trưởng ban Dự án, FPT Telecom, chia sẻ.
Sản phẩm đã mở ra một hướng đi mới với FPT Telecom, xây dựng thương hiệu FPT trên thương trường Internet, đặc biệt là trong lĩnh vực Sharing Economy - nền kinh tế chia sẻ. Mong ước của nhóm phát triển là dự án này sẽ thành công không chỉ tại hai thành phố lớn nhất đất nước là Hà Nội và TP HCM, mà “Uber giúp việc nhà” sẽ có độ phủ sóng trên diện rộng khắp Việt Nam.
Yến Nhi
Ý kiến
()