Chúng ta

Chị Chu Thanh Hà: ‘Để nhận lương mong muốn, các kỹ sư phải trở thành chuyên gia’

Thứ tư, 7/7/2021 | 11:23 GMT+7

Chủ tịch FPT Software khẳng định, trong nhóm nhận lương cao ở nhà Phần mềm, rất nhiều người đi lên từ vị trí lập trình viên (developer), kiểm thử phần mềm (tester) và gắn bó với tổ chức trong thời gian dài.

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành công nghệ nói chung vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Nhu cầu tuyển dụng tại một số công ty công nghệ lớn thậm chí cao gấp đôi năm trước. Chia sẻ trong CTO Talks ngày 6/7 với chủ đề "Kỹ sư IT và mục tiêu lương tháng trăm triệu" do VnExpress tổ chức, từ góc nhìn của đơn vị hỗ trợ tuyển dụng, ông Trần Trung Hiếu, Founder & CEO của TopCV Việt Nam, cho rằng việc các doanh nghiệp cạnh tranh nhân lực IT bằng lương dẫn đến thị trường tuyển dụng bị vênh.

"Mức lương kỹ sư IT Việt Nam cao hơn nhiều so với năng lực thực sự dẫn đến hai ảnh hưởng tiêu cực. Về phía doanh nghiệp, những công ty khởi nghiệp hoặc tổ chức nhỏ không thể đủ năng lực tài chính để tuyển dụng người giỏi. Về phía kỹ sư IT, họ có thể bị "ảo tưởng giá trị". Họ nghĩ mình giỏi, phải nhận được mức lương cao hơn. Từ đó, đẩy mặt bằng chung của thị trường lên cao, dẫn đến tiêu cực chung cho toàn ngành", ông Hiếu phân tích.

Đồng quan điểm, Chủ tịch FPT Software Chu Thanh Hà cho rằng yếu tố "ảo" trên thị trường IT được hình thành do mối quan hệ cung cầu chưa đủ chín muồi. "Ở những tổ chức lớn với quy mô nhân sự lớn trải dài trên nhiều quốc gia như FPT Software, chúng tôi phải liên tục phân tích mức chênh lệch này bằng dữ liệu riêng và thông tin từ những nhà phân tích thị trường lớn. Từ đó, chúng tôi xây dựng mức lương đề xuất và duy trì mức độ hấp dẫn, cạnh tranh trên thị trường", chị Hà chia sẻ.

chu-thanh-ha-fpt-jpeg-5848-1625631681.jp

Chị Chu Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software, là diễn giả trực tuyến tại CTO Talks ngày 6/7.

Dẫn thống kê về thị trường IT Việt Nam cho thấy nhu cầu về nguồn nhân lực tăng đều khoảng 30% mỗi năm, trong khi khả năng đào tạo chỉ tăng 13%, Tổng giám đốc NashTech Việt Nam Nguyễn Hùng Cường lý giải tình trạng thiếu hụt nhân lực cộng dồn lên mỗi năm khiến chênh lệch cung cầu ngày càng lớn.

“Mỗi năm cả nước có khoảng 50.000 kỹ sư IT tốt nghiệp, nhưng chỉ khoảng 30% có thể đi làm ngay. Các công ty thay vì đào tạo nguồn nhân sự, phải đi "mua lại" kỹ sư của bên khác với mức lương cao hơn”, ông nói.

Chia sẻ về câu chuyện mức tháng lương trăm triệu đồng, các lãnh đạo công nghệ cho rằng ngày càng nhiều kỹ sư IT Việt Nam tiếp cận được con số này. "Ở FPT Software, chúng tôi có khoảng 300 bạn đạt mức thu nhập này, trong đó hơn 40% là các vị trí phụ trách công nghệ. Rất nhiều người trong đó đi lên từ vị trí developer, tester và gắn bó với tổ chức trong thời gian dài", chị Chu Thanh Hà chia sẻ.

Theo chị Hà, để đạt được mức lương mong muốn, các kỹ sư IT phải trở thành "chuyên gia" trong lĩnh vực của mình. Bắt đầu bằng kiến thức nền tảng vững chắc, tỉ mỉ, chau chuốt trong từng công việc. Sau đó là nỗ lực phát triển không chỉ kiến thức chuyên môn, mà còn sẵn sàng chấp nhận thử thách mới, lăn xả, đam mê trong công việc.

"Đừng ảo tưởng. Hãy nỗ lực học tập không ngừng rồi bạn sẽ thu về được những giá trị xứng đáng", Chủ tịch FPT Software nhắn nhủ.

CTO-Talks-13-2312-1625582654-5792-162563

CTO Talks phiên 13 từ 14h30 ngày 6/7. Các diễn giả tham gia chương trình gồm chị Chu Thanh Hà - Chủ tịch FPT Software; ông Nguyễn Hùng Cường - Tổng giám đốc NashTech Việt Nam; ông Trần Trung Hiếu - Founder & CEO TopCV Vietnam và ông Nguyễn Hoàng Bảo Đại - Google Developer Expert lĩnh vực Machine Learning.

Với hơn 25 năm kinh nghiệm và từng trải qua nhiều vị trí quan trọng tại các tổ chức lớn trong và ngoài nước, ông Nguyễn Hùng Cường cho rằng để đạt được mức lương mong muốn, kỹ sư IT cần phải kiên nhẫn, biết thời điểm nào mình cần cái gì nhất.

"Có thể nhảy việc sẽ giúp mức lương của bạn cao hơn, nhưng bạn nên nhìn về tương lai dài. Tôi đã gặp nhiều người quyết định chuyển việc vì nhận được mức lương đề nghị hơn mong muốn. Nhưng vài năm sau gặp lại, họ vẫn giậm chân tại chỗ với mức lương thấp hơn người ở lại tổ chức cũ, vị trí cũng thấp hơn", Tổng giám đốc của NashTech Việt Nam chia sẻ.

Các lãnh đạo công nghệ cho rằng nhảy việc có thể giúp kỹ sư IT có thể tăng lương trong ngắn hạn, nhưng chưa chắc đã giúp về đích trong dài hạn. "Nhảy việc không phải không tốt, nhưng nhảy việc vì lương là sai lầm", ông Cường nhận định.

Để tiến xa hơn trong ngành IT và đạt đến mức lương chín chữ số, kỹ sư IT cần xác định cho mình lộ trình sự nghiệp dài hạn. Ngoài việc không ngừng cập nhập kiến thức chuyên ngành, kỹ sư IT còn phải phát triển ngoại ngữ, kỹ năng mềm, sẵn sàng tâm thế cho những thay đổi và hội nhập quốc tế.

>> Chuyện những người xây ‘hồ dữ liệu’ của FPT

VnExpress

Ý kiến

()