Chúng ta

CEO Lê Hồng Việt: ‘AI tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành ngân hàng’

Thứ sáu, 26/11/2021 | 17:49 GMT+7

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là công nghệ tạo sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh, giúp ngành ngân hàng tiếp cận và chinh phục khách hàng trong kỷ nguyên số 4.0”, CEO FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến "Ngân hàng tích hợp AI: Xu thế của tương lai" được tổ chức bởi FPT Smart Cloud và Microsoft ngày 26/11.

a-nh-ho-i-tha-o-2-1637923327-5320-163792

Hội thảo có sự tham gia của anh Lê Hồng Việt (Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud), ông Kiên Nguyễn (Giám đốc Phát triển Đối tác và Kinh doanh, Microsoft), ông Karthikeyan Rajasekharan (Giám đốc Cấp cao về Data Analytics and Artificial Intelligence APAC, Microsoft) và ông Tống Văn Tiến (Giám đốc Đổi mới số TPBank).

Ngành tài chính - ngân hàng đang trải qua những thay đổi lớn bởi sức ép cạnh tranh từ các mô hình tài chính mới như Fintech, hay xu thế ngân hàng di dộng, và cả từ sự gia tăng của các rủi ro an ninh mạng, kỳ vọng của khách hàng và áp lực nâng cao hiệu quả vận hành.

Được đánh giá là một trong những yếu tố sẽ làm thay đổi sâu sắc bộ mặt ngành, Trí tuệ nhân tạo (AI) với những bước tiến mạnh mẽ được kỳ vọng giúp Ngân hàng nâng cao năng lực hoạt động, khai thác lượng dữ liệu khổng lồ, giảm thiểu rủi ro và tự động hóa các tác vụ thông thường.

Tại sự kiện "Ngân hàng tích hợp AI: Xu thế của tương lai" được tổ chức bởi FPT Smart Cloud, đơn vị cung cấp nền tảng FPT.AI và Microsoft diễn ra ngày 26/11, ông Karthikeyan Rajasekharan - Giám đốc cấp cao về Phân tích dữ liệu & Trí tuệ Nhân tạo, APAC, Microsoft - đã khẳng định tầm quan trọng và vị thế chủ đạo của công nghệ Trí tuệ nhân tạo đối với ngành tài chính ngân hàng thế giới.

Theo ông Karthikeyan, sự thay đổi của thị trường là rất nhanh chóng, cùng với việc kỳ vọng của khách hàng về trải nghiệm, tốc độ phục vụ và tương tác ngày càng tăng đã đặt áp lực lên các Ngân hàng và công ty tài chính. Trong bối cảnh đó, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một chiến lược có thể thay đổi cục diện ngành Ngân hàng, nhất là ở những khía cạnh liên quan đến tương tác với khách hàng, quản trị rủi ro. Tiềm năng ứng dụng của AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có thể lên tới 1,3 nghìn tỷ USD, với tốc độ ứng dụng ngày càng tăng.

Đại diện Microsoft cũng nhận định, trong tương lai 10 năm nữa, các công ty sẽ không còn lấy nền tảng là công nghệ nữa, mà thay vào đó là lấy nền tảng là trí tuệ nhân tạo.

Cũng tại sự kiện, anh Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty FPT Smart Cloud - đã chia sẻ về những khác biệt mà AI đã và đang đem lại cho khách hàng và các nhân viên ngân hàng trong thời đại số. Theo anh, khách hàng được phục vụ tức thì với trải nghiệm liền mạch và cá nhân hóa bởi các Trợ lý Ảo Tổng đài, giao dịch nhanh chóng dựa trên công nghệ sinh trắc học (nhận diện khuôn mặt, giọng nói).

Trong khi đó, các nhân viên ngân hàng sẽ được giải phóng bởi các tác vụ lặp thường ngày, tập trung chuyên môn vào các nhiệm vụ quan trọng và phức tạp hơn. Đối với quy trình vận hành của ngân hàng, AI “gánh vác” giúp nhân viên ngân hàng nhiệm vụ lưu trữ, trích xuất và quản lý dữ liệu, đồng thời xây dựng các trợ lý ảo hỗ trợ chia sẻ thông tin nội bộ như IT helpdesk, đào tạo....

Theo CEO Lê Hồng Việt, FPT.AI với vai trò là đơn vị đi đầu trong các giải pháp ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo đã xây dựng thành công các hệ thống tích hợp AI cho hơn 80 doanh nghiệp lớn, trong đó có các Ngân hàng hàng đầu như TPBank, SeaBank cùng các công ty tài chính lớn như Home Credit, FECredit. Hệ thống tổng đài thông minh tích hợp Trợ lý ảo FPT.AI đã phục vụ hàng chục triệu người dùng cuối mỗi năm, giải quyết thành công hơn 90% số yêu cầu từ khách hàng.

Tổng giám đốc FPT Smart Cloud khẳng định, chiến lược AI hiệu quả khi được bắt đầu sớm và bài bản, và sau đó, doanh nghiệp và khách hàng sẽ sớm được hưởng lợi ích từ tiềm năng vô cùng lớn của trí tuệ nhân tạo.

ne-n-ta-ng-ai-conversation-cha-2835-1706

FPT.AI là đơn vị cung ứng các giải pháp AI toàn diện hàng đầu tại Việt Nam nhận định, AI hỗ trợ đắc lực các ngân hàng đánh giá rủi ro, phát hiện, ngăn ngừa gian lận thanh toán và kiểm tra các quy định nhận biết khách hàng thông qua công nghệ sinh trắc học.

Hội thảo có sự tham gia của ông Tống Văn Tiến - Giám đốc Đổi mới số TPBank. Chia sẻ tại sự kiện, đại diện TPBank cho rằng tương lai của trí tuệ nhân tạo, máy học sẽ thay đổi cách ngân hàng tạo ra sản phẩm và quyết định cho vay, cũng như ngăn chặn từ sớm các rủi ro gian lận, gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng. Để AI làm việc hiệu quả đòi hỏi phải có một kho dữ liệu đủ lớn, chính xác, đồng nghĩa với việc ngân hàng phải chuyển đổi số đồng bộ từ trong ra ngoài, đảm bảo kết nối và liên thông, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn không ngừng được làm giàu từ mọi mặt hoạt động của ngân hàng.

"TPBank theo đuổi chiến lược số hóa từ sớm, có sự đầu tư công nghệ bài bản với trên 80% ứng dụng công nghệ mới sử dụng AI, giúp TPBank thay đổi toàn diện sản phẩm và trải nghiệm người dùng. TPBank đã áp dụng AI thành công trong các sản phẩm dịch vụ khách hàng vượt trội trên tất cả các kênh, trong vận hành nội bộ, phân tích dữ liệu lớn để gia tăng trải nghiệm khách hàng, sáng tạo ra các mô hình kinh doanh mới", Giám đốc Đổi mới số TPBank cho hay.

Với mục tiêu khai thác AI như công nghệ mũi nhọn, nền tảng cho các sáng tạo đột phá, TPBank đã đầu tư lớn cho triển khai AI trong các năm qua, sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác AI kết hợp với tự động hóa và cá nhân hóa. Năm 2022 được xác định là năm bản lề, ứng dụng AI một cách toàn diện trên toàn hàng, nhằm mục tiêu phát triển kinh doanh trên nền tảng số, gia tăng sức mạnh cạnh tranh của TPBank.

Trong phần thảo luận, các chuyên gia công nghệ hàng đầu từ FPT và Microsoft đều có chung nhận định, AI đang ngày càng trở nên phổ biến và có tiềm năng không giới hạn trong nhiều lĩnh vực, nhưng tài chính - ngân hàng là một trong những ngành nghề có tốc độ ứng dụng AI lớn nhất hiện nay. Trong bối cảnh đó, FPT.AI đã kết hợp cùng Microsoft đem lại giải pháp triển khai AI trên nền tảng điện toán đám mây, giúp các Ngân hàng bắt đầu hành trình ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo một cách hiệu quả, toàn diện và linh hoạt.

Ý kiến

()