Chúng ta

5G sẽ đạt 1,7 tỷ lượt kết nối vào năm 2023

Thứ sáu, 21/8/2020 | 10:01 GMT+7

Theo hãng nghiên cứu Counterpoint, mạng 5G sẽ chạm mốc 1,7 tỷ lượt kết nối trong 5 năm tới (tính từ năm 2019) với tỷ lệ xâm nhập thị trường sẽ đạt hơn 50% tại Mỹ, Canada và gần 26% ở châu Âu.

Kể từ khi dịch vụ mạng di động 5G ra mắt công chúng từ tháng 4/2019, nhiều hãng viễn thông đi đầu ở các thị trường tiên tiến đã mạnh dạn phủ rộng hệ thống 5G tại nhiều quốc gia phát triển. Tính đến giữa tháng 7, có hơn 90 mạng lưới thương mại 5G đang hoạt động trên khắp thế giới, tập trung phần lớn ở các nơi như châu Âu, châu Đại Dương, vùng Trung Đông và Bắc Mỹ.

Dù 5G vẫn còn "e dè" trước độ phủ của mạng 4G LTE, các chuyên gia công nghệ vẫn nhận định tiềm năng của mạng di động thế hệ thứ 5 sẽ còn vươn xa và trở thành bước đệm cần thiết để các mô hình công nghệ hiện đại như AI, IoT, Automation (tự hành) tăng sức bật trên thị trường.

18-5G-1-9694-1597971212.jpg

Nhằm hiện thực hóa tham vọng dẫn đầu cuộc đua thương mại hóa mạng 5G, các tên tuổi “đình đám” trong lĩnh vực viễn thông châu Âu như Vodafone, Telia, Swisscom,... đã triển khai giai đoạn đầu tiên của kế hoạch đưa mạng 5G đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Unplash

Theo Counterpoint, mạng 5G sẽ chạm mốc 1,7 tỷ lượt kết nối trong 5 năm tới (tính từ năm 2019) với tỷ lệ xâm nhập thị trường sẽ đạt hơn 50% tại Mỹ, Canada và gần 26% ở châu Âu. Về phía châu Á, Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 đất nước dẫn đầu về số lượng thuê bao 5G với ghi nhận lần lượt là 30 triệu và 6,8 triệu kết nối.

Tại Ấn Độ, tuy là quốc gia sở hữu thị trường smartphone xếp thứ 2 thế giới, các động thái tiếp cận 5G được đánh giá ít sôi động hơn so với những nơi khác. Giải thích về điều này, người đại diện Reliance Jio - hãng viễn thông hàng đầu Ấn Độ, cho biết họ vẫn đang trên hành trình mở rộng thuê bao 4G và khẳng định sẽ hiện thực hóa tham vọng dẫn đầu ngành dịch vụ 5G trong tương lai gần.

Trên bảng xếp hạng doanh nghiệp có số lượng hợp đồng thương mại 5G nhiều nhất thế giới, Ericsson hiện đang giữ top 1 với 100 bản ký kết, xếp sau là 2 nhà mạng Trung Quốc - Huawei, ZTE và cuối cùng là hãng di động Phần Lan Nokia. Riêng Samsung được đánh giá là nhà cung cấp thiết bị viễn thông bậc nhất ở Bắc Mỹ và Hàn Quốc.

Mặc dù không có trong danh sách trên, tập đoàn dịch vụ viễn thông Qualcomm cũng vừa “đánh dấu” tên tuổi trên cuộc đua giành thị phần 5G khi hãng công bố kết quả thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G trên băng tần thấp (ở mức 700MHz). Theo hãng tin TheRegister, việc thực hiện được cuộc gọi trên dải tần này là một bước tiến quan trọng trong việc thương mại hóa 5G đối với Qualcomm khi hầu hết mạng 5G trước đây chỉ mới được chạy thử với dải tần trung và cao (trên 1Ghz hay mmWave).

Theo lý thuyết, băng thấp sẽ làm giảm tốc độ truyền tải dữ liệu nhưng thay vào đó là độ phủ sẽ tăng cao, giúp nhà mạng đưa 5G đến vùng sâu vùng xa, phù hợp với khu vực thưa dân cư. Đồng nghĩa rằng hãng viễn thông của Mỹ sẽ có lợi thế để phát triển mạng lưới 5G, đặc biệt là tại thị trường rộng như Trung Quốc.

18-Counterpoint-2-JPG-4856-1597971212.jp

Ngoài ra, sự tăng trưởng của mạng lưới truy cập vô tuyến cố định truyền tải qua 5G (5G FWA) cũng góp phần làm tăng tỷ trọng kết nối vào mạng di động thế hệ thứ 5, hãng Counterpoint nhấn mạnh.

Có thể hiểu, 5G FWA là kết nối nhằm giúp khách hàng truy cập băng rộng thông qua mạng 5G, giúp tối đa phạm vi phủ sóng vô tuyến với công năng như mạng cáp quang.

Mặc dù có sự khác nhau về định nghĩa FWA ở nhiều quốc gia nhưng hãng nghiên cứu vẫn khẳng định còn rất nhiều khoảng trống ở dịch vụ 5G FWA để các nhà viễn thông khai thác, nhất là vào lúc này khi xu hướng làm việc tại nhà đang gia tăng đột biến do đại dịch Covid-19, khiến lưu lượng truy cập mạng từ doanh nghiệp chuyển sang khu dân cư.

Trong báo cáo di động mới nhất của hãng Ericsson, ông Fredrik Jejdling - Phó Chủ tịch điều hành Ericsson - chia sẻ: “FWA được truyền tải qua 4G hay 5G sẽ là giải pháp hiệu quả thay thế băng rộng, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí trong những nơi hạn chế về các dịch vụ cố định như ADSL, cáp hoặc cáp quang”.

Về phía Counterpoint, bà Tina Lu - chuyên gia phân tích cấp cao - nhìn nhận 5G FWA toàn cầu sẽ đạt hơn 50 triệu kết nối vào năm 2025 và tăng thành 450 triệu đến năm 2030. “Dù Bắc Mỹ và châu Á đang là 2 vùng trọng điểm của 5G FWA, chiếm hơn 75% trong tổng lượng kết nối toàn cầu nhưng châu Âu cũng hứa hẹn là khu vực bức phá về 5G FWA đến năm 2030, sau khi hoàn thiện phần nâng cấp mạng lưới DSL của tất cả người dùng”.

>> Cước Internet Ấn Độ rẻ nhất thế giới

Đình An

Ý kiến

()