Mục tiêu đầy thách thức: Kinh tế số đóng góp 20% vào GDP năm 2025
Theo anh Phan Hồng Tâm, đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách sống, làm việc và kết nối con người trong xã hội. Tác động của nó đã ảnh hưởng sâu sắc dến tình hình kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp trên cả nước. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chuyển đổi số là tiền đề quan trọng để thích nghi và tận dụng các cơ hội bứt phá trong trạng thái bình thường mới.
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế Industry 4.0 2021 (Industry 4.0 Summit), sự kiện lớn và uy tín nhất Việt Nam về công nghiệp 4.0 (tổ chức ngày 24/11). |
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển nền kinh tế số đóng góp 20% GDP của cả nước vào 2025 và 30% GDP cả nước vào năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy thách thức. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần nhanh chóng chuyển đổi số, cần phải thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang một mô hình kinh doanh mới linh hoạt hơn, tận dụng các tài nguyên số, hạ tầng số để đạt được các mục tiêu đề ra.
Hạ tầng số là một thành phần chủ chốt của chuyển đổi số. Hạ tầng số phải đi trước, phải xây dựng một cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ để làm nền tảng để thúc đẩy phát triển chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, hạ tầng số là một khái niệm khá mới mẻ, trên thế giới vẫn chưa có một khái niệm đúng đắn về hạ tầng số.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông thì hạ tầng số bao gồm 2 thành phần chính là hạ tầng vật lý (hạ tầng cứng) và hạ tầng mềm. Về hạ tầng cứng, chúng ta có hạ tầng viễn thông, mạng di động 4G, 5G, có mạng internet cáp quang FTTH phủ đến người dân, mạng truyền dẫn DWDM, mạng cáp quang biển quốc tế kết nối Việt Nam với thế giới. Đây là những hạ tầng số rất cơ bản và nhiều người chúng ta đã quen thuộc. Một thành phần hạ tầng vật lý mới hơn là các trung tâm dữ liệu và hạ tầng điện toán đám mây để lưu trữ, xử lý và truyền tải các dữ liệu số, trong đó thì hạ tầng điện toán đám mây là thành phần mới nhất, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế số.
Hạ tầng mềm bao gồm các hệ thống thiết bị đầu cuối device endpoint và các ứng dụng nền tảng số chạy trên các nền tảng hạ tầng số vật lý, kết nối các hệ thống hạ tầng số lại với nhau, xử lý các dữ liệu số và đem lại các giá trị kinh tế số mới cho doanh nghiệp, cho tổ chức.
Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có những điểm nhấn trong phát triển hạ tầng số, chúng ta có các mạng viễn thông 4G và đang thử nghiệm 5G di động, mạng Internet cáp quang đã phổ cập đến rất nhiều tình thành trên cả nước, đến từng người dẫn, chúng ta có 6 tuyến cáp biển quốc tế, rất nhiều các trung tâm dữ liệu. FPT cũng tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng số ở Việt Nam và nhận thức được tầm quan trọng của điện toán đám mây – đây là chìa khoá cốt lõi để thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia.
Anh Phan Hồng Tâm, Giám đốc hạ tầng FPT Smart Cloud. |
Chuyển đổi số nhanh chóng bằng dịch vụ cloud
Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại. Có những tồn tại như thiếu hụt nguồn kỹ sư IT chất lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu chuyển đổi số doanh nghiệp, các vấn đề về nguồn vốn để thực hiện chuyển đổi số, các quy trình về kinh doanh và quản trị dữ liệu rời rạc, đấy là những vấn đề mang tính chủ quan của doanh nghiệp. Ngoài ra còn những vấn đề khách quan như thời điểm chuyển đổi số, thiếu một chiến lược chuyển đổi số toàn diện, khách hàng có thể chưa thích ứng với các kết quả chuyển đổi số của doanh nghiệp...
“Những vấn đề đó có thể được xử lý một cách sâu sắc nhờ bài toán về điện toán đám mây” - anh Phan Hồng Tâm nhấn mạnh.
Điện toán đám mây đem lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số trong đó có 4 lợi ích cơ bản cốt lõi. Thứ nhất là khả năng cung cấp hạ tầng một cách nhanh chóng. Doanh nghiệp triển khai một cơ sở hạ tầng truyền thống sẽ mất nhiều tháng để thực hiện một lộ trình đầu tư, triển khai hệ thống và cung cấp dịch vụ. Giờ đây với việc thuê hạ tầng cloud, doanh nghiệp chỉ mất vài ngày, thậm chỉ vài giờ để có một hạ tầng đầy đủ đáp ứng mục tiêu kinh doanh.
Thứ hai, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ cloud một cách linh hoạt và thứ ba là tính co giãn. Doanh nghiệp có thể cân đối hạ tầng cần sử dụng tùy vào các chương trình, sự kiện theo nhu cầu, trả tiền theo nhu cầu sử dụng, khi không sử dụng dịch vụ nữa, thì trả lại cho nhà cung cấp. Như vậy từ mô hình CAPEX là mô hình đầu tư, giờ đây doanh nghiệp chuyển sang mô hình OPEX là mô hình vận hành, mô hình đi thuê, doanh nghiệp sẽ có nhiều nguồn vốn đề tập trung phát triển kinh doanh.
Thứ 4, cloud có khả năng giúp giải quyết các bài toán cao cấp hơn. Đó là sử dụng dữ liệu để phân tích, từ đó đưa ra những dự đoán, những lời khuyên, lời giải từ các dữ liệu của doanh nghiệp. Điều đó chỉ có thể làm một cách nhanh chóng thông qua cloud.
Với hàng triệu doanh nghiệp đang cần chuyển đổi số thì cloud chính là chìa khoá để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, nhờ vậy, nền kinh tế số có thể tăng trưởng một cách đột biến, như vậy mới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 20% vào năm 2025.
Trong chiến lược phát triển hạ tầng số, chính phủ tập trung vào 5 lĩnh vực chính: nông nghiệp, y tế số, giáo dục và đào tạo, thương mại điện tử và du lịch trực tuyến. Có thể thấy 5 lĩnh vực này sẽ là những mũi nhọn để phát triển kinh tế số Việt Nam trong giai đoạn tới.
“Chúng ta phải chấp nhận một sự thật là Covid-19 đã làm cho mọi thứ không còn giống như trước, chúng ta vẫn phải kinh doanh trong một hoàn cảnh mới, gọi là bình thường mới. Chúng ta có thể nhìn thấy các thách thức từ chuyển đổi số, từ chiến lược đến phần hạ tầng và chúng ta phải áp dụng cách thức mới để giải quyết các vấn đề đó. Tại FPT, chúng tôi tin rằng, mô hình Future is as a Service on e-Infrastruture tức là mô hình dịch vụ, khi đó các bạn sẽ được sử dụng các công nghệ, dịch vụ tốt nhất, nền tảng tốt nhất do những con người tốt nhất phục vụ - điều chỉ có thể cung cấp được bằng Hạ tầng số. Đây sẽ là câu trả lời cho mọi doanh nghiệp”, anh Phan Hồng Tâm nói.
Ý kiến
()