Chúng ta

FPT đề xuất giải pháp tối ưu chi phí logistics chuỗi giá trị nông sản

Thứ năm, 9/7/2020 | 15:50 GMT+7

Bên cạnh các giải pháp về quy hoạch vùng kinh tế, đầu tư xây dựng trung tâm logistics nông sản Việt Nam, đại diện FPT đề xuất lập hệ sinh thái và khối liên minh để tạo trục tích hợp dữ liệu lớn trong cắt giảm chi phí logistics.

Sáng nay (ngày 9/7), Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Cắt giảm chi phí Logistics - Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt”. Chương trình được tổ chức thông qua hệ thống trực tuyến Webex cùng 2 điểm kết nối chính Hà Nội và TP HCM. 

Với vai trò là Chủ tịch VIDA, anh Trương Gia Bình cho rằng logistics đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong sản xuất nông nghiệp và tình trạng mạnh ai người đó làm nên cần có sự chung tay, kết nối giữa các thành phần từ sản xuất, vận tải, kinh doanh cho đến các hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước. “Chúng ta cần có sự kết hợp đa chiều, đa phương tiện: hiệp hội - doanh nghiệp - nhà nước; hàng không - đường bộ - đường thuỷ - đường sắt”, anh Bình nhấn mạnh.

640-vida-3-2239-1594282585.png

Anh Trương Gia Bình cho rằng, logistics đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Cạnh đó, anh Bình kỳ vọng hội nghị cũng tạo ra sự khác biệt là đẳng cấp công nghệ với logistics. Theo anh, Covid đang đẩy xã hội, con người sang một thời đại mới dựa vào dữ liệu, công nghệ, chuyển đổi số. Việt Nam có gần 1 triệu người làm trong ngành công nghệ thông tin, đã và đang giải quyết nhiều bài toán phức tạp cho các thị trường lớn toàn cầu: Pháp, Đức, Mỹ, Nhật… Do đó, không có lý do gì lại không vận dụng công nghệ trong việc giảm chi phí logistics để nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt Nam.

Cụ thể hơn về chi phí logistics trong nông nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam, nói các yếu tố làm tăng chi phí gồm vận chuyển, tối ưu hóa 2 chiều không hiệu quả, phụ phí và các phí địa phương do chủ hàng và nước chủ nhà áp. Bên cạnh đó là chi phí hải quan, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch và hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng khiến chi phí logistics tăng cao. Cụ thể, việc khu vực chế biến nằm xa vùng sản xuất sẽ khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao và gây ra hao hụt trong quá trình vận chuyển. Điều này đặt ra vấn đề về quy hoạch tổng thể, đưa các vùng chế biến về gần nơi sản xuất.

640-vida-1-5929-1594282585.png

Ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch Công ty Bắc Kỳ.

Ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch Công ty Bắc Kỳ chuyên về kinh doanh vận tải cũng cho rằng, chỉ bản thân doanh nghiệp sẽ không thể làm giảm chi phí logistics nếu không có quy hoạch tốt. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, cần có quy hoạch logistics theo vùng, theo loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để hình thành các trung tâm vận chuyển, logistics hiện đại, từ đó, đạt được sự liên kết giao thông, cảng biển, hàng không... Hiện nay, khu vực chế biến thường được đặt trong các khu công nghiệp nếu không gần vùng nguyên liệu thì sẽ khiến giá thành tăng, hao hụt trong vận chuyển sau thu hoạch. Do đó, ông Toản cho rằng cần có từng đề án căn cơ cho từng vùng Bắc bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL... để tối ưu hóa được quy hoạch vùng nhằm giảm chi phí logistics cho nông nghiệp.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, chi phí vận chuyển nội địa quá cao đang cản đường tiêu thụ nông sản của nhiều doanh nghiệp. Ông lấy ví dụ, chi phí vận chuyển 1 container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 15 triệu đồng thì vận chuyển 1 container tôm từ TP HCM ra Hà Nội tốn 80 triệu đồng, gấp đôi vận chuyển ra nước ngoài. Tương tự, một container tôm từ TP HCM đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa.

"Đây là điều hết sức vô lý, vì vậy các ngành chức năng cần có giải pháp cắt giảm chi phí vận chuyển nội địa, do có quá nhiều trạm thu phí đã đẩy giá lên cao, trong khi hệ thống đường biển, đường sông có nhiều nhưng không phát huy tác dụng do không có cảng nội địa", ông Quang kiến nghị.

640-vida-4-1543-1594282585.png

Anh Bùi Vĩnh Thắng - PGĐ khối Phát tiển giải pháp Logistics (FPT Software) nhận định, đây là vấn đề không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà các quốc gia lớn trên thế giới đều gặp phải.

Là một trong những đơn vị đang triển khai nhiều bài toán liên quan đến logistics, anh Bùi Vĩnh Thắng - PGĐ khối Phát triển giải pháp Logistics (FPT Software) nhận định, đây là vấn đề không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà các quốc gia lớn trên thế giới đều gặp phải. Điển hình là 2 giải pháp Tradelens và TradeWaltz đã ra đời để giải bài toán tối ưu chi phí vận chuyển. Điểm chung của các bài toán này là cần có trục tích hợp các hệ thống và chi phí liên thông dữ liệu.

Cụ thể, dựa trên trục tích hợp này, doanh nghiệp có thể giải quyết các vấn đề: truy xuất nguồn gốc; Dự báo các yêu cầu; Thông tin và kế hoạch xử lý tồn kho; Liên thông vận tải; Phân tích dữ liệu tối ưu cho vận tải... Đặc biệt, vấn đề xử lý tồn kho phụ thuộc vào từng quy trình trong ngành nhưng nếu liên minh được toàn bộ dữ liệu kho, hệ thống sẽ đưa ra phương án tối ưu cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo anh Thắng, để xây dựng trục tích hợp này cần thiết có hệ sinh thái (ecosystem) và khối liên minh các doanh nghiệp, hiệp hội. “Việc thực hiện hệ thống hoàn toàn có thể triển khai”, anh Thắng nhấn mạnh. Cụ thể, các nguồn dữ liệu về hành trình, ngành hàng, đơn hàng, thời tiết, đều đã có. Nền tảng hệ thống FPT Software đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện. Nhấn mạnh thêm, anh Thắng chia sẻ, hệ thống sử dụng thiết bị đầu cuối có thể kết nối đa dạng với các loại thiết bị nên có độ phủ sâu, rộng.

Đồng quan điểm với hội nghị, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, lĩnh vực nông sản là nhóm ngành nổi bật với giá trị thấp nhưng chi phí: bản quản, vận chuyển… quá cao. Tuy nhiên đây là nhóm có cơ hội phát triển lớn không bị ảnh hưởng nhiều bởi bối cảnh như Covid hiện tại. Do vậy, vai trò của công nghệ là quan trọng trong vấn đề tháo gỡ này. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp khởi nghiệp với việc kết nối phương tiện nhưng quy mô nhỏ, không đáp ứng được cho thị trường nông sản Việt Nam. Do vậy, việc kết hợp hiệp hội, doanh nghiệp và nhà nước là cần thiết trong bối cảnh hiện tại.

>> Chủ tịch FPT: 'Covid-19 là cơ hội số hoá sản phẩm nông nghiệp'

Đại hội lần thứ I (2019-2024) của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam diễn ra ngày 29/9/2019 ở Hà Nội đã bầu Chủ tịch FPT Trương Gia Bình làm Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.

Hà Trần

Ý kiến

()