Chúng ta

Chuyên gia FPT chia sẻ giải pháp tối ưu hoá Logistics nông nghiệp

Thứ bảy, 15/8/2020 | 21:26 GMT+7

Sáng 15/8, chương trình “Logistics chuyên sâu cho doanh nghiệp nông nghiệp số” đã diễn ra theo hình thức trực truyến với hơn 300 kết nối từ các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp toàn quốc.

Tiếp nối chủ đề “Logistics nâng cao giá trị nông sản” đã được nêu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 tổ chức ở Đà Nẵng và kết luận tại Hội nghị về cắt giảm chi phí logistics cho nông sản vào ngày 9/7, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức chương trình đào tạo “Logistics với thương mại nông sản” nhằm cung cấp những kiến thức về logistics cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản cũng như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, đồng thời tạo cầu nối liên kết các doanh nghiệp của hai ngành với nhau.

640-vida2-2704-1597485762.png

Hội nghị diễn ra với sự tham gia của hơn 300 kết nối qua hệ thống Webex. Ảnh: Trần Huấn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và Đào tạo VIDA Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nông nghiệp là ngành mà Việt Nam có nhiều thế mạnh, tiềm năng phát triển và có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, do vậy, hoạt động logistics đối với nông sản luôn là một mối quan tâm lớn của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản cũng như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics.

Đồng ý với quan điểm đó, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam nhận định, logistics cho nông nghiệp là phân ngành dịch vụ lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam là đất nước nông nghiệp nên đề tài đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, chi phí cho logistics nông nghiệp và thương mại nông sản cao. Đối với mặt hàng rau quả, logistics chiếm đển 28% - 29% trị giá của hàng hoá và tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch lớn tạo nên chi phí nông sản cao. Do vậy, ngành nông sản cần phải được quan tâm, áp dung công nghệ linh hoạt để giảm chi phí.

640-vida-3-4690-1597485762.png

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục Trưởng cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương nhận định cần có sự góp mặt của công nghệ 4.0 trong quá trình logistics nông sản. Ảnh: Trần Huấn.

Là người có sự quan tâm đặc biệt với ngành nông nghiệp, ông Trần Thanh Hải - Cục phó Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho rằng, kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 40 tỷ USD, nông sản là ngành kinh tế chiếm ưu thế lớn trong kinh tế của đất nước. Do vậy, với vai trò là đất nước xuất khẩu nông sản lớn, các vấn đề logistics là mối quan tâm hàng đầu. Hiện nay, 14 hiệp định thương mại tự do đã được ký với cam kết cao, trong đó nông sản luôn là mặt hàng ưu tiên đàm phán và mở cửa thị trường. Tuy nhiên trong quá trình thương mại, nếu Việt Nam không chuẩn bị công nghệ sẽ không tận dụng được lợi thế từ các hiệp định. Do vậy, hiện tại ngành nông nghiệp đang cần những giải pháp góp phần hỗ trợ xuất khẩu, gia tăng giá trị mặt hàng và chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, xu hướng công nghệ 4.0 đang góp phần quan trọng trong việc tối ưu hoá logistics nông nghiệp.

Là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số tại Việt Nam, anh Trần Hoàng Giang - GĐ akaChain (FPT Software) đã có phần chia sẻ về về việc áp dụng công nghệ, đặc biệt AI, blockchain vào việc phát triển và truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng trong nông sản.

640-anh-Giang-1192-1597485762.png

GĐ akaChain Trần Hoàng Giang giới thiệu giải pháp tối ưu quy trình logistics nông sản Việt. Ảnh: Trần Huấn.

Theo anh, chuỗi cung ứng bao gồm nhiều gia đoạn: cung ứng lạnh, bao bì nông sản, vận chuyển hàng hoá… Nếu sản phẩm truy suất nguồn gốc tốt thì chuỗi cung ứng liền mạch và tối ưu hoá về kinh doanh, sản xuất, tiết kiệm được quy trình.

Truy suất nguồn gốc được phát triển từ lâu bắt đầu từ Mỹ, châu Âu, tại Việt Nam bắt đầu có những bài toán, doanh nghiệp đứng ra để làm truy suất nguồn gốc. Tuy nhiên nếu theo mô hình truy xuất nguồn gốc truyền thống cần đi qua nhiều đầu mối: nông trại, nhà máy chế biến, hệ thống phân phối, cửa hang, nhà tiêu dùng. Quy trình đòi hỏi tất cả doanh nghiệp phải cài đặt ứng dụng nên dễ có nguy cơ đứt gãy thông tin khiến cho khả năng truy suất nguồn gốc khó khăn và không đảm bảo, vì không phải tất cả doanh nghiệp, đơn vị đều có nhu cầu, chấp nhận thay đổi hệ thống công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam có nguồn dữ liệu đơn giản do mô hình thường chỉ tập trung vào khía cạnh hoặc chi tiết sản xuất, quá trình phân phối. Để khắc phục nhiều hạn chế đó, anh Giang đề xuất nhóm giải pháp sử dụng công nghệ, trong đó blockchain là cốt lõi. Khi thực hiện truy suất nguồn gốc thì cần QR code, RFID (thẻ nhập kho bãi hàng hoá) để nhận điện được sản phẩm. Khi hệ thống truy suất nguồn gốc tốt có thể kết nối với tất cả các hệ thống đang có sẵn của doanh nghiệp như các hộ chăn nuôi, quản lý hoạt động… để tạo chuỗi thực phẩm sạch. Đối với những đơn vị chưa có hệ thống riêng, FPT sẵn sàng cung cấp phần mềm cho họ như: Mobi app, Web.

640-vida-2266-1597485762.png

Các doanh nghiệp đánh giá nội dung chương trình ý nghĩa, đặc biệt giải pháp tối ưu quy trình. Ảnh: Trần Huấn.

Ví dụ với mô hình chăn nuôi, hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ hiện diện ở tất cả các bước: chăn nuôi, vận chuyển, lò mổ, đóng gói, vận chuyển, người tiêu dùng. Cuối cùng, người tiêu dùng có thể kiểm tra được sản phẩm có nguồn gốc như thế nào, đưa ra quyết định tiêu thụ nhanh hơn. Quy trình này tương tự với mô hình sản phẩm rau củ quả sạch. Nông dân có thể cập nhật lịch sử nuôi trồng hàng ngày lên hệ thống sau khi quét mã QR code.

Điểm quan trọng của việc triển khai ứng dụng này là phân nhóm người dùng. Ví dụ quy trình tiêu thụ thịt: nhóm sản xuất, nhóm bán hàng (siêu thị, cửa hàng), khách hàng. Điều này hỗ trợ thống nhất, liền mạch mang đến sự an tâm cho người dùng khi quét thông tin nguồn gốc. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có thể quản lý tốt rủi ro/ khủng hoảng; giúp xác định rõ giới hạn, trách nhiệm; xây dựng thương hiệu, thiết lập mối quan hệ tin cậy với người tiêu dùng.

Một số lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc đem lại: nâng cao giá trị thương hiệu, năng lực cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhâoj khẩu hàng hoá nông nghiệp; đáp ứng nhu cầu và lợi ích của người tiêu dung cũng như khách hàng. Đối với các thương nhân, truy xuất nguồn gốc đảm bảo tính minh bạch của sản phẩm; giúp đơn vị đẩy mạnh cơ chế kiểm soát chất lượng, nâng cao khả năng quản lý, vận hành kinh doanh; chống lại hàng giả, bảo vệ thương hiệu công ty. Từ đó, quá trình rút ngắn thời gian xâm nhập của sản phẩm tới thị trường, nhờ vào sự gắn kết giữa các bộ phận và khâu tham gia; Tăng sự hài lòng và tin cậy của người tiêu dùng; Có dữ liệu phân tích hành vi khách hàng, từ đó phân tích được nhu cầu của thị trường theo từng thời điểm.

Là doanh nghiệp phân phối trong nước, anh Đỗ Thế Uyên Vũ bày tỏ băn khoăn, 90% nông sản hiện nay đi qua các chợ đầu mối, áp dụng blockchain như thế nào để truy xuất nguồn gốc? Trả lời câu hỏi này, GĐ akaChain Trần Hoàng Giang nhận định, khi hàng hoá đi qua các địa điểm như chợ đầu mối, siêu thị thì những bên nhận hàng đều cần ứng dụng để cập nhật thông tin. Quan trọng cần có những ứng dụng để thân thiện với khách hàng, người dùng. Xuất phát từ thực tế, những người ở chợ đầu mối hay chủ sản xuất là nông dân thường không tiếp xúc nhiều với công nghệ nhiều. Khi họ sử dụng điện thoaị để khai báo thông tin, chụp ảnh QR code cần có ứng dụng đủ thân thiện để chọn thông tin có sẵn. “Đặc biệt, ứng dụng này cần tạo thiện cảm để họ sẵn sàng dùng”, anh Giang bày tỏ.

Bên cạnh các giải pháp công nghệ, hội nghị còn được lắng nghe các thông tin về lịch sử phát triển chuỗi cung ứng logistics nông nghiệp, cung ứng lạnh và đóng gói bao bì tối ưu hoá.

>> Giám đốc akaChain: Logistics nông nghiệp sẽ là nền kinh tế chia sẻ

Trước đó (ngày 9/7), Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Cắt giảm chi phí Logistics - Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt”.

Với vai trò là Chủ tịch VIDA, anh Trương Gia Bình cho rằng logistics đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong sản xuất nông nghiệp cần tạo ra sự khác biệt là đẳng cấp công nghệ với logistics. Tại đây, anh Bùi Vĩnh Thắng - PGĐ khối Phát triển giải pháp Logistics (FPT Software) cũng đưa ra giải pháp trục tích hợp các hệ thống và chi phí liên thông dữ liệu.Cụ thể, dựa trên trục tích hợp này, doanh nghiệp có thể giải quyết các vấn đề: truy xuất nguồn gốc; Dự báo các yêu cầu; Thông tin và kế hoạch xử lý tồn kho; Liên thông vận tải; Phân tích dữ liệu tối ưu cho vận tải... Đặc biệt, vấn đề xử lý tồn kho phụ thuộc vào từng quy trình trong ngành nhưng nếu liên minh được toàn bộ dữ liệu kho, hệ thống sẽ đưa ra phương án tối ưu cho doanh nghiệp.

Hà Trần

Ý kiến

()