Chúng ta

FPT ‘nắm cơ trong nguy’ với giải pháp chuyển đổi số

Thứ sáu, 7/8/2020 | 14:52 GMT+7

6 tháng đầu năm nay, xoay chuyển nhanh với dịch Covid đã mang lại kết quả tăng trưởng ấn tượng cho mảng dịch vụ Chuyển đổi số (DX) của FPT, tăng 65% so với cùng kỳ, đóng góp 1.773 tỷ đồng về doanh thu.

Chia sẻ tại hội nghị “Gặp gỡ nhà đầu tư” trực tuyến diễn ra chiều ngày 6/8, CEO FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết tập đoàn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 và lên sẵn các kịch bản kinh doanh, cả trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục lan rộng. Từ đầu tháng 4, FPT kích hoạt tinh thần làm việc “Thời chiến”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, sẵn sàng các phương án làm việc từ xa, tận dụng mọi cơ hội để đảm bảo không ai mất việc và đủ khả năng bứt phá sau Covid.

“Tất cả lãnh đạo, quản lý cấp cao của FPT vẫn đang giảm lương với tỷ lệ 20%. Ngay khi dịch bùng phát trở lại vào ngày 26/7, chúng tôi đã chủ động chuyển đổi sang làm việc tại nhà trên toàn quốc. Trong đợt 2 này, FPT có đến 14.260 nhân viên làm việc tại nhà, tương đương 51% tổng lao động”, anh Khoa chia sẻ. “Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh, FPT và các công ty thành viên đã có thêm hàng loạt ứng dụng, sản phẩm và giải pháp chứng minh sức mạnh, vị thế của FPT”.

640-5-9844-1596765249.png

Theo anh Khoa, FPT đã và đang kịp thời ứng phó nhanh với dịch Covid, tận dụng cơ hội để bứt phá sau dịch. Ảnh: Trần Huấn. 

Trong “nguy có cơ”, đại dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số nhanh hơn, PTGĐ FPT Nguyễn Thế Phương thông tin. Trong 6 tháng, doanh thu chuyển đổi số của FPT đạt 1.773 tỷ đồng, tăng 65%, ghi nhận vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với các tổ chức, doanh nghiệp trong Coid-19.

Tại thị trường trong nước, FPT phát triển giải pháp số giúp doanh nghiệp phục hồi và bứt phá sau dịch bệnh nhờ tối ưu chi phí, tự động hóa quy trình, đổi mới sáng tạo và tăng cường bảo mật. Doanh thu 6 tháng đầu năm đến từ việc bán sản phẩm “Made by FPT” tại thị trường trong nước đã tăng 28% so với cùng kỳ 2019. Tốc độ tăng trưởng dự kiến trong 5 năm tới (đến 2025) là 45% mỗi năm.

Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng, doanh thu FPT tăng 9%, đạt 13.611 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 13,5%, ở mức 2.021 tỷ đồng. Tập đoàn cũng thực hiện thay đổi chỉ tiêu từng quý để ứng phó và điều chỉnh nội bộ kịp thời.

640-2-6244-1596765249.png

Tại hội nghị, PTGĐ FPT Nguyễn Thế Phương co biết, doanh thu chuyển đổi số của FPT 6 tháng đầu năm tăng 65%. Ảnh: Trần Huấn.

Trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi và khó lường từ đại dịch Covid-19 và xu hướng sụt giảm doanh thu của một số ngành, lĩnh vực, việc chủ động ứng phó, nâng cao quản trị, liên tục tìm kiếm cơ hội và cách làm mới đã giúp FPT có kết quả tương đối khả quan.

FPT tự tin dòng tiền vẫn ổn định nên HĐQT đã quyết định vẫn tạm ứng cổ tức 10% cho cổ đông. Ngoài ra, HĐQT còn thông qua việc thành lập đơn vị kinh doanh mới là Công ty Smart Cloud có mức vốn 100 tỷ đồng, tập trung chính vào mảng Cloud (điện toán đám mây) và AI (trí tuệ nhân tạo).

Chia sẻ với các nhà đầu tư, PTGĐ FPT cho hay thị trường này có tổng giá trị khoảng hơn 100 triệu USD năm 2019 và dự kiến tăng 25-30% các năm tới, hứa hẹn đầy tiềm năng. FPT có đủ cơ sở để đầu tư kinh doanh mảng mới do công ty từng hoạt động mảng này, nhiều nhân sự có kinh nghiệm, có quan hệ đối tác với các hãng Cloud lớn trên thế giới và là đơn vị tư nhân có tính chuyên nghiệp cao nên cung cấp dịch vụ tốt hơn.

Thông tin về mảng CNTT tại thị trường nước ngoài, PTGĐ FPT Software Nguyễn Khải Hoàn cho biết thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU và APAC (châu Á - Thái Bình Dương) đều có tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận. Riêng thị trường Mỹ có lợi nhuận tăng mạnh.

Trong khi đó, Giám đốc Tài chính FPT Telecom Nguyễn Thanh Bình cho biết công ty phát triển song song gói cước Internet với dịch vụ Truyền hình, theo đó, bán kèm với tỷ lệ khoảng 80%, trong khi không kèm là 20%.

640-3-3915-1596765249.png

FPT cũng chia sẻ nhiều giải pháp, sản phẩm thúc đẩy chuyển đổi số Made by FPT. Ảnh: Trần Huấn.

Trong đợt dịch Covid-19, FPT Telecom có bị ảnh hưởng doanh thu nhưng số lượng thuê bao vẫn tăng 28%. Doanh thu dịch vụ truyền hình hiện đóng góp khoảng 30% trong mảng viễn thông. Viễn thông FPT khẳng định vẫn tập trung vào nội dung mới, trong giai đoạn dịch mở thêm kho phim với nhiều thể loại phim hấp dẫn để tạo ra nhiều dịch vụ mới cho khách hàng. Công ty quan tâm trải nghiệm khách hàng quan trọng nhất và đang rà soát chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, trọng tâm của FPT Telecom tương lai vẫn là Data Center (DC - trung tâm dữ liệu) và cần nhiều thời gian để xây dựng. Hiện DC tại Hà Nội cơ bản đã hoàn thiện và đang chờ khai trương. Trong khi đó, DC tại TP HCM có công nghệ đặc biệt nên cần chuyên gia nước ngoài đánh giá. Chuyên gia đã vào Việt Nam để cách ly và chờ hết 14 ngày để nghiệm thu dự án, sau đó công ty sẽ triển khai bán hàng. Trong tương lai, FPT Telecom triển khai tiếp DC khác cũng ở TP HCM, dự kiến hoàn tất năm 2022 để đón làn sóng đầu tư lớn hơn.

Tại buổi gặp gỡ cổ đông, FPT cũng chia sẻ hướng kinh doanh mới về các giải pháp, sản phẩm thúc đẩy chuyển đổi số “Made by FPT”. GĐ Công nghệ FPT Lê Hồng Việt nhận định, đây là cơ hội lớn từ mảng thị trường công nghệ. Cụ thể, tổng giá trị thị trường sản phẩm phần mềm ước đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025, tăng bình quân 14,8% mỗi năm. Tính riêng dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu là 2.300 tỷ USD năm 2023 với mức tăng trưởng bình quân 17,1% mỗi năm.

640-4-7901-1596765249.png

Nhà đầu tư ấn tượng với mức độ tăng trưởng 2 con số của FPT Software. Ảnh: Trần Huấn.

Các nhà đầu tư bày tỏ sự ấn tượng với kết quả tăng trưởng và nhiều nỗ lực nắm bắt cơ hội trong tình hình dịch bệnh của FPT, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Nhà đầu tư Nguyễn Nam băn khoăn về khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực Cloud, AI của công ty mới thành lập - FPT Smart Cloud với các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu như Google... Chia sẻ với nhà đầu tư, CEO Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh với mảng Cloud, FPT xác định không cạnh tranh với các "ông lớn" trên thế giới như Microsoft hay Google mà là trở thành đối tác với họ để cung cấp dịch vụ cho thị trường Việt Nam, đồng thời nghiên cứu để tự xây dựng nền tảng Cloud. Đây là lĩnh vực đầu tư dài hạn và hiện FPT mới cung cấp một số dịch vụ liên quan ở mức cơ bản, cần phải đầu tư thêm.

Đại diện nhà đầu tư khác bày tỏ sự ấn tượng FPT Software tăng trưởng đến 2 chữ số. PTGĐ FPTS Software Nguyễn Khải Hoàn chia sẻ, khủng hoảng dịch Covid-19 khiến nhiều đối tác lớn của FPT Software trong lĩnh vực hàng không, dầu khí… bị ảnh hưởng nặng nề và làm giảm tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty. Ngoài ra, nhà Phần mềm còn chi tiền để nâng cấp hạ tầng, triển khai giãn cách văn phòng, mở rộng khu nhà ăn, chi phí di chuyển… Tuy nhiên, Intellinet (Mỹ), công ty tư vấn mà FPT mua lại năm 2018 đã có kết quả kinh doanh tốt trong nửa đầu năm nay đã giúp lợi nhuận tại toàn thị trường Mỹ vẫn tăng trưởng ấn tượng 30%. FPT Software cũng vừa thắng thầu một dự án lớn với quy mô khoảng 25 triệu USD.

Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam (APAC), tăng trưởng tốt nhờ các sản phẩm có thương hiệu như akaBot… bắt đầu thể hiện tính ưu việt. Công ty đã ký được 3 hợp đồng triệu USD về blockchain tại thị trường này. Tại Malaysia, công ty cũng vừa thắng được một hợp đồng lớn.

>> Thương hiệu FPT trị giá nhất ngành công nghệ Việt Nam

Hà Trần - Hà An

Ý kiến

()